Trẻ run sợ khi bạn tái hiện cảnh phim ‘Squid Game’ ở trường học

0
64

Trở về sau một tuần học bán trú ở trường, cô con gái 8 tuổi của Guillaume luôn bất an, sợ hãi. Nguyên nhân là bạn bè ở trường mô phỏng “Squid Game” với hành vi bạo lực.

Squid Game đã gây tác động đến toàn cầu. Bộ phim đã gắn nhãn 18+ vì có nhiều cảnh bạo lực, máu me – đặc trưng của thể loại phim sinh tồn. Tuy nhiên, nhiều khán giả nhỏ tuổi vẫn xem được các màn giết chóc trên mạng xã hội, thậm chí bắt chước.

Lo lắng vì trò chơi ăn theo phim

Guillaume Taillon-Chrétien (ở Quebec, Canada) bất ngờ khi thấy con gái 8 tuổi run sợ, bất an sau khi đi học về. Cô bé không muốn quay trở lại khu bán trú của một trường tiểu học tại Massueville, phía đông bắc Montreal. Sau khi gặng hỏi, người cha mới biết nguyên nhân khiến con gái sợ hãi xuất phát từ trò chơi liên quan phim Squid Game.

“Con run sợ khi bạn tái hiện cảnh phim Squid Game. Đây đều là những hành động không phù hợp với trẻ nhỏ”, Guillaume nói. Theo lời kể của con, một bạn học nữ sẽ đóng vai con búp bê và chỉ xem ai là người phải chết. Khi bị “bắn”, các người chơi diễn cảnh y như trong phim, nằm úp mặt trên nền đất.

Phụ huynh này bày tỏ lo lắng khi trò chơi không dừng ở việc giải trí mà đã ảnh hưởng tâm lý của con anh. Bằng chứng là cháu bé bồn chồn, sợ hãi khi phải đến trường.

Ban đầu, cô bé là người rất hiếu động, cởi mở. Song, sau sự việc ở trường, cảm xúc của bé bị xáo trộn rất nhiều. “Điều này khiến tôi sôi máu, bộ phim không dành cho trẻ em. Tôi biết nó là hư cấu nhưng vẫn rất bạo lực”, phụ huynh bày tỏ.

Tro choi con muc anh 1

Trò chơi “Đèn xanh, đèn đỏ” của Squid Game được nhiều học sinh trên thế giới tái hiện lại và thực hiện các hành vi bạo lực với người thua cuộc. Ảnh: Netflix.

Guillaume cho biết anh rất ngạc nhiên khi nghe con gái nói về chương trình này. Bởi hai vợ chồng đã cố tình xem nó vào đêm khuya, khi con đã đi ngủ. Người cha nghĩ rằng điều đó sẽ giúp con tránh được những ảnh hưởng nguy hiểm, bạo lực từ bộ phim.

Ngôi trường con gái Guillaume theo học không phải nơi duy nhất diễn ra tình trạng này. Đầu tháng 10, các giáo viên trường Erquelinnes Bégunating Hainaut ở Bỉ phát hiện học sinh tái hiện trò chơi “đèn xanh, đèn đỏ” trong phim. Người thua cuộc sẽ bị nhóm học sinh đánh thay vì bị xử tử như bản gốc của bộ phim Hàn Quốc. Kết quả, nhiều học sinh tham gia bị “quản trò” hành hung, tạo nên tâm lý sợ hãi cho các em.

Lời cảnh báo

Tại Ilford, Anh, đại diện Tiểu học John Bramston gửi thư cho phụ huynh nói về việc trẻ em bàn tán nhiều về Squid Game. Một số học sinh bắt chước hành động, các trò chơi trong phim, bao gồm trò “Khi hoa dâm bụt nở”, Independent đưa tin ngày 10/10.

“Bất cứ trẻ em nào bắt chước, thể hiện hành vi bạo lực, cha mẹ nên khuyên, thậm chí áp dụng các biện pháp cảnh báo. Xin hãy nhận thức về sự nguy hiểm của chương trình với con em, củng cố hành vi tích cực”, nhà trường ra thông báo.

Tại Quebec, một số trường học đã gửi thư cảnh báo phụ huynh về việc trẻ bắt chước các trò chơi trong phim. Hội đồng Riverside School Board, ở ngoại ô Montreal, tuyên bố Squid Game có “cốt truyện bạo lực, thúc đẩy cảm xúc bối rối của khán giả nhỏ tuổi, nhiều hình ảnh gây sốc hoặc tệ hơn là khiến hành vi bạo lực vốn bất thường trở thành điều bình thường”.

Sylvain Racette, Hiệu trưởng Riverside School Board, chia sẻ phụ huynh cần nghiêm túc xem xét vấn đề này. Bởi tình trạng trẻ bắt chước các trò chơi trong phim ngày càng nhiều và nó có thể gây ra hệ lụy đáng tiếc.

“Hai con trai tôi cũng rất tò mò về bộ phim. Nhưng chúng ta cần bảo vệ con. Tôi đã dành thời gian để trò chuyện với hai con trai 9, 13 tuổi về những tác hại mà bộ phim có thể mang lại. Quan trọng là chúng ta phân tích cho con hiểu điều đúng, sai”, ông Sylvain nói.

Tro choi con muc anh 2

Hàng loạt trường trên thế giới đã gửi thư cảnh báo tới phụ huynh, đề nghị không cho con xem Trò chơi con mực. Ảnh: Netflix.

Nhà tâm lý học Nadia Gagnier chia sẻ với trẻ nhỏ, cha mẹ là người có ảnh hưởng nhiều nhất. “Việc chúng ta ngăn trẻ xem Trò chơi con mực là không đủ. Phụ huynh nên thảo luận về hiện tượng này như một cách trấn an và xây dựng lòng tin ở con. Đừng để trẻ tò mò, lén tìm hiểu và đi sai đường”, vị chuyên gia đồng tình với quan điểm của ông Sylvain Racette.

Bà Nadia cho rằng cả thế giới đều đang bàn tán về bộ phim, do đó, phụ huynh cố tình lờ đi và cấm con xem không phải là cách tiếp cận tốt. Nếu con tò mò, lén xem mà cha mẹ không biết, bộ phim có thể tạo thành cơn ác mộng, lo lắng, ảnh hưởng nặng tới tâm lý và quá trình phát triển tính cách của các con.

Vị chuyên gia khuyến cáo điều mà các bậc phụ huynh nên làm đó là theo dõi sát sao trẻ, nhất là những bé vốn có xu hướng hung hăng, hành vi bạo lực. “Bộ phim sẽ là ‘chất xúc tác’ khiến tính cách này thêm tồi tệ”, bà Nadia nói.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn