Sống hết mình vì đam mê, luôn tìm tòi cái đẹp ở bất kì vùng đất nào mình đặt chân đến và chọn cách lên đường với trái tim rộng mở – đó chính là bức chân dung về những travel blogger Việt phiên bản 2.0
Travel blogger bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam vào khoảng 7 năm trước. Ở thời điểm đó, dù có là người cởi mở và tiến bộ đến đâu thì cũng thật khó để hình dung ra được tương lai hứa hẹn của những người suốt ngày vác balo lê la từ nơi này sang nơi khác – hay còn gọi chung với một danh từ đầy lạ lẫm: travel blogger. Làm sao đi du lịch lại có thể là một công việc? Họ kiếm tiền như thế nào? Ai chịu chi trả cho những chuyến đi của họ? Bao nhiêu người thật sự quan tâm đến những gì họ viết, họ chia sẻ? Không ít những câu hỏi như thế đã khiến các travel blogger đời đầu cảm thấy nản lòng, chùn bước.
(Ảnh: Hà Trúc)
Để rồi 6 năm sau, travel blogger trở thành một công việc thời thượng, một mảnh đất với nhiều cơ hội dành cho những người trẻ hiện đại, có gu thẩm mỹ và không ngại bứt phá khỏi những suy nghĩ cũ kĩ. Thậm chí giờ đây, nó đã trở thành một nghề nghiệp trong mơ, một thứ trải nghiệm mà nhiều người trẻ ao ước được một lần dấn thân.
Với sự phát triển chóng mặt của các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram…, bất kì ai cũng có thể trở thành một travel blogger chứ không còn phụ thuộc nhiều vào những cách truyền thống như phải lên báo, ra sách giống như nhiều năm về trước.
Những bài viết chia sẻ của các travel blogger giờ đây cũng chẳng còn dài thườn thượt như bài tập làm văn tả cảnh nữa mà đã được rút gọn lại sao cho khúc chiết, súc tích nhất. Bên cạnh đó, phần hình ảnh được chăm chút và đẩy mạnh hơn bao giờ hết, đem đến cho người đọc, người xem cảm giác chân thực và gần gũi. Đó là những bộ ảnh đẹp đến ngẩn ngơ, những video du lịch “xịn sò” khiến nhiều người phải choáng ngợp vì không thua gì những thước phim điện ảnh – tất cả sự cố gắng này của các blogger thế hệ 2.0 đều đã và đang được mọi người ghi nhận từng ngày.
Trần Quang Đại – một travel blogger mới nổi trong thời gian gần đây.
Album du lịch Ladakh đầy ấn tượng của travel blogger Nhị Đặng.
Thêm một điểm đặc biệt nữa khiến những nhân vật này ngày càng được đón nhận nhiều hơn đó là sự “dễ tiếp cận”. Ngày xưa các travel blogger cứ thoắt ẩn thoắt hiện, vừa xa lạ vừa chẳng biết đâu mà lần. Nhưng giờ thì bạn đã dễ dàng “chạm” vào họ bằng nhiều cách: lắng nghe họ chia sẻ, tương tác với họ, trở thành bạn bè của họ trên mạng xã hội và biến đó thành những tình bạn thật. Độ tuổi của các travel blogger cũng đang “trẻ hoá” rõ rệt, giúp khoảng cách giữa người viết – người đọc cũng được thu hẹp lại. Một bên thì được truyền cảm hứng, bên còn lại thì cảm nhận được sức ảnh hưởng và những giá trị mà mình đang tạo ra – cứ như thế, travel blogger “tằng tằng” phát triển và có một vị trí riêng với hàng triệu người trẻ Việt.
Nhắc đến những nhân vật làm công việc ngao du khắp đất trời này, phản ứng quen thuộc của số đông vẫn là “sướng nhỉ, suốt ngày được đi chơi chỗ này đi ăn chỗ kia”. Tuy nhiên phải thật sự tiếp xúc và lắng nghe rồi thì mới thấy, bất kì sở thích nào một khi đã trở thành công việc đều sẽ có những khó khăn riêng. Nếu như người bình thường phải đối mặt với những KPI, deadline, report… thì cuộc sống của những travel blogger cũng có những áp lực tương tự, chẳng qua là họ giấu nó dưới những vỏ bọc ngọt ngào hơn mà thôi.
