Trẻ em sang chấn tâm lý, nghiện điện thoại vì ở nhà lâu ngày

0
Trẻ em sang chấn tâm lý, nghiện điện thoại vì ở nhà lâu ngày

“Việc không thể tiếp cận địa điểm vui chơi trực tiếp khiến các em nghiện game, điện thoại nhất là trong bối cảnh bố mẹ đã đi làm”, đại biểu Tạ Văn Hạ nói.

Trong 2 ngày 8-9/11, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội. Nội dung phòng, chống dịch Covid-19 cùng những vấn đề phát sinh khi dạy và học trực tuyến được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Tác động tiêu cực khi trẻ học trực tuyến dài ngày

Trong phiên thảo luận sáng 9/11, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) đánh giá việc học online không thể thay thể việc học trực tiếp nhưng là giải pháp tất yếu để đảm bảo cung cấp kiến thức và an toàn cho người học trong bối cảnh dịch bệnh.

Về những tồn tại, bà Hà kể việc đường truyền không ổn định, thầy cô giáo lớn tuổi gặp khó khi sử dụng công nghệ, thiết bị còn hạn chế cả về chất và lượng, việc quản lý học sinh chưa hiệu quả.

Theo đại biểu, việc học trực tuyến kéo dài gây nên những tác động tiêu cực tới sức khỏe của cả người dạy và người học. Học sinh nảy sinh tâm lý lo lắng do bị giảm tương tác với thầy cô và bạn bè.

Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum) dẫn một báo cáo nhanh vào tháng 8 cho thấy chi phí học trực tuyến cho con cái trong đại dịch là chi phi phát sinh lớn nhất cho nhiều gia đình. Bà bày tỏ lo ngại khi trẻ em, hộ nghèo đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa lại càng khó khăn cho con em học trực tuyến.

“Ở địa phương tôi, đặc biệt các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, rất nhiều người không có khả năng trang trải số tiền hơn 3 triệu đồng mua điện thoại thông minh hoặc khoảng 10 triệu đồng cho một máy tính”, nữ đại biểu tỉnh Kon Tum nói và đề nghị Bộ GD&ĐT khẩn trương đánh giá hiệu quả học trực tuyến.

Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng trẻ em có nguy cơ sang chấn tâm lý, nghiện game khi ở nhà lâu ngày. Ảnh: Quochoi.vn.

Tiếp tục nêu những tác động tiêu cực đối với trẻ nhỏ trong bối cảnh dịch Covid-19, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) nêu thêm thực trạng trẻ em nghỉ học lâu ngày xuất hiện tình trạng sang chấn tâm lý, học trực tuyến ảnh hưởng xấu tới thị lực, sức khỏe và chất lượng không đảm bảo.

“Việc không thể tiếp cận địa điểm vui chơi trực tiếp còn khiến các em nghiện game, điện thoại nhất là trong bối cảnh bố mẹ đã đi làm”, ông Hạ nói và khoăn về độ an toàn vaccine cho trẻ em khi trở lại trường.

Bộ GD&ĐT chưa có động thái thể hiện tầm nhìn dài hạn

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) bày tỏ lo ngại với việc dịch bệnh tiếp tục phức tạp khiến học sinh ở nhiều địa phương không được đến trường, phải học trực tuyến trong thời gian dài.

Ông đề nghị ngành giáo dục có chính sách đảm bảo sự đồng đều, chất lượng dạy và học trong điều kiện hiện nay; sớm có hỗ trợ đối với tổ chức, cá nhân khó khăn trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao.

Tre o nha lau ngay nghien game anh 1

Đại biểu cho rằng có nhiều biểu hiện chậm trễ và lúng túng của Bộ GD&ĐT. Ảnh: N.H.

Từ những thực tế trên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đánh giá có nhiều biểu hiện chậm trễ và lúng túng của Bộ GD&ĐT.

“Dịch Covid-19 bùng phát gần 2 năm nay nhưng Bộ GD&ĐT dường như chưa có động thái thể hiện tầm nhìn dài hạn để ứng phó với dịch”, nữ đại biểu đánh giá. Bà dẫn chứng đến ngày 4/8, khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 ban hành vẫn hệt như mọi năm, không có một dòng nào đề cập đến các biện pháp ứng phó với dịch để triển khai linh hoạt, an toàn.

Gần 2 năm qua, cơ quan quản lý ngành giáo dục cũng chưa đánh giá khả năng thực hiện việc học trực tuyến ở các địa phương, chưa hỗ trợ phương tiện dạy và học trực tuyến cho những vùng và đối tượng khó khăn. “Đây là những bất cập cần khắc phục ngay”, đại biểu đề nghị.

Theo chương trình kỳ họp, tuần này, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn sẽ đăng đàn trả lời trả lời chất vấn trực tiếp của các đại biểu.

Nguồn: News.zing.vn