Khi gần như kiểm soát vòng lây nhiễm từ nhóm truyền giáo thì các chuỗi ca bệnh chưa rõ nguồn lây khiến TP.HCM phải kéo dài giãn cách xã hội thêm 2 tuần nữa.
TP.HCM KIỂM SOÁT VÒNG LÂY NHIỄM COVID-19 NHƯ THẾ NÀO TRONG 14 NGÀY QUA?
Sau khi gần như kiểm soát vòng lây nhiễm từ nhóm truyền giáo thì các chuỗi ca bệnh chưa rõ nguồn lây khiến TP.HCM phải kéo dài giãn cách xã hội thêm 2 tuần nữa. Tháng 6 của mùa hè năm 2021 trở thành tháng giãn cách xã hội.
Tiếng xe cứu thương. Những sợi dây phong tỏa. Phố xá vắng tanh. Đồ bảo hộ xanh trắng. Hàng người xếp hàng chờ xét nghiệm.
Đó đều là những hình ảnh không còn xa lạ với người dân TP.HCM suốt 14 ngày giãn cách xã hội. Chỉ từ 40 F0 của “ổ dịch” nhóm truyền giáo, số ca nhiễm tăng nhanh như “vết dầu loang”. Ngày 13/6, TP.HCM ghi nhận ca nhiễm trên toàn bộ 22/22 quận, huyện, thành phố.
14 ngày trôi qua, ngành y tế nhận định chuỗi lây nhiễm từ ổ dịch nhóm truyền giáo đã được kiểm soát. Thế nhưng, thành phố lại tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ mới từ những ca nhiễm trong cộng đồng.
Công ty, khu công nghiệp, trường học…đều ghi nhận ca dương tính. Và mới đây, phòng tuyến quan trọng nhất của ngành y tế là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cũng đã bị virus xâm nhập.
Lúng túng
Đúng 0h ngày 31/5, đồng loạt 10 hàng rào kiểm soát dịch được dựng lên tại 10 “cửa ngõ” chính của Gò Vấp. Trước đó chưa đầy 12 giờ, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu toàn thành phố áp dụng Chỉ thị 15, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) áp dụng Chỉ thị 16.
Chốt chặn được lập nên tại các địa bàn cửa ngõ Gò Vấp từ 0h ngày 31/5. |
Ngay đêm đó, lực lượng công an, cảnh sát giao thông, dân quân tự vệ và tình nguyện viên được cử xuống các chốt, canh gác 24/24. Tình hình có vẻ trong tầm soát khi chỉ một vài người dân phải quay đầu xe tại các chốt kiểm dịch.
Lực lượng chức năng điều phối giao thông và thực hiện nhiệm vụ theo tinh thần Chỉ thị 16 sau khi lệnh cách ly xã hội tại Gò Vấp được áp đặt. |
Thế nhưng, chỉ 8 tiếng sau, các chốt kiểm dịch của Gò Vấp “vỡ trận”. Cảnh tượng hàng km xe cộ ùn ứ khiến lãnh đạo quận Gò Vấp buộc phải ra quyết định thông chốt nhiều lần. Trưa ngày cách ly xã hội đầu tiên, Gò Vấp tạm gỡ hoàn toàn các chốt kiểm dịch để lên phương án kiểm soát người qua lại.
Chốt chặn trên đường Nguyễn Kiệm, giao lộ Phạm Văn Đồng – Phan Văn Trị… (Gò Vấp) ùn tắc nghiêm trọng trong thời gian đóng chốt. Sau đó, lực lượng chức năng đã dỡ rào chắn để giải phóng dòng người. |
21h cùng ngày, các chốt được tái lập. Một lần nữa, sáng ngày cách ly thứ hai, các chốt kiểm dịch lại phải thông chốt vì tình trạng tắc nghẽn kéo dài. Tình hình chưa được cải thiện.
Chiều 1/6, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM, Phó chủ tịch Dương Anh Đức họp khẩn với Gò Vấp để tìm lối thoát cho sự lúng túng ban đầu của quận.
Cùng lúc đó, 70 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn Phòng hóa 38 (Quân khu 7) phối hợp với Tiểu đoàn 907, lữ đoàn 87 (Binh chủng hoá học) phun khử khuẩn cho 12 điểm phong tỏa và nhiều tuyến đường dọc quận Gò Vấp. Những binh đoàn áo trắng, ủng xanh, tay ôm vòi xịt lớn chạy ngang dọc khắp các nẻo đường.
Quân đội phun hóa chất khử khuẩn địa bàn Gò Vấp. |
Ngày cách ly thứ 3, Gò Vấp đổi phương án từ kiểm soát toàn bộ người qua lại sang mở chốt giờ cao điểm. Một ứng dụng khai báo y tế dành riêng cho Gò Vấp cũng được đưa vào hoạt động để kiểm soát người ra vào. Tình trạng ùn tắc được giải quyết.