Trước thắc mắc liệu đây có phải là một sân chơi toàn màu hồng hay không, Tâm Bùi – nhiếp ảnh gia/ travel blogger nổi tiếng với những bộ ảnh được đánh giá cao đã chia sẻ: “Như bao thứ khác, công việc tự do cũng có cái giá của nó. Thứ nhất là mình luôn phải sẵn sàng cho việc chuyển đổi. Thứ hai là công việc tự do yêu cầu rất nhiều kĩ năng. Nếu không cứng tay nghề và làm việc có kỉ luật thì dễ sa lầy lắm. Áp lực cơm áo gạo tiền cũng cao hơn nhiều so với khi làm công việc ổn định.
(Ảnh: Hà Trúc – Monsimi)
Travel blogger không là ngoại lệ. Những thứ mà mọi người thấy trên mạng chỉ là một phần rất nhỏ của tảng băng chìm. Đằng sau nó là ám ảnh tiền bạc, là việc luôn phải cố gắng gấp 2-3 lần người khác để hoàn thành xuất sắc mọi thứ, là những lúc bụng đói cồn cào mà tiền thì chẳng còn bao nhiêu. Nhưng đã lựa chọn con đường này rồi thì phải chấp nhận thôi.”
(Ảnh: Nhị Đặng)
Hay một ví dụ đơn giản hơn chính là hậu trường của những bức ảnh ngàn like trên mạng xã hội. Không phải ai cũng hiểu rằng đằng sau một khoảnh khắc sang chảnh với bữa sáng trên giường (breakfast in bed), một album #outfitoftheday đẹp như tạp chí thời trang hay một ảnh check-in ở trên một đỉnh núi nào đó là hàng giờ đồng hồ chuẩn bị. Vài trăm cho đến cả ngàn đô có thể là cái giá khó hiểu cho một bức ảnh. Nhưng nếu biết được để có được sản phẩm tưởng chừng đơn giản đó, các travel blogger đã phải tốn công tốn sức như thế nào thì chắc hẳn bạn sẽ không còn thắc mắc nữa.
Trong một buổi cafe tám chuyện, một nàng travel blogger mới nổi trên Instagram từng tâm sự với tôi rằng: “Nhiều lúc cũng nản lòng lắm, nhưng vì nó là đam mê, là cuộc sống nên không thể bỏ được. Cái khó khăn đầu tiên là phải luôn giữ được sự hào hứng của mình trước mỗi chuyến đi, phải luôn tìm được những thứ khiến bản thân tò mò về một vùng đất nào đó. Vài tháng đi một lần thì còn háo hức chứ thử một tháng đi 3-4 chuyến đi là bạn ngán liền.
(Ảnh: Tâm Bùi)
Tiếp theo là quá trình chuẩn bị sao cho có thể tận dụng và khai thác được từng giây từng phút của chuyến đi. Người bình thường có thể ngủ đến 12h trưa rồi tà tà thích đi đâu thì đi, nhưng các travel blogger một khi đã lên đường là xác định luôn giấc ngủ là thứ phù phiếm. Những áp lực vô hình và hữu hình đó đôi khi khiến cho sự hưởng thụ và phấn chấn của tụi mình trở nên kém trọn vẹn hơn so với những gì mà mọi người thường thấy.”
Nói tóm lại, chúng ta có thể so sánh các travel blogger với hình ảnh của những chú vịt: bề nổi thì trông có vẻ ung dung, tự tại và đơn giản, nhưng ở một góc nhìn khác, họ lại đang quẫy đạp hết sức mình để không phải dậm chân tại chỗ, để giữ bản thân luôn tiến về phía trước và để khẳng định được những giá trị và năng lực của chính mình.
