Tránh đông đúc, khách rủ nhau đi lễ chùa Hương, Bái Đính đêm

0
177

Một số chùa mở cả ban đêm, không gian thanh vắng hơn nhưng khách đi lễ cần chuẩn bị kỹ hơn, nhất là việc ăn, nghỉ.

Nguyễn Yến (Hoàng Mai, Hà Nội) lần đầu đi lễ chùa Hương hôm mùng 7 Tết. Cô cho biết hàng năm bố mẹ cô đi lễ từ sáng và đều gặp cảnh chen lấn, mệt mỏi. Do đó, lần này cô rủ cả nhà đi chiều, qua đêm ở chùa để tránh đông đúc và được mọi người đồng ý.

Cả gia đình Yến 12 người đi từ nhà lúc 16h, đến 17h là lên đò qua suối Yến để vào chùa. “Hầu như thuyền nào cũng không có áo phao. Thậm chí có thuyền chở rất đông, mép thuyền dập dềnh sát mặt nước, trên đó có cả trẻ nhỏ. Đi chiều tối, nhìn cảnh đó mình cũng thấy nguy hiểm”, Yến nói.

Khách đi đò đêm trên suối Yến. Ảnh: Giang Huy.

Khách đi đò đêm trên suối Yến. Ảnh: Giang Huy.

Tuy nhiên, đổi lại Yến được tận hưởng cảm giác thong dong mà đi ban ngày khó cảm nhận. Đường vắng, gia đình Yến chọn leo bộ thay vì cáp treo, khoảng một tiếng vào đến động Hương Tích. Lễ xong, 11h đêm, cả nhà cô đi xuống và nghỉ đêm dưới chân núi, sáng hôm sau 6h chờ thuyền vào đón về. 

“Qua đêm giá 30.000 đồng/ người, phòng sạch sẽ, nghỉ bao lâu cũng được. Giá cả không quá đắt đỏ nhưng nhà mình mang đồ ăn theo và đi lễ nên thụ lộc luôn”, Yến kể. Cô cho biết năm sau vẫn sẽ cùng gia đình đi lễ đêm vì chùa không đóng cửa, nhưng chuẩn bị đồ chu đáo hơn. Trong đó cần có đèn pin vì đường leo núi tối.

Dành 2 ngày để du xuân kết hợp vãn cảnh chùa ở Ninh Bình là lựa chọn đầu năm của Nguyễn Bùi Lan Vy đến từ Quỳnh Lưu, Nghệ An. Biết chùa Bái Đính mở đêm, Vy sắp xếp lịch trình để ghé nơi này đúng lúc lên đèn. Đây cũng là lúc khách tham quan đã về gần hết nên chỉ còn ít người. Ở dọc hành lang La Hán, điện chùa có mở nhạc Phật giáo, nghe rõ hơn nên du khách có cảm giác thư thái.

Bái Đính về đêm.

Bái Đính về đêm.

“Tầm 7h tối, mình từ chùa cổ đi xuống là ngắm được không gian vừa lung linh vừa huyền ảo từ các toà điện, toà tháp. Các cô chủ bảo vệ hay lao công ở thiền viện rất nhiệt tình. Mình đi lạc đều tận tình chỉ dẫn”, Vy kể.

Theo Vy, ở chùa có nhà nghỉ và cơm chay, với Phật tử đi lễ chùa đầu năm thì buổi tối ở lại chùa sẽ thấy lòng thanh tịnh hơn. Còn ban ngày chùa rất đông và nhiều du khách khiếm nhã, nói to, chạy nhảy nên làm không gian mất đi vẻ tôn nghiêm.

“Dịch vụ ở đây khá tốt, giá nghỉ ngơi và ăn uống cũng không đắt đỏ. Nhưng 8h tối là xe điện nghỉ, dù chùa mở cửa đến 9-10h tối”, Vy nói và khuyên mọi người nên đi Bái Đính chiều và ở lại buổi tối.

Khác với Lan Vy, Tuyết Ngân (Hà Nội) vô tình đến Bái Đính ban đêm và ngay lập tức bị hấp dẫn với khung cảnh về đêm ở đây. “Mình đi Bái Đính rất nhiều lần và toàn vào ban ngày. Lần này cũng định đi chiều nhưng xuất phát muộn quá, đến nơi đã tối nhưng không muốn quay về nên vẫn vào, không ngờ đẹp quá”, Ngân kể.

Tuyết Ngân chụp ảnh check-in ở chùa Bái Đính về đêm.

Tuyết Ngân chụp ảnh check-in ở chùa Bái Đính về đêm.

Cũng theo Ngân, đi ban ngày quan sát cảnh vật rõ hơn nhưng đông đúc, chật chội, ồn ào. Nếu quay lại vào mùa hội, Ngân sẽ đi buổi tối cho yên tĩnh nhưng ngày thường cô vẫn chọn ban ngày vì đi lại dễ dàng hơn và chủ động được thời gian.

Đi chùa Bái Đính đêm cần giữ trật tự vì rất yên ắng, tránh đi vào khu vực cỏ rậm rạp, mang theo điện thoại có flash hoặc đèn pin vì vẫn có đoạn tối. Ở chân núi bắt đầu leo lên thì chạy qua mua thẻ xe điện cho lượt về trước, không lo hết thẻ xe”, Ngân lưu ý.

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn