Trải nghiệm du lịch vùng cao – thị trấn Bắc Hà

0
Trải nghiệm du lịch vùng cao – thị trấn Bắc Hà

(TITC) – Thị trấn Bắc Hà (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) nằm ở độ cao 1.000 – 1.500m so với mặt nước biển, cách thành phố Lào Cai khoảng 60km về phía đông nam. Khí hậu ở đây quanh năm ôn hòa, nhiệt độ trung bình năm khoảng 25ºC.

Đền Bắc Hà (nguồn ảnh: Internet)

Bắc Hà là vùng đất in dấu nhiều chiến công hiển hách trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Ngôi đền Bắc Hà được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 để tưởng nhớ công ơn hai anh em Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật, người gốc Gia Lộc (Hải Dương) đã có công đánh giặc, bình ổn vùng biên giới Tây Bắc. Đền có tổng diện tích 5ha, lưng dựa vào núi, có kiến trúc gồm nhà đại bái, hậu cung thờ hai anh em họ Vũ và am thờ Phật. Đền Bắc Hà mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc và có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai. Hội đền Bắc Hà thường được tổ chức vào ngày 7/7 âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo người dân và du khách với nhiều hoạt động phong phú như: múa xòe, chọi gà, kéo co, văn nghệ… Năm 2003, đền Bắc Hà đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Dinh Hoàng A Tưởng (Ảnh: Huy Hoàng/TITC)

Tới thị trấn Bắc Hà, du khách đừng bỏ qua cơ hội thăm dinh Hoàng A Tưởng – dinh thự của hai cha con thổ ti Hoàng Yến Chao và Hoàng A Tưởng. Dinh Hoàng A Tưởng có tổng diện tích gần 4.000m², được xây dựng từ năm 1914 đến năm 1921. Kiến trúc dinh mang phong cách Á – Âu kết hợp với bố cục hình chữ nhật liên hoàn khép kín. Dinh nằm trên một quả đồi rộng, khung cảnh sơn thủy hữu tình. Theo những bậc thang vòng hai bên dinh, qua khoảng sân rộng, du khách sẽ tới gian nhà chính hai tầng có diện tích 420m² dùng làm nơi làm việc, hội họp và sinh hoạt gia đình. Điểm nổi bật của gian nhà chính là những cánh cửa hình vòm và những họa tiết được trang trí công phu trên tường. Ngoài gian chính, dinh còn có hai dãy nhà ngang và nhà phụ để làm nhà kho lính và phu ở.

Hoa Ô-sa-ka vàng rực ở thị trấn Bắc Hà (nguồn ảnh: Internet)

Có dịp đến thị trấn Bắc Hà vào mùa hè, du khách sẽ không khỏi trầm trồ và ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của con đường hoa Ô-sa-ka vàng rực trong nắng. Hoa Ô-sa-ka không đặc trưng như hoa mận trắng muốt độ xuân về, nhưng tạo nên một nét đẹp mới lạ cho du lịch Bắc Hà vào mùa hè. Hoa Ô-sa-ka còn có tên gọi khác như hoa muồng hoàng yến, muồng hoàng hậu, muồng bọ cạp hay hoa lồng đèn. Hoa có màu vàng, nở thành từng chùm, rủ xuống như những chiếc đèn lồng, Ô-sa-ka đẹp nhất khi cây rụng hết lá, chỉ còn những chùm hoa vàng rực, mềm mại trong nắng. Cũng bởi vẻ đẹp rực rỡ mà rất đỗi dịu dàng của loài hoa này đã tạo nên một con đường hoa thật lãng mạn và thơ mộng của vùng cao nguyên miền núi.

Chợ Bắc Hà (Ảnh: Huy Hoàng/TITC)

Ngoài ra, khi tới thị trấn Bắc Hà, du khách còn được tham dự chợ phiên Bắc Hà họp từ sáng sớm chủ nhật hàng tuần. Đây là một trong số những phiên chợ lớn nhất của vùng cao biên giới. Trên đường vào chợ, du khách sẽ được ngắm nhìn khung cảnh kỳ vĩ mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này với những thửa ruộng bậc thang trải dài, những dãy núi hùng vỹ bên những vực sâu xanh thẳm. Từng nhóm người dân tộc Mông, Tày, Dao… khoác trên mình những bộ thổ cẩm đầy màu sắc, cười nói rộn ràng, tay dắt những chú ngựa thồ trên mình đủ loại hàng hóa mang tới chợ. Người ta bày bán tại chợ đủ mọi sản vật của vùng cao như các loại rau, hoa quả, mật ong… hay những nông cụ cần thiết như: cày, cuốc, xẻng, dao…, nhưng thu hút nhất vẫn là đồ trang sức và những bộ váy áo thổ cẩm được dệt thủ công với những họa tiết sinh động, của người dân tộc vùng cao Bắc Hà. Tới chợ, du khách đừng bỏ lỡ dịp thưởng thức đặc sản thắng cố bên những bát rượu ngô của người Mông bản Phố.

Lễ hội Lồng tồng (nguồn ảnh: Internet)

Bắc Hà còn là vùng đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc với các lễ hội và phong tục tập quán của 14 dân tộc, tiêu biểu là lễ hội Lồng tồng hay hội xuống đồng, một hoạt động tín ngưỡng để cầu mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no của dân tộc Tày, Nùng… Trước ngày hội, các gia đình đều quét dọn nhà cửa, xóm bản sạch sẽ, chuẩn bị lương thực để đón khách và một mâm cỗ cúng với bánh chưng, bánh giầy, chè lam, bánh bỏng. Lễ hội thường được tổ chức ở thửa ruộng lớn nhất bản để người dân làm lễ cúng tế Thổ thần và Thành hoàng, đồng thời tổ chức các hoạt động vui chơi và hội ném còn để cầu mong một năm làm ăn thuận lợi.

Sau khi thăm thị trấn Bắc Hà, du khách còn có thể tham quan và trải nghiệm một số điểm du lịch khác trong huyện như: đền Trung Đô (xã Bảo Nhai), làng sinh thái người Mông và hang Rồng (xã Tả Van Chư)…

Khánh Hòa

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn