Mũ cưới có nguồn gốc từ khu vực Mesopotamia (lưu vực Lưỡng Hà) vào khoảng 1.000 năm trước Công nguyên. Vào thời Hy Lạp cổ đại, các cô dâu đều phải đội chiếc mũ có hình như chiếc lược, trên mũ phủ tấm mạng mỏng làm bằng lông cừu hoặc sợi đay.
Trong ngày hôn lễ, cả cô dâu chú rể đều phải đội mũ cưới. Đến thời La Mã, các cô dâu theo đạo đều phải mang mạng màu đỏ hoặc tím, còn những người ngoại đạo thường đeo mạng màu vàng hoặc màu mận chín.
Đến thời kỳ Phục hưng, hoàng hậu Anne của vua Luis VII đã thay đổi phong tục này. Trong ngày cưới của mình, bà đã mặc bộ áo cưới màu trắng bằng lụa và một chiếc mũ cưới cũng màu trắng có đính viên kim cương lấp lánh. Từ đó trở đi, bộ đồ cưới màu trắng đã trở thành trang phục được ưa dùng nhất trong ngày trọng đại của mọi người. Những tấm mạng che mặt cũng được thiết kế dài hơn so với thời Hy Lạp cổ đại.
Một đám cưới thời hiện đại. |
Đến cuối thế kỷ XVIII, bộ đồ cưới này đã có mặt khắp thế giới và được lưu truyền đến ngày nay. Lúc đầu, người ta quy định cô dâu khi bước vào phòng hôn lễ đều phải đeo mạng để xua tan tà khí, tránh mọi rủi ro và cầu mong hạnh phúc. Sau này, mang mạng che mặt là để thể hiện lòng chung thủy sắt son với chồng. Màu trắng tượng trưng cho tình yêu chân thành, trong sáng và thuần khiết.
Ngày nay, thị trường áo cưới rất phong phú, đa dạng về màu sắc và kiểu dáng, đáp ứng mọi sở thích yêu cầu của nhiều đối tượng khác nhau. Mỗi cô dâu đều có thể lựa chọn cho mình một bộ váy áo ưa thích nhất và phù hợp nhất chứ không phải quá câu nệ bởi những quy định trước kia. Thế nhưng, đối với các tín đồ Thiên chúa giáo, trong ngày cưới của mình cô dâu phải mặc áo cổ cao, tay dài, tránh ăn mặc hở hang, khêu gợi. Những năm gần đây, trong các lễ cưới người ta thấy xu hướng ăn mặc đơn giản ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là ở Mỹ.
Nhẫn cưới
Nhẫn cưới xuất hiện từ thời Ai Cập cổ đại. Cùng với chiếc nhẫn đính hôn, nhẫn cưới cũng là một kỷ vật ước hẹn của những cặp vợ chồng. Chiếc nhẫn cưới được đeo trên ngón tay giữa của cô dâu thể hiện sự hiền thục ngoan ngoãn và lòng thủy chung son sắt của mình đối với chồng.
Thời Ai Cập cổ đại từng xuất hiện “cơn sốt nhẫn”, người ta đua nhau đeo nhẫn và gán cho nó đủ mọi ý nghĩa khác nhau. Đến thời La Mã cổ đại, nhẫn cưới đã trở nên phổ biến trong mọi giai tầng xã hội. Tầng lớp quý tộc trao nhau nhẫn vàng, còn dân thường thì dùng nhẫn sắt.
Phong tục trao nhẫn trong ngày cưới bắt đầu từ thế kỷ XI, lúc đó chiếc nhẫn có khắc tên của cả hai vợ chồng và ngày cưới của họ để làm kỷ niệm.
Tất tay và giày
Trong các đám cưới ở các nước Âu Mỹ, tất tay và giày là hai thứ không thể thiếu được của cô dâu và chú rể. Không những thế phải chọn màu sắc thật phù hợp sao cho hài hòa với bộ đồ cưới của mình và thường thì người ta chọn màu trắng.
Hoa tươi và mũ cưới
Trong ngày cưới của người Âu Mỹ không thể thiếu những bông hoa. Hoa tượng trưng cho sức xuân và cho hạnh phúc lứa đôi bất diệt. Mũ cưới của cô dâu cũng được làm từ một loài hoa màu vàng, rất quý phái và quyến rũ. Loài hoa này có nguồn gốc từ phương Đông, thường ra quả ở đầu cành. Đó là lời chúc cho cô dâu chú rể sớm sinh quý tử.
Bó hoa cưới thường được kết từ các loại hoa như linh lan, hoa hồng, hải dụ, bách hợp, đường xương bồ… Những loài hoa này đều có hương thơm ngan ngát tạo cho người ta có được cảm giác thiêng liêng, quý phái và bặt thiệp. Người Âu Mỹ rất thích những bông hoa màu trắng, họ coi màu trắng tượng trưng cho sự trong trắng và thánh thiện.
(Theo sách Phong tục tập quán các nước)
Nguồn: Vnexpress.net