Tranh ghép từ gốm Biên Hòa (Đồng Nai) đặc sắc của họa sĩ Mai Văn Nhơn

0
Tranh ghép từ gốm Biên Hòa (Đồng Nai) đặc sắc của họa sĩ Mai Văn Nhơn

Festival Gốm truyền thống Biên Hòa – Đồng Nai dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 27-4. Nhân dịp này, Báo Đồng Nai Online trân trọng giới thiệu một số tác phẩm tranh ghép gốm của họa sĩ Mai Văn Nhơn. Trong đó, họa sĩ đã sử dụng nguyên liệu gốm Biên Hòa – Đồng Nai để tạo nên những bức tranh đặc sắc, mang đậm tính nghệ thuật.


Tranh ghép (mosaic) gốm là loại hình mỹ thuật kết hợp giữa hội họa và gốm thủ công, trong đó các mảnh gốm được cắt, nung và sắp đặt thành một bố cục hoàn chỉnh như một bức tranh. Quá trình thực hiện gồm nhiều công đoạn công phu: từ phác thảo; chọn màu men và nung gốm ở nhiệt độ cao; sau đó cắt từng mảnh gốm và ghép lại trên nền tranh theo bố cục đã phác thảo. Chính sự kết hợp giữa chất liệu truyền thống và kỹ thuật tạo hình hiện đại đã làm nên nét độc đáo cho dòng tranh này.

Mỗi tác phẩm không chỉ là một bức tranh, mà còn là sự kết tinh của cảm xúc, kỹ thuật và tâm huyết mà họa sĩ Mai Văn Nhơn dành cho quê hương và nghệ thuật gốm truyền thống. Qua những mảnh ghép tưởng chừng rời rạc, ông đã thổi hồn vào đất, lửa và men gốm, kể nên những câu chuyện mang đậm bản sắc Biên Hòa – Đồng Nai.

Bác là Việt Nam

Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện bằng kỹ thuật tranh ghép từ gốm Biên Hòa, với dáng vẻ uy nghiêm, giản dị mà sâu lắng. Tác phẩm từng được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2017, là một điểm nhấn nghệ thuật giàu cảm xúc và giá trị lịch sử.

Đại tướng của lòng dân

Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thể hiện bằng tranh ghép gốm Biên Hòa. Tác phẩm được phóng tác từ một bức ảnh nổi tiếng, thể hiện gương mặt đôn hậu, truyền tải ý chí kiên cường trong phong thái điềm đạm, bao dung của một vị tướng vì dân.

Thiên thai

Tác phẩm chân dung nhạc sĩ Văn Cao, thể hiện bằng gốm Biên Hòa với kỹ thuật men xám đa sắc. Văn Cao hiện lên mơ màng, hòa vào không gian huyền ảo của thiên thai, nơi âm nhạc, con người và thiên nhiên như quyện làm một.

Vó ngựa trời Nam

Chân dung Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ – nhà lãnh đạo quân sự tài ba trong kháng chiến chống Pháp ở miền Đông Nam Bộ. Bức tranh được phóng tác từ ảnh chụp tại Chiến khu Đ, khắc họa hình ảnh ông cưỡi ngựa, lưng mang súng, tay cầm gươm, oai phong tiến về phía trước.

Mẹ và biển

Tác phẩm dùng chất liệu kết hợp giữa gốm Biên Hòa và sơn dầu, lấy cảm hứng từ những người mẹ miền Trung có chồng con lênh đênh giữa biển khơi. Khuôn mặt mẹ với ánh nhìn xa xăm được thể hiện bằng kỹ thuật mosaic tinh tế, phản chiếu nỗi khắc khoải, niềm hy vọng và tình yêu vô bờ.

Hồn xưa phố cũ

Bức tranh khắc họa chân dung họa sĩ Bùi Xuân Phái – biểu tượng của tình yêu phố cổ Hà Nội – được thể hiện bằng chất liệu gốm, acrylic và sơn dầu, gợi lên nỗi hoài niệm quá khứ và khát vọng gìn giữ giá trị văn hóa giữa dòng chảy hiện đại.

Đôi mắt Tà Lài

Chân dung em bé Châu Ro ở làng Tà Lài (Đồng Nai), với đôi mắt ngây thơ, truyền cảm hứng cho bức tranh ghép gốm rực rỡ. Tác phẩm sử dụng gốm Biên Hòa để tôn vinh vẻ đẹp hồn nhiên và văn hóa bản địa, lan tỏa câu chuyện cộng đồng qua nghệ thuật đương đại.

Bà mẹ Cù Lao

Chân dung người mẹ Nam Bộ hiền hậu với nụ cười đôn hậu và ánh mắt đầy yêu thương. Tác phẩm được chuyển thể từ tranh sơn dầu thập niên 1990 của chính họa sĩ Mai Văn Nhơn sang tranh ghép gốm Biên Hòa, tái hiện chân thực nét thời gian và sự hy sinh thầm lặng của người bà, người mẹ xứ Cù Lao.

Đắc Nhân

Nguồn: Dulichvn