Một trong những cách đơn giản nhất để tìm kiếm cảm giác an toàn đó là để bản thân thuộc về một tập thể và làm một thứ có tính đảm bảo, lâu dài. Đó cũng là một trong những trở ngại về mặt tâm lý mà nhiều travel blogger phải trải qua ở giai đoạn đầu. Twins – Quán quân của Here We Go mùa 2 với hai anh em sinh đôi là Thế Vinh – Thế Bảo từng chia sẻ rằng để có thể theo đuổi đam mê dịch chuyển của mình, cả hai đã từng nhiều lần phải đối diện với nguy cơ mất việc. Quyết định đó càng trở nên khó khăn hơn khi phải chọn 1 trong 2: hoặc là cơ hội thăng tiến trong tập thể, hoặc là sự tự do để có thể làm được những điều mình đã ấp ủ bấy lâu nay.
(Ảnh: Nguyễn Thế Vinh)
Nhị Đặng – một travel blogger nữ hiếm hoi từng thổ lộ trong một bài phỏng vấn rằng: “Khi Nhị từ bỏ lựa chọn ngồi văn phòng để đến gần hơn với những chuyến đi như vầy, dĩ nhiên là gặp khá nhiều khó khăn, lương không ổn định, phải tự liên hệ với khách hàng và bạn bè để tìm công việc… Nhưng bù lại, mình được là “tỉ phú thời gian”, mình kiểm soát thời gian. Và quan trọng là công việc phù hợp, có ý nghĩa với mình, và mình cảm thấy vui vì điều đó.”
(Ảnh: Trang Olive)
Một cuộc sống mà không có du lịch, không có sự dịch chuyển thì cũng giống như một vũng nước bị ứ đọng. Nước sẽ không trong, dính nhiều bụi bẩn, rồi lá cây rơi xuống, sớm muộn cũng sẽ thành một vũng nước dơ. Chúng ta sẽ có những cái nhìn thật hẹp về thế giới, về cuộc sống bên ngoài. Cuộc sống dần trở nên thụ động, tù đày. Bản thân vì thế cũng sẽ kém bao dung và nhỏ nhen, soi xét hơn. Đây là lí do vì sao mà ngày càng có nhiều người trẻ quyết định thoát khỏi vùng an toàn của mình để bước ra thế giới.
Dù khó khăn, dù gặp nhiều thử thách và phải đối mặt với sự không ổn định nhưng các travel blogger Việt vẫn đang cố gắng từng ngày để khiến bản thân trở nên tốt hơn và đem đến nhiều giá trị ý nghĩa cho cộng đồng. Thứ mà họ đang làm không chỉ đơn giản là một sở thích hay một công việc mà còn là một châm ngôn, một phong cách sống rất khác dành cho những người trẻ hiện đại, cởi mở và thích những thứ mới mẻ.
Sống với chính mình, làm những điều mình thích và dũng cảm vượt qua những định kiến của xã hội – chỉ cần làm được những điều này là bạn đã có một cuộc đời rất huy hoàng và đáng nhớ. Và đó cũng chính là giá trị mà các travel blogger Việt đang theo đuổi.
10 khách mời nổi tiếng với 10 cá tính, điểm mạnh khác nhau sẽ đồng hành cùng Top 20 trên hành trình “Đi hết Việt Nam mình!” của Here We Go mùa 3. Trước lạ sau quen nhưng trên hết là những trải nghiệm du lịch thú vị chưa từng có. Cùng chờ đón vòng ghép đội đặc biệt mang tên “Đội hình trong mơ” diễn ra từ ngày 25/8 đến 26/8 ở Hội An tại herewego.kenh14.vn nhé!
Trân trọng cảm ơn Công ty Cổ phần Vinpearl đã cùng đồng hành với sự phát triển nền du lịch và nâng tầm trải nghiệm của du khách tại Việt Nam. Công ty Cổ phần Vinpearl là thương hiệu Việt hàng đầu trong ngành khách sạn nghỉ dưỡng tại Việt Nam, cung cấp chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao quốc tế với các dòng sản phẩm như Vinpearl Luxury, Vinpearl Hotels & Resort, Vinpearl Discovery; hệ thống ẩm thực và dịch vụ đẳng cấp như Vinpearl Golf, Vincharm Spa, kết hợp các công viên vui chơi giải trí Vinpearl Land và vườn thú bán hoang dã Vinpearl Safari…
Chi tiết truy cập: www.vinpearl.com
Nguồn: KENH14.VN