Vùng đất Y Tý (Bát Xát) khi chưa đặt chân đến, đối với tôi đã là một thế giới đầy bí hiểm và xa xôi, nhưng khi tới nơi đây trong hành trình khám phá vẻ đẹp đất trời Tây Bắc, vùng đất đại ngàn này lại quyến rũ tâm hồn tôi đến lạ, cho tôi những trải nghiệm tuyệt vời về thiên nhiên và cuộc sống con người vùng cao…
Mùa vàng miền sơn cước
Đứng trên mỏm cao, phóng tầm mắt ra xa, những căn nhà trình tường mang đến một vẻ đẹp hữu tình, rắn rỏi mà ấm áp. Người dân ở Y Tý chịu thương, chịu khó và luôn sẵn sàng vượt qua những khó khăn, khắc nghiệt do khí hậu và cuộc sống mang đến. Y Tý đẹp nhất vào mùa thu. Mùa này, tiết trời se lạnh, muôn hoa đua nở, lúa chín vàng như cất tiếng mời gọi con người khám phá vẻ đẹp hoang sơ và rất đỗi thơ mộng của mảnh đất vùng cao.
Thú nhất là khi được đứng trên cao mà ngắm nhìn biển vàng Y Tý. Chiều về, khung cảnh thần tiên hiện ra rõ hơn khi những đám mây sà suống những cánh đồng bậc thang khiến cho không gian có sự quyện hòa tinh tế giữa màu vàng của lúa, màu trắng tinh khôi của mây trời. Hòa mình vào trời mây non nước nơi đây, con người như được sống chậm với thời gian, như xua đi bao ưu phiền chốn thị thành. Phía xa xa là những triền núi cao và hùng vĩ, gợi lên sắc màu của vùng biên viễn.
Đến Y Tý, du khách còn được hòa mình vào chợ phiên ngày cuối tuần với bao điều thú vị về nét sinh hoạt văn hóa vùng cao. Ngày nay, đồng bào Y Tý phát triển du lịch cộng đồng ngay tại thôn bản mình để vừa quảng bá sản phẩm văn hóa, vừa tăng thêm thu nhập.
Có một Y Tý ngời sức sống nơi miền biên cương, đang cất lời mời gọi du khách ở muôn nơi đến đây trải nghiệm, khám phá…
Thoạt đầu, khi mới đến đây, nghe những địa danh như Phìn Hồ, Lao Chải, Sim San, Sín Chải, Hồng Ngài… khiến tôi có cảm giác vùng đất này như một thế giới khác. Thật vậy, Y Tý có thời tiết quanh năm mát mẻ, trong lành. Mặt trời ít có ngày chiếu sáng đủ 12 giờ vì cứ qua trưa là mây trắng lại sà xuống, bồng bềnh khắp các bản làng, núi non cho đến tận nửa buổi sáng hôm sau.
Nhịp sống bình dị ở Y Tý
Đứng trên mỏm núi cao, thả hồn vào khoảng không bao la, ngắm nhìn những triền núi thoai thoải quanh thửa ruộng bậc thang mà cảm nhận khung cảnh Y Tý đẹp tựa cảnh thần tiên chốn trần gian. Điều đọng lại trong tôi khi đến đây và cho tới lúc rời xa mảnh đất này là mặc dù xa xôi nhưng Y Tý hội tụ những mảng màu văn hóa vô cùng độc đáo. Đó là những sản phẩm thổ cẩm do bàn tay con người nơi đây thêu dệt nên. Đặt chân đến vùng đất này, ai ai cũng nhận ra những nét văn hóa ấy hiện diện trên trang phục của các dân tộc, phong tục, tập quán trong làm nhà, đan lát, thêu thùa…
Đặc biệt, người Hà Nhì ở Y Tý có cách ăn mặc theo lứa tuổi khá độc đáo. Là con trai, từ 1 tuổi đến 5 tuổi thì mặc áo trắng thêu hoa, từ 15 đến 30 tuổi mặc cả 3 loại: Áo đen, áo trắng, áo xanh; còn người già thì chỉ mặc áo đen. Phụ nữ nào đội khăn trên đầu là đã lấy chồng… Người Hà Nhì còn có lễ hội Khô Già Già (lễ cầu mùa), lễ cúng rừng, lễ chùm chăn, lễ tạ thần nước được duy trì từ bao đời nay. Mỗi nghi lễ diễn ra trong năm đều thể hiện quan niệm nhân sinh của con người, mong muốn cho mùa màng tươi tốt, cuộc sống no đủ, thuận hòa.
Kiến trúc ở Y Tý đã trở thành biểu tượng của vùng đất này, đó chính là những ngôi nhà trình tường của người Hà Nhì. Với cách thiết kế độc đáo từ nền móng đến mái nhà, nhà của người Hà Nhì là không gian sống vững chãi, ấm cúng và bền chắc. Trong làm nhà, đất là vật liệu chính. Từ việc làm nền được nện chặt bằng đất đến thiết kế phần tường cũng bằng đất đỏ dày đã tạo cho khung, nền nhà bền chắc, có khả năng chống chọi với mưa bão và giữ nhiệt độ luôn mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Mái nhà khum khum, nhọn ở giữa, hướng lên trời như những kim tự tháp.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn