Một cổ động viên Anh từng nói với tôi rằng, Đức chưa bao giờ là đội bóng mà Anh muốn gặp, bởi các kết quả luôn tồi tệ.
Bình luận
Cuộc trò chuyện bên ly bia ấy xảy ra sau trận Anh thua Đức ở World Cup 2010 tại Bloemfontein, Nam Phi. Một cú sút khủng khiếp của Frank Lampard đi vào xà và bật xuống dưới khung thành đã không được công nhận thành bàn thắng khi Đức đang dẫn 2-1.
Trận ấy kết thúc với tỷ số thua 1-4, đậm chưa từng có cho người Anh ở các vòng chung kết World Cup.
Sức mạnh của tuyển Anh bị nghi ngờ sau những màn trình diễn chưa thực sự thuyết phục tại vòng bảng Euro 2020. Ảnh: Reuters. |
Khó khăn cho tuyển Anh
Không ngạc nhiên khi báo chí Anh đưa trận thua ấy vào danh sách một loạt kết quả tồi tệ với Đức trong số báo ra ngay hôm sau khi họ biết sẽ phải đối đầu với ai ở vòng 1/8.
Trong khi một số tờ báo khổ to và rất giỏi chạy tiêu đề kêu lên những câu chẳng hạn như “Hãy mang người Đức đến đây”, thì đa phần dư luận Anh tỏ ra thận trọng. Họ nhắc lại trận thua ở Nam Phi như một khẳng định những thất bại ấy thật khó nguôi quên.
Anh mới chỉ thắng Đức 1 lần trong 4 cuộc đối đầu gần nhất kể từ trận đấu ấy, nhưng tất cả trận đó đều là giao hữu. Cuộc đọ sức ở Wembley tại Euro là trận đấu giải chính thức đầu tiên giữa họ trong 11 năm.
Henry Winter, cây bút nổi tiếng của tờ The Times, đã ngay lập tức gợi nhớ đến những kỷ niệm đau đớn hồi Euro 1996, khi cú đá luân lưu của người hiện là HLV đội tuyển Anh Gareth Soughgate bị thủ thành Andreas Koepke chặn đứng trên vạch vôi và Anh bị loại ở bán kết. Winter viết rằng, rất có thể sẽ có những người Anh đã tin cuộc đối đầu đêm nay với Đức ở Wembley sẽ lại được quyết định bằng loạt penalty.
Quá nhiều ký ức vui buồn với Đức đã qua trong quá khứ dù sao cũng được gạt sang bên. Và dù Đức đã trải qua khá nhiều sóng gió ở vòng bảng để có mặt tại vòng 1/8, trong khi Anh bất bại, không thủng lưới nhưng chơi cũng rất thiếu ấn tượng, thì chắc chắn họ không thể đánh giá thấp đối thủ.
Những gì thể hiện ở trận hòa Hungary 2-2 cho thấy, kể cả khi Đức không chơi tốt thì trong thời điểm quyết định, khi tinh thần Đức lên tiếng, đội quân của Joachim Loew có thể đánh bại bất cứ ai.
Một thông tin ngắn gọn về thứ hạng FIFA: Đức đang đứng thứ 12, trong khi Anh đứng thứ 4. Kể từ trận thua đội đứng đầu bảng xếp hạng FIFA Bỉ vào giữa tháng 11/2020, Anh chưa gặp đội tuyển nào có thứ hạng cao bằng hoặc hơn Đức. Họ đã gặp và đánh bại các đội đứng thứ hạng 40 (2 lần), 210, 66, 19, 23, 43 và 14, và ở vòng bảng, hòa với đội đứng thứ 44 (Scotland). Và bây giờ, Đức đã đến Wembley và tất cả cùng chờ đợi một cuộc đối đầu nảy lửa.
Có rất nhiều lý do để tin đấy sẽ là một trận đấu khủng khiếp. Bởi ngoài các yếu tố về lịch sử để khẳng định Anh – Đức chưa bao giờ là một trận đấu dễ dàng cho cả hai, nhưng hầu như Đức luôn giành phần thắng và chặn đường tiến của Anh ở những giải đấu lớn nhất, trừ World Cup 1966 mà Anh đoạt Cúp vàng khi thắng Đức ở chung kết, thì đây có thể là một cuộc chiến giữa 2 đội Anh và Đức không đạt đến tầm như họ đã từng trong quá khứ.
Anh đã vào đến bán kết của World Cup 2018, nhưng có vẻ đánh mất mình ở giải này khi trở thành đội đầu bảng ghi được ít bàn nhất (chỉ 2 bàn trong 3 trận, dù chưa thủng lưới bàn nào). Đức đã gây sốc khi bị loại ở vòng bảng World Cup ấy và từ đó đến giờ như một tảng băng trôi giữa các đại dương, không có phương hướng.
Họ đã chứng kiến những điều chưa phải tệ nhất ở World Cup, bởi rồi sau đó là những thất bại khác, nặng nề hơn ở Nations League và trong chiến dịch Euro này, họ suýt chết chìm dưới tay người Hungary.
Anh – Đức cho Euro 2020 là cuộc đối đầu giữa một đội tuyển Anh đột nhiên nhận thấy mình không còn vận hành trơn tru nữa (hoặc cũng có thể vì HLV Gareth Southgate ngày càng trở nên thận trọng hơn) và một đội tuyển Đức không biết đâu mà lần, có thể sẽ chơi hay như lên đồng với Bồ Đào Nha, nhưng cũng có thể sẽ chơi bế tắc như với Hungary.
Sẽ là gương mặt nào của họ khi gặp Anh? Và sẽ là đội tuyển Anh nào khi đá với Đức, tiếp tục gây thất vọng như 3 trận vòng bảng, hay bỗng nhiên thăng hoa?
Một trận đấu nhận được nhiều sự chú ý. Ảnh: Reuters. |
Trận đấu đáng chờ đợi
Chưa cần nói đến Harry Kane và cơn khô hạn bàn thắng của anh, chỉ cần nhìn qua vài thống kê là có thể hiểu được được vấn đề của Anh là ở đâu. Họ đang rất bí bách trong việc việc thực hiện và tận dụng các pha bóng chết kém hơn.
Ở World Cup 2018, 9 trong số 12 bàn của Anh là từ bóng chết (4 phạt góc, 2 đá phạt trực tiếp, 3 penalty). Ở Euro là một con số 0 tròn trĩnh. Một thống kê khác cho thấy tại sao Anh khiến người ta cảm thấy nhàm chán và thất vọng.
Con số của hãng dữ liệu thống kê Opta chỉ ra trong số các đội dự giải, Anh là đội tuyển triển khai bóng lên phía trên chậm nhất, chưa đầy 1 m sân trong 1 giây, chỉ bằng một nửa của xứ Wales, cho thấy xứ Wales triển khai bóng nhanh hơn, trực diện hơn và ít chạm hơn. Một con số của Opta cho thấy các cầu thủ Anh phải mất đến 4-5 đường chuyền mới có thể khởi phát một đợt tấn công. Đấy là dấu hiệu của sự thận trọng quá mức.
Khi đá với CH Czech, với sự có mặt của Jack Grealish và Bukayo Saka trên sân, Anh đá nhanh hơn, mạnh mẽ hơn và trái bóng được đưa lên phía trên nhanh hơn. Nhưng với Phil Foden và Mason Mount trở lại, sự thận trọng rất có thể sẽ lại ngự trị. Và điều đó có thể sẽ không khiến cho các cổ động viên trên sân Wembley cảm thấy sung sướng.
Có thể kỳ vọng gì một đội Anh với những con số buồn chán thế này? Họ đứng thứ 22 trong số 24 đội dự giải về số cú sút trung bình một trận, họ cũng đứng thứ 22/24 về số pha tắc bóng. Họ sút ít, chứng tỏ khả năng áp sát khung thành của họ có vấn đề. Nhưng bản thân khả năng chiến đấu để giành lại trái bóng của họ cũng giảm đi.
Điều gì đã xảy ra với họ, hay họ gìn giữ năng lượng để bung ra ở giai đoạn knock-out này, bắt đầu bằng trận đấu với Đức, và nếu đánh bại Đức, sẽ đi một lèo vào tận chung kết nhờ phân nhánh quá thuận lợi? Nhưng đừng quên Đức đang rất không ổn. Sự bất ổn về tâm lý và sự tiếp cận trận đấu của họ là lý do dẫn đến việc trận nào ở vòng bảng Đức cũng thủng lưới, 5 bàn trong 3 trận, nhiều nhất trong số các đội nhì bảng vào vòng 1/8.
Dù gì đi nữa, đây cũng là một trận đấu đáng chú ý. Có rất nhiều để chú ý, cũng như có rất nhiều cái tên cần nhắc lại. Anh – Đức là trận chung kết Champions League tái đấu giữa Phil Foden và Kai Havertz, và chúng ta đã biết là cầu thủ người Đức chiến thắng ở trận chung kết ấy cuối tháng 5.
Anh – Đức là để người ta nhớ chính các HLV người Đức đang ở trên đỉnh của Premier League, với Thomas Tuchel đem Champions League tới Chelsea chỉ trong vài tháng cầm quân ở Stamford Bridge, trong khi Jurgen Klopp đã tạo ra một đế chế ở Anfield kể từ năm 2015 đến nay.
Anh – Đức đương nhiên là nhắc lại quá khứ, một quá khứ coi năm 1966 là cột mốc lớn, bởi trước 1966, Đức chưa từng đánh bại được Anh và kể từ sau đó, họ đã giáng cho Anh những đòn liểng xiểng trên đường ở những giải đấu lớn, từ World Cup cho đến Euro.
Và những câu chế nhạo Đức, chẳng hạn “hai đại chiến thế giới và một World Cup”, ám chỉ việc quân Đồng minh, trong đó có Anh, đã đánh bại Đức ở hai thế chiến, và chức vô địch World Cup 1966 giành được trong trận chung kết với Đức, bỗng trở nên lạc lõng ở thời hiện đại.
Đức vẫn nhỉnh hơn Anh trong 32 lần đối đầu, với 15 chiến thắng, so với 13 của Anh. Nhưng Anh mới chỉ thắng được Đức 1 lần trong 5 trận gần nhất. Và kể từ trận chung kết World Cup 1966 mà Anh chiến thắng, họ chưa từng hạ được Đức trong các trận đấu ở vòng knock-out của World Cup và Euro.
Họ đã thua Đức ở tứ kết World Cup 1970 (thua trong hiệp phụ), bị Đức loại ở tứ kết Euro 1972, thua Đức ở bán kết World Cup 1990 (bằng đá luân lưu), thua tiếp Đức ở bán kết Euro 1996 (trong loạt luân lưu) và gần nhất, thua đau Đức 1-4 ở vòng 1/8 của World Cup 2010.
Giờ là lúc Southgate gạt vào dĩ vãng sai lầm trên chấm phạt đền của mình ở Euro 1996 và xóa đi cơn ác mộng với Đức tại vòng loại trực tiếp các giải lớn. Họ có làm được điều đó không, trong một trận đấu có thể sẽ đi theo hai hướng, hoặc khá nhàm chán vì cả đều quá thận trọng, hoặc sẽ đầy ắp bàn thắng vì cả hai bên sẽ đều mắc nhiều sai lầm trong phòng ngự?
Một thống kê cuối cùng để cho thấy áp lực thực ra trên vai Anh nhiều hơn là Đức, bởi họ phải chống lại lịch sử. 6 lần Anh có mặt ở các vòng knock-out của Euro thì chỉ 1 lần duy nhất đi vào đến bán kết, là Euro 1996, sau khi hạ Tây Ban Nha ở tứ kết trên chấm phạt đền, còn lại cứ vào đến knock-out là thua, gần nhất là Euro 2016, họ thua Iceland 1-2 ở vòng 1/8.
Nguồn: News.zing.vn