TP Hồ Chí Minh sẽ thu hút du khách bằng sản phẩm du lịch đặc trưng tại từng quận, huyện để khai thác thế mạnh của các quận huyện này nhằm giữ chân du khách ở lại thành phố lâu hơn; đồng thời “kéo” du khách quay trở lại thêm vài lần chứ không chỉ dừng ở việc “một lần đến rồi đi”.
Phát triển du lịch đặc trưng
Quận 5 đang được xem là 1 trong những quận nổi bật về phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tại TP Hồ Chí Minh. Nơi đây đang hội tụ rất nhiều sản phẩm du lịch thế mạnh của thành phố như du lịch mua sắm, ẩm thực và tham quan.
Phố Đông y là sản phẩm du lịch đặc trưng của quận 5 nói riêng và TP Hồ Chí Minh nói chung, hiện đang rất thu hút du khách tìm đến
Bà Lê Thị Loan, Trưởng phòng Kinh tế quận 5 cho biết: Hiện nay, quận 5 đang phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng khá thành công như: Phố Đông y, phố thời trang, phố vàng bạc đá quý, trang sức… cùng các lễ hội lồng đèn, lễ hội Tết nguyên tiêu, lễ hội lân sư rồng… Những hoạt động này giúp quận 5 “kéo” du khách đến quận nhiều hơn. Sắp tới, UBND quận 5 sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút nhiều du khách đến với thành phố.
“Để du khách biết nhiều hơn về các điểm du lịch đặc trưng của quận 5, mới đây, quận cũng cho ra mắt cuốn cẩm nang du lịch “Quận 5 xin chào”. Cẩm nang này được phát hành khoảng 10.000 cuốn, trong đó tiếng Việt 5.000 bản và 5.000 bản bằng tiếng Anh. Những cuốn cẩm nang này được phát hành miễn phí đến hệ thống các Trạm thông tin du lịch của TP Hồ Chí Minh như: Công viên 23/9, bến Bạch Đằng, sân bay Tân Sơn Nhất; các đơn vị lữ hành, lưu trú; các điểm vui chơi, giải trí và các điểm đến thu hút đông đảo du khách trên địa bàn quận 5 và TP Hồ Chí Minh”, bà Loan chia sẻ thêm.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã phối hợp với UBND các quận, huyện, doanh nghiệp lữ hành khảo sát, triển khai thực hiện các sản phẩm du lịch mới tại quận 5, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ… nhằm thu hút du khách. Trong đó, kết hợp với quận 5 đưa vào khai thác sản phẩm du lịch mới đặc trưng của quận này và lượng khách đến quận 5 cũng đã tăng hơn trước.
“Hiện nay, quận 5 được đánh giá có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch của thành phố. Theo đó, quận này có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, nổi bật như 19 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và thành phố. Quận cũng vừa ra mắt sản phẩm du lịch mới là các phố chuyên doanh như phố Đông y, phố thời trang, phố vàng bạc… mang đậm tính truyền thống và hiện đại. Bên cạnh đó, quận cũng có nhiều loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch, các hoạt động lễ hội truyền thống đặc trưng của quận gắn liền với nếp sống của cư dân trên địa bàn từ xưa đến nay, như lễ hội Nguyên tiêu, lân sư rồng, lễ hội lồng đèn… Ngoài ra, quận còn có các địa điểm ăn uống hàng trăm năm “có một không hai” ở thành phố “, ông Vũ cho biết.
Xây dựng điểm đến an toàn, giữ chân du khách
Để giữ gìn hình ảnh du lịch thân thiện, an toàn của TP Hồ Chí Minh trong mắt du khách, mỗi khi ra mắt một sản phẩm du lịch đặc trưng của quận huyện, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đều khuyến khích các quận huyện phải cam kết đảm bảo chất lượng hàng hóa, uy tín của các sản phẩm này.
Ông Trần Huy Cường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển kinh tế và cung ứng lao động quận 5, cho biết để giữ chân du khách đến quận 5 nói riêng và thành phố nói chung, quận đã vận động 187 cơ sở kinh doanh tại phố thời trang đăng ký tham gia với cam kết kinh doanh đảm bảo uy tín, chất lượng, bán đúng giá niêm yết, tác phong văn minh, lịch sự, chấp hành quy định về trật tự đô thị và vệ sinh môi trường. Thậm chí, tại tại tuyến phố thời trang, còn có 6 cửa hàng thời trang được cấp biển hiệu “Đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch” để góp phần xây dựng hình ảnh du lịch TP Hồ Chí Minh thân thiện, an toàn.
“Sắp tới, để các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố được khai thác triệt để tại các quận, huyện rất cần sự chung tay của các đơn vị doanh nghiệp, lữ hành cùng xúc tiến quảng bá các sản phẩm du lịch, cùng xây dựng hệ thống thông tin du lịch điểm đến từng quận, huyện cụ thể, rõ ràng cho mọi du khách. Tích cực thu hút đầu tư xã hội hóa nhằm xây dựng, phát triển các sản phẩm, các dịch vụ, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tốt nhất để các du khách đã đến TP Hồ Chí Minh sẽ đến quận, huyện có sản phẩm du lịch đặc trưng và sẽ còn quay lại lần 2, lần 3… để tìm hiểu về nét riêng văn hóa của từng quận, huyện của thành phố”, bà Loan cho biết thêm.
Nói về tiềm năng phát triển ngành du lịch đặc trưng của các quận, huyện, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết: Trong năm 2018, ngành du lịch thành phố tiếp tục tập trung tăng trưởng 3 chỉ số: Lượng khách đến, thời gian khách lưu trú và số tiền khách chi tiêu. Trong đó, ngành xác định giải pháp cơ bản là mang đến cho du khách những sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, phong phú, có chất lượng tốt, ổn định như du lịch MICE, du lịch ẩm thực, du lịch mua sắm, du lịch y tế, du lịch đường thủy… Đây sẽ là tiền đề, hướng đi đúng để thành phố tiếp cận, duy trì, gia tăng chất lượng, thu hút thêm du khách đến thành phố.
Trong khi đó, theo ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty lữ hành Du lịch Việt, muốn kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại TP Hồ Chí Minh cần có sự kết nối cụ thể hơn giữa cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị lữ hành. Hiện nay, các quận, huyện đều đang xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của mình để thu hút du khách, vì vậy các quận huyện có thể kết nối các điểm đến với nhau để tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch giữ chân du khách. Chẳng hạn như với sản phẩm du lịch nông nghiệp, có thể kết nối với các nhà vườn trồng cây ăn trái, hoa màu tại các huyện Củ Chi, Cần Giờ, quận 9; với sản phẩm du lịch mua sắm có thể kết hợp sản phẩm du lịch mua sắm liên quận giữa quận 1 với quận 5… Đây cũng chính là cách để du lịch thành phố vừa có thể giữ chân du khách, đồng thời tạo cho du khách thêm cơ hội để chi tiêu, mua sắm.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn