TP.HCM phát hiện nhiều chuỗi lây nhiễm mới trong cộng đồng qua khám sàng lọc; đặc biệt, tối 12/6, ngành y tế ghi nhận 22 ca dương tính với nCoV tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Nguy cơ lây nhiễm với ngành y tế là một trong những vấn đề được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đề cập trong buổi làm việc với quận Gò Vấp sáng 13/6. Buổi làm việc diễn ra trong bối cảnh chỉ còn một ngày nữa, việc áp dụng Chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) sẽ kết thúc, người dân đang chờ đợi phương án tiếp theo từ UBND TP.
Trong khi đó, tuần qua, TP.HCM phát hiện nhiều chuỗi lây nhiễm mới trong cộng đồng qua khám sàng lọc tại bệnh viện. Đặc biệt, tối 12/6, ngành y tế ghi nhận 22 ca dương tính với nCoV tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, nơi chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 của thành phố.
“Chúng ta đang trong thời gian khá căng thẳng với các ca phát sinh ở nhiều nơi”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức mở đầu bài phát biểu.
Nguy cơ lây nhiễm từ nhân viên y tế
Trong bài phát biểu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhận định nguy cơ lây nhiễm tại các cơ sở y tế đến từ bệnh nhân đến khám bệnh và các F0 đang điều trị là việc đã ý thức rõ từ đầu.
Nguy cơ nhân viên y tế bị lây nhiễm cao.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức
Tuy nhiên, nguy cơ thứ hai đến từ tự thân các nhân viên của lực lượng y tế trong quá trình tiếp xúc ngoài cộng đồng cũng rất lớn.
“Nguy cơ nhân viên y tế bị lây nhiễm là có và thậm chí là cao vì nhiều người có quan hệ rộng, tiếp xúc nhiều”, ông nói.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhấn mạnh nguy cơ lây nhiễm của chính các nhân viên y tế. Ảnh: Thu Hằng. |
Ông Đức nhắc nhở các cơ sở y tế, đặc biệt là bác sĩ, nhân viên y tế quận Gò Vấp ở cả khu vực công và tư đều cần cảnh giác cao độ.
“Đây phải là nhóm có ý thức cao nhất trong việc giữ cho bản thân không bị lây nhiễm. Khi có yếu tố nghi ngờ thì hơn ai hết, người trong lực lượng y tế, phòng chống dịch như công an, quân đội, phải sớm tiếp cận, khai báo để kiểm tra sớm ngày nào tốt ngày đó”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhắc nhở.
Ông cho biết hiện nay, qua hệ thống sàng lọc của các cơ sở y tế, TP phát hiện thêm nhiều ca bệnh do người dân thấy có triệu chứng hoặc yếu tố dịch tễ và đi khám. Đây là tình trạng ở Gò Vấp cũng như toàn TP.HCM.
Do đó, ông nhấn mạnh việc chống dịch đòi hỏi phải thực hiện toàn diện, không chỉ tập trung ở khu cách ly mà cần quan tâm đến nguy cơ bên ngoài cộng đồng.
F0 khai báo nhỏ giọt, làm giảm tốc độ truy vết
Ông Dương Anh Đức nhấn mạnh TP.HCM là nơi có mật độ giao lưu, giao thoa lớn nhất Việt Nam. Đặc biệt sau đợt nghỉ lễ 30/4-1/5, dòng người giữa TP.HCM và các tỉnh rất nhộn nhịp. Ông nhận định thời gian qua việc phát hiện ra nhiều trường hợp dương tính là có quy luật. Theo đó, hệ quả hiện nay có một phần mối liên hệ với việc người dân đi du lịch, thăm thân trong đợt nghỉ lễ.
“Biện pháp thời gian qua đã phát huy tác dụng nhưng chưa đủ an tâm”, ông Đức nhận định.
Ông Đức thống nhất với đề xuất của Sở Y tế TP.HCM trước đó là cần tiếp tục giám sát, vận động người dân có ý thức cao. Nếu tự thấy mình hay người quen có triệu chứng đặc trưng của bệnh Covid-19 và có yếu tố dịch tễ (ví dụ nghi ngờ từng đi ngang qua nơi có F0 hoặc tiếp xúc gần với F0, F1) thì ngay lập tức phải khai báo và nghe theo hướng dẫn của ngành y tế.
Chúng ta đã có một bài học đau thương là trường hợp tử vong ngay trên địa bàn.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức
Sự giao lưu, chuyển động càng nhiều thì nguy cơ càng cao. Do đó, phải vận động để dân hiểu TP.HCM có nhiều cơ sở hỗ trợ phát hiện nguy cơ nhiễm bệnh qua khám sàng lọc. Ông Đức nhấn mạnh phương châm 5 tại chỗ, trong đó người dân cần đến cơ sở y tế gần nhất.
Ông lấy ví dụ vừa qua, có trường hợp người dân ngụ Củ Chi nhưng xuống tận Bệnh viện Thống Nhất để xin xét nghiệm nghiệp vụ. Qua đó, bệnh viện phát hiện 2 ca dương tính là bố và con rể, đều là nhân viên của xưởng cơ khí Tuấn Tú (huyện Hóc Môn).
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM bị tạm phong tỏa từ chiều 12/6 để truy vết sau khi phát hiện ca nhiễm. Ảnh: Chí Hùng. |
Lãnh đạo TP đề nghị nhiều trường hợp liên hệ tới ngành y tế, nếu qua mô tả thấy có triệu chứng rõ ràng thì cần cử lực lượng chuyên nghiệp đến tận nơi để lấy mẫu kiểm soát, giảm sự giao tiếp.
Nói về nguy cơ của đợt dịch này, ông cho biết chủng lây nhiễm hiện nay có tốc độ và mức độ lây lan cao. Những đợt dịch trước, nếu gia đình có F0 thì chỉ một lượng nhỏ bị lây. Nhưng hiện nay, hầu như người sống và làm việc chung với F0 trong một không gian đều nhiễm bệnh.
“Do đó, càng giảm thiểu sự giao tiếp, phát hiện càng sớm thì số lượng người bị nhiễm sẽ giảm đi rất nhiều. Cần vận động nhiều hơn nữa ý thức người dân”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM kêu gọi.
Ông cho biết hiện tại đa số người dân có ý thức rất tốt. Tuy nhiên, một số người đã được xác định là F0 nhưng khai báo, chia sẻ thông tin nhỏ giọt, làm hạn chế tốc độ truy vết trong khi việc truy vết phải “thần tốc”.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM đề xuất ngành y tế nên viết thêm nhiều bài phân tích về tác hại của việc khai báo chậm, khai báo không hết; hoặc thiếu ý thức khi bệnh rất nặng, rất rõ mới khai báo.
“Chúng ta đã có một bài học đau thương là trường hợp tử vong ngay trên địa bàn”, ông Đức nói.
Phân tích ca bệnh này, ông cho rằng nếu ngay từ đầu bệnh nhân ý thức và đến Bệnh viện quận Gò Vấp thay vì đi khám tại phòng khám tư thì hệ quả có thể không đến mức như hiện nay. “Đây là ví dụ không vui nhưng cần lưu ý đế người dân ý thức hơn”, ông chia sẻ.
Nguồn: News.zing.vn