Gò Vấp vẫn duy trì lệnh cách ly xã hội dù trong quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn. |
Ngày cách ly thứ 6, quận Gò Vấp phối hợp với các quận giáp ranh mở thêm 26 chốt kiểm soát phụ. Chủ tịch quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng đánh giá “đã đạt được mục tiêu giãn cách xã hội”.
Kiểm soát
Chưa chồng. Em chưa 18+. Đã có chồng và hai con.
Những nét chữ trên lưng áo bảo hộ trở thành cách xả hơi riêng của nhiều nhân viên y tế. Họ tự đặt cho mình một nickname mới để có cớ trêu chọc nhau, tìm niềm vui ngắn giữa những mệt mỏi kéo dài.
“Mình mệt chứ, nhưng nhiều đồng nghiệp của mình còn mệt hơn”, chị Thạch Thị Ca, 42 tuổi, Trưởng khoa Tư vấn hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, chia sẻ. Dù đang điều trị ung thư, chị Ca vẫn tình nguyện cùng đồng nghiệp đi lấy mẫu xét nghiệm khắp các khu vực nguy cơ.
Trong 2 tuần dịch bùng phát, người dân Gò Vấp không còn xa lạ với cảnh tượng hàng dài người đứng xếp hàng chờ lấy mẫu. Quận Gò Vấp đã lấy tổng cộng gần 200.000 mẫu xét nghiệm.
Hàng loạt cuộc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 diễn ra ở Gò Vấp và nhiều địa bàn của thành phố. |
Riêng 4 phường 3, 5, 9, 15 được lấy mẫu xét nghiệm toàn phường. Nhóm cán bộ, công chức, người lao động thuộc cơ quan Nhà nước làm các công việc đặc thù, không thể làm việc tại nhà, cũng được ngành y tế tổ chức lấy mẫu riêng.
Nhờ truy vết thần tốc, lấy mẫu diện rộng, sau 5 ngày đầu kể từ khi dịch bùng phát, ngành y tế Gò Vấp phát hiện 16 hội viên của điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng cư trú trên địa bàn quận. Tất cả đều là F0. Các ca nhiễm làm phát sinh 11 ổ dịch nhỏ, lan ra 14/16 phường của quận.
Công tác tầm soát dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm được lực lượng chức năng quyết liệt thực hiện, bất kể ngày hay đêm. |
Ngày 1/6, quận Gò Vấp không ghi nhận ca nhiễm nào trong cộng đồng. Đây là tín hiệu vui cho thấy tình hình được kiểm soát phần nào sau 5 ngày dịch bùng phát tại quận này.
Thế nhưng, chỉ 2 ngày sau, từ 3/6, ngành y tế liên tiếp ghi nhận những ca nhiễm mới trong cộng đồng qua khám sàng lọc tại bệnh viện. Cùng với đó, số lượng F1 trong khu cách ly, phong tỏa chuyển thành F0 ngày càng tăng.
Nhiều ca mắc Covid-19 trong cộng đồng ở TP.HCM liên tiếp được ghi nhận trong những ngày qua. |
Điều này gây áp lực lớn lên các khu cách ly tập trung của quận. Tính đến 12/6, số lượng F1 của quận là 663 ca, ngoài ra, quận còn đang theo dõi 2.686 F2 cách ly tại nhà.
Đây không chỉ là vấn đề riêng của quận Gò Vấp. Nhiều quận, huyện ngoại thành cũng liên tục ghi nhận các chuỗi lây nhiễm lên đến hàng chục ca, phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện.
Ngày 8/6, lần đầu tiên, ngành y tế quận Gò Vấp ghi nhận một ca nhiễm nCoV tử vong trên đường chuyển viện.
Người này chỉ vừa được phát hiện dương tính với nCoV đêm 7/6. Đây là ca tử vong thứ 2 được ghi nhận tại TP.HCM trong đợt dịch này.
Đã có những trường hợp bệnh nhân trở nặng đáng lo ngại ở TP.HCM. |
Cuộc chiến chưa hồi kết
Bước giữa nắng tràn, đường phố nơi tôi ở, từ thơ bé, đã quen Giữa đất nước này, niềm tin luôn căng tràn, đừng lo lắng, cười lên…
Bà Trân Châu (54 tuổi), ngụ hẻm 415 đường Nguyễn Văn Công (Gò Vấp) nhún nhảy trong bộ đồ màu cam sáng, người đung đưa hai bên theo điệu nhạc Việt Nam ơi, mắt cười tít như trẻ con chờ Tết khi nơi bà sống được gỡ phong tỏa. Hẻm này có trụ sở sinh hoạt của điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, nơi ghi nhận hàng loạt ca mắc Covid-19.
Cách hẻm 415 đường Nguyễn Văn Công vài trăm mét là hẻm 891/100 Nguyễn Kiệm cũng được gỡ phong tỏa sáng 10/6. Đây là hai nơi bị phong tỏa đầu tiên, trong 47 điểm cách ly y tế tại quận Gò Vấp. Sáng hôm đó, 37 hộ dân ở hai con hẻm này là những người đầu tiên được gỡ phong tỏa, trở lại với cuộc sống “một nửa” bình thường.
Người dân hẻm 415 Nguyễn Văn Công (Gò Vấp) vui mừng khi khu vực họ sống được gỡ phong tỏa sau 14 ngày. |
Bụp. Tiếng nổ của pháo giấy hòa trong tiếng cười của tất thảy già trẻ lớn bé trong con hẻm 415 đường Nguyễn Văn Công (quận Gò Vấp).
“Bật nhạc là cô ra nhảy liền. Vui quá. Vui hơn cả Tết”, bà Trân Châu phấn khởi nói.
Đây là ngày vui không chỉ với bà Châu mà với toàn bộ người dân quận Gò Vấp bởi chuỗi lây nhiễm “ổ dịch” điểm nhóm truyền giáo đã được kiểm soát.
Trong khi quận Gò Vấp đón nhận những tin vui đầu tiên sau 2 tuần cách ly xã hội, TP.HCM đối mặt với một mối lo mới.
Khu công nghiệp Tân Tạo (TP.HCM) được ngành chức năng ghi nhận có ca mắc Covid-19. |
Ngành y tế cùng lúc ghi nhận 2 ca nhiễm nCoV tại một công ty có 7.000 công nhân trong Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) và tại Công ty PouYuen (quận Bình Tân), nơi có tới 56.000 người lao động. Nhìn từ bài học của Bắc Giang, đây luôn là lo ngại lớn của TP.HCM ngay từ đầu đợt dịch mới bùng phát.
Đứng giữa hàng nghìn công nhân ở Công ty Pouyuen (Khu công nghiệp Tân Tạo, TP.HCM), gương mặt Phương Chi chốc chốc lại ngó lên phía trước để chờ xem đã đến lượt xét nghiệm cho mình hay chưa. Cô đang làm kế toán bên trong Công ty PouYuen, công ty có số lượng nhân viên lớn nhất TP.HCM, hơn 50.000 người. Công ty khổng lồ này đã ghi nhận một ca mắc Covid-19 trong ngày 9/6.
Hàng nghìn công nhân khu công nghiệp Tân Tạo được xét nghiệm nhanh Covid-19. |
Tuy không làm cùng khu vực với bệnh nhân, nhưng Phương Chi vẫn thường trực một cảm giác lo lắng. Chiều 10/6, Chi vui mừng khi được test nhanh Covid-19. Sau khi test, cô trở về công ty và chờ đợi 30 phút sau nhận kết quả.
Một lần nữa Phương Linh vui mừng khi nhận kết quả âm tính, cô nhắn tin thông báo cho chồng về kết quả. Cũng trong ngày 10/6, gần 2.000 nhân viên công ty PouYuen âm tính sau khi thực hiện test nhanh. Đây cũng là lần đầu tiên TP.HCM tổ chức test nhanh bằng phương pháp xét nghiệm kháng nguyên trên diện rộng.
Phó chủ tịch Dương Anh Đức cũng lập tức xuống làm việc với PouYuen để kiểm tra tình hình. May mắn, tất cả F1 của các ca nhiễm này đều âm tính. TP.HCM tạm dập tắt được mối lo về ca nhiễm trong khu công nghiệp.
Thế nhưng sau đó, TP.HCM lại tiếp tục ghi nhận thêm những chuỗi lây nhiễm xuất phát từ các F0 “lang thang” trong cộng đồng.
Qua công tác lấy mẫu và xét nghiệm, ngành chức năng phát hiện thêm nhiều ca mắc Covid-19 trong cộng đồng ở TP.HCM. |
Tình hình trở nên đáng lo ngại hơn khi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới ghi nhận 53 ca dương tính với nCoV chỉ trong chưa đầy 24 giờ. Tất cả đều là nhân viên bệnh viện, đáng nói, toàn bộ nhân viên bệnh viện đều đã tiêm hai mũi vaccine.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới (TP.HCM), nơi ghi nhận hàng loạt ca mắc Covid-19 trong mấy ngày qua. |
Chiều 12/6, những y bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới kéo theo chiếc vali mới nhận từ người thân, bước đi gấp gáp, tiến thẳng vào bệnh viện, sẵn sàng cho một trận chiến chưa rõ ngày kết thúc. Hôm qua, họ còn chiến đấu vì các bệnh nhân. Hôm nay, họ chiến đấu vì chính những đồng nghiệp của mình.
Trưa 14/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong quyết định tiếp tục giãn cách xã hội toàn thành phố thêm 2 tuần nữa. Quận Gò Vấp và quận 12 cũng giãn cách theo Chỉ thị 15. 2 tuần trước mắt sẽ là cuộc chiến sống còn của TP.HCM với các chuỗi lây nhiễm không rõ nguồn lây trong cộng đồng.
Nguồn: News.zing.vn