
Nhân viên chạy bàn phải có bằng đại học
Ngày 4/7, cụm từ khóa “nhà hàng Fei Da Chu tuyển nhân viên phục vụ” bất ngờ lọt Top tìm kiếm nóng trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.
Nguyên nhân bắt nguồn từ vụ việc một cư dân mạng đăng tải thông tin cho biết, một chi nhánh của chuỗi nhà hàng này vừa thông báo tuyển dụng vị trí nhân viên bồi bàn, phục vụ bàn với mức lương từ 5.000 đến 6.000 tệ (18,2 triệu đồng đến 21,8 triệu đồng) kèm theo yêu cầu “ứng viên không có bằng đại học xin miễn làm phiền”.
Công việc cụ thể cho vị trí này gồm dọn dẹp bàn ghế, giữ gìn vệ sinh khu vực ăn uống và phục vụ khách hàng nhiệt tình, niềm nở.
Trước thông tin “gây bão”, mới đây đại diện nhà hàng đã lên tiếng phản hồi. Vị này cho biết đây là thông tin tuyển dụng do quản lý trước đó của nhà hàng đề ra.
Trên thực tế, việc tuyển dụng không hoàn toàn dựa trên bằng cấp, còn xét tới kinh nghiệm làm việc. Tuy nhiên, các nhân viên có trình độ đại học sẽ có nhiều lợi thế hơn khi xét duyệt việc thăng tiến cấp bậc chức vụ.
“Hiện nhà hàng có vài nhân viên phục vụ có bằng đại học. Với trình độ này, cơ hội cho mỗi nhân viên trở thành quản lý cấp cao sẽ thuận lợi hơn. Thông thường những nhân viên như vậy chỉ mất từ 1 đến 2 năm để cất nhắc lên chức cửa hàng trưởng”, vị này nói.
Trước đó, một chi nhánh của nhà hàng Fei Da Chu tại Mỹ từng gây xôn xao khi đăng tin tuyển dụng với vị trí quản lý có mức lương cơ bản từ 110.000 đến 150.000 USD/năm (2,8 tỷ đồng – 3,9 tỷ đồng).
Yêu cầu công việc của vị trí này gồm có ít nhất 2 năm kinh nghiệm quản lý chuỗi nhà hàng hoặc từng tự kinh doanh. Ứng viên từng quản lý đội/nhóm từ 20 đến 30 người, am hiểu luật pháp và ngành thực phẩm ở Mỹ.
Theo thông tin công khai, nhà hàng Fei Da Chu là thương hiệu nổi tiếng chuyên phục vụ các món ăn Hồ Nam. Trong đó món thịt xào ớt cay mang lại danh tiếng cho nhà hàng.
Năm 2023, hệ thống bán ra hơn 5 triệu suất thịt xào ớt, vượt doanh thu trên 1 tỷ nhân dân tệ (3.640 tỷ đồng). Nhà sáng lập thương hiệu này là ông Phí Lương Huệ, sinh năm 1980, xuất thân trong một gia đình có truyền thống nấu bếp lâu đời.
Năm 1997, ông Phí theo cha học nghề và năm 2003 mở nhà hàng đầu tiên với món chủ lực là thịt xào ớt. Tới năm 2016, thương hiệu được nâng cấp toàn diện, đổi tên thành nhà hàng như hiện tại. Ông Phí từng nhiều lần khẳng định, thương hiệu này sẽ không nhượng quyền kinh doanh.
Nâng cao chất lượng dịch vụ hay áp lực cho người tìm việc?
Được biết, sau khi được ứng tuyển làm việc tại nhà hàng, các nhân viên được đào tạo khóa học nghi thức chào khách bài bản. Trong đó có nghi thức giới thiệu với khách món ăn đặc trưng nhất. Nghi thức này được xem là nét đặc trưng trong phong cách phục vụ của chuỗi nhà hàng này.
Tuy nhiên với thông tin tuyển dụng mới của nhà hàng, dư luận Trung Quốc chia thành nhiều luồng ý kiến. Một số người cho rằng, điều này càng khiến tình trạng cạnh tranh công việc khốc liệt trong xã hội. Trong khi số khác nhận định, đây là hình thức công nhận bằng cấp, góp phần nâng cao quản lý chất lượng trong ngành dịch vụ.
Vài năm trở lại đây, việc sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp đại học và tham gia thị trường lao động, chọn làm những việc như nhân viên phục vụ, người giao hàng, ngày càng trở nên phổ biến tại quốc gia tỷ dân.
Trước đó vào tháng 2, chuỗi lẩu Haidilao từng gây xôn xao khi tuyển nhân viên giao hàng và chuẩn bị đồ ăn, trong đó có điều khoản trợ cấp thêm cho người có bằng đại học ở các vị trí này.
Cụ thể, người tốt nghiệp đại học thông thường được trợ cấp thêm 1.200 tệ/tháng (4,3 triệu đồng). Đặc biệt, nhân viên giao hàng từng tốt nghiệp các trường đại học trọng điểm sẽ nhận trợ cấp 2.000 tệ/tháng (7,2 triệu đồng).
Lý giải về điều này, đại diện chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao cho biết, mỗi năm đơn vị này nhận được rất nhiều hồ sơ từ ứng viên có trình độ học vấn cao. Công ty có đưa ra lộ trình thăng tiến cho nhân viên rõ ràng, từ chương trình quản lý đào tạo.
Haidilao cho rằng, vị trí giao hàng là bước khởi đầu nghề nghiệp. Rất nhiều nhân viên trình độ cao đã đi lên từ vị trí này để trở thành quản lý của công ty.
Nguồn: Dantri