Chuyên gia cho rằng giống như Australia, TP.HCM khó mà quay về mô hình “zero Covid-19”, thay vào đó cần tiếp tục phủ vaccine và ứng phó việc có ca nhiễm khi mở cửa lại.
“Tôi không nghĩ TP.HCM có thể trở lại thời kỳ ‘zero Covid-19’. Đơn giản là vì Delta lây lan rất mạnh, đặc biệt ở đô thị”, James Trauer – chuyên gia về mô hình dự báo dịch tễ học tại Đại học Monash, Australia, nói với Zing.
Tương tự Việt Nam, Australia – nơi ông Trauner làm việc – từng là một trong những quốc gia kiểm soát thành công Covid-19. Bằng những biện pháp nghiêm ngặt như đóng cửa biên giới và phong tỏa kéo dài, nước này đã có thể tránh được các đợt bùng phát quy mô lớn.
Tuy nhiên, biến chủng Delta với khả năng lây lan nhanh chóng đã “thay đổi cuộc chơi”, cũng đã đẩy chiến lược “0 ca Covid-19” (Zero Covid) của xứ sở chuột túi đến giới hạn. Nhiều quốc gia khác áp dụng mô hình “Zero Covid-19” cũng trong tình trạng nan giải tương tự.
Trao đổi với Zing, ông James Trauer cho rằng trong quá trình mở cửa, thay vì chú ý về mặt thời gian, chính quyền cần lưu ý tỷ lệ bao phủ vaccine và hệ số lây nhiễm R trong cộng đồng.
Trong khi đó, theo giáo sư Helen Dickinson, Giám đốc Nhóm nghiên cứu Chính sách Công tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học New South Wales, chi nhánh ở Canberra, chính phủ cần tập trung tiêm chủng cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương để giảm số ca nhập viện và tử vong xuống mức thấp nhất có thể trước khi mở cửa.
Các chỉ số cần lưu ý khi mở cửa
Từ tháng 8, giáo sư James Trauer đã nhận định TP.HCM sẽ không thể kỳ vọng bóc tách toàn bộ ca nhiễm ra khỏi cộng đồng được.
Do đó, ông cho rằng lối thoát duy nhất cho TP.HCM nằm ở việc tiêm vaccine và miễn dịch tự nhiên. Trong lúc đợi vaccine bổ sung, chuyên gia nói điều quan trọng là TP.HCM phải duy trì giãn cách xã hội cho tới khi vaccine được phân phối tới tất cả người dân, cộng với hai tuần để cơ thể sinh miễn dịch.
“Nếu nguồn cung vaccine khan hiếm, tôi cho rằng cần ưu tiên bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất. Vì thế, nhóm người cao tuổi chính là nhóm cần có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất, và cứ thế ưu tiên theo thứ tự giảm dần”, ông cho biết.
Ngoài ra, ông Trauer cho rằng thay vì suy nghĩ về mặt thời gian giãn cách, tốt hơn là nên tìm cách mở rộng phạm vi bao phủ vaccine. Vào thời điểm ban hành các quy định hạn chế, chính quyền nên cân nhắc tỷ lệ dân số được tiêm chủng.
Ngoài chủng ngừa, ông nghĩ rằng cách tiếp cận tốt nhất là thắt chặt các biện pháp đến mức dịch bệnh được kiểm soát, dựa vào thước đo hệ số R. Hệ số R là hệ số lây nhiễm trong cộng đồng, chỉ ra một người bị nhiễm có thể lây cho bao nhiêu người khác.
Sau đó, “nếu các trường hợp mắc không tăng thêm, chính quyền có thể dần dần nới lỏng các hoạt động an toàn nhất như hoạt động ngoài trời, nhà trẻ, trường tiểu học”, ông Trauer nói.
Giáo sư Helen Dickinson của Đại học New South Wales cũng nói rằng phần lớn bang của Australia đã phải từ bỏ chính sách “Zero Covid-19” khi đối phó với biến chủng Delta. Nhà chức trách và chuyên gia y tế Australia đã nhìn nhận Covid-19 có thể không biến mất, và cộng đồng cần chuẩn bị khả năng để chung sống với virus SARS-CoV-2.
Để đạt mục tiêu đó, Australia cần thúc đẩy tiêm chủng thông qua các biện pháp khuyến khích diện rộng. Bà Dickinson cho biết hiện chính phủ Australia đã đề xuất lộ trình quốc gia, theo đó nước này sẽ mở cửa từng bước khi đạt các mục tiêu nhất định.
Tuy nhiên, giáo sư Helen Dickinson bày tỏ lo ngại về một số nhóm như người khuyết tật, thổ dân Australia có thể trở thành mục tiêu tấn công của virus khi mở cửa trở lại.
“Mặc dù được ưu tiên tiếp cận tiêm chủng từ đầu, tỷ lệ tiêm vaccine ở những nhóm này hiện vẫn thấp hơn so với mặt bằng dân số chung”, bà nói với Zing. “Điều đó có nghĩa những người này sẽ gặp rủi ro nếu chúng tôi không tăng cường tiêm chủng cho họ”.
Vì thế, theo bà Dickinson, ưu tiên trước mắt là tiếp cận 100% những đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng trong các nhóm này trước khi mở cửa.
Bài học “chuyển mô hình” của Australia
Số ca nhiễm ở Australia vào đầu tháng 9 đã lên mức 1.400 ca/ngày, con số cao nhất từ đầu dịch. Khoảng 25 triệu người đang sống cùng những quy định phòng dịch nghiêm ngặt. Trong khi đó, Melbourne, một trong những thành phố đông dân nhất Australia, đã chứng kiến hơn 200 ngày phong tỏa kể từ khi dịch bùng phát.
Mục tiêu chống dịch triệt để bắt đầu nhận chỉ trích do ảnh hưởng đến sinh kế và sức khỏe tinh thần người dân.
Sydney tiến hành dỡ bỏ lệnh giới nghiêm tại các điểm nóng dịch bệnh hôm 15/9. Ảnh: Reuters. |
Từ tháng 8, Thủ tướng Australia Scott Morrison tái khẳng định chiến lược mở cửa dần dần. Các giai đoạn mở cửa của Australia được căn cứ theo tỷ lệ dân đã tiêm chủng. Theo đó, các hạn chế sẽ nới lỏng khi 70% người dân từ 16 tuổi trở lên được tiêm chủng. Khi con số này đạt 80%, việc phong tỏa sẽ trở nên hiếm hơn và một số chuyến du lịch trong nước, cũng như quốc tế, dần dần hoạt động.
Trong khi đó, theo “lộ trình dẫn đến tự do” bang New South Wales mới công bố, yêu cầu ở nhà đối với người đã tiêm chủng đầy đủ sẽ sớm dỡ bỏ sau khi tỷ lệ dân số được tiêm vaccine vượt qua 70%. Những người tiêm đủ hai mũi sẽ được phép tụ tập nhưng không quá 5 người.
Các hoạt động di chuyển trong nước được nối lại. Cửa hàng, tiệm làm tóc và phòng tập thể dục cũng mở lại nhưng yêu cầu đảm bảo giãn cách.
Trong khi khuyến khích người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch, chuyên gia cho rằng các nước như Australia cũng cần chuẩn bị để thích ứng với bối cảnh số ca lây nhiễm có thể tăng một khi các hạn chế được nới lỏng. Các quy định phòng dịch hiệu quả như yêu cầu đeo khẩu trang trong không gian kín, kết hợp với tiến hành xét nghiệm và cách ly cũng cần được duy trì.
“Chúng tôi đã thấy tình hình ở Israel, Singapore và nhiều nơi khác nên chúng tôi hiểu kể cả mở cửa khi 80% người dân được tiêm chủng, Australia vẫn sẽ thấy những ca mắc Covid-19”, bà Dickinson nói với Zing.
Nguồn: News.zing.vn