Trẻ vào web đen, bị người lạ dụ chat sex khi học online

0
45

Một số trẻ học trực tuyến quá lâu, tự do sử dụng điện thoại, máy tính mà không có sự giám sát của người lớn dẫn đến tiếp xúc với người xấu, nội dung thiếu lành mạnh trên Internet.

“Tối qua, sau khi con học xong, tôi mới vào mở máy tính của con lên. Bầu trời của tôi sụp đổ. Đứa con gái tôi cho là luôn nghe lời mẹ, ngoan ngoãn ngây thơ làm tôi điếng cả người! Con tôi được người ta mời chat xxx”, một bà mẹ ở Đà Nẵng gửi lời tâm sự đến trang của nhà văn Hoàng Anh Tú.

Đọc câu chuyện của người này, nhà văn, chuyên gia tâm lý Hoàng Anh Tú nhận thấy phải chia sẻ ngay với các bậc cha mẹ khác vì theo ông, chuyện học online của các con thực sự đang có rất nhiều vấn đề.

Tre vao web den anh 1

Thiếu sự giám sát của người lớn khi học online, trẻ có thể truy cập vào web đen hoặc bị kẻ xấu dụ dỗ. Ảnh: Alamy.

Quá nhiều mối nguy khi trẻ học online

Theo lời kể của bà mẹ ở Đà Nẵng, con mới vào lớp 6, học chương trình ở trường hay học thêm đều bằng hình thức online. Do đó, thời gian con dùng máy tính rất nhiều.

Ban đầu, bà thường xuyên để mắt xem con học như thế nào. Nhưng sau một thời gian, con vào nề nếp, bà ít giám sát hơn, tin tưởng con tự giác học tập.

Bên cạnh đó, vợ chồng họ vốn hạn chế con dùng mạng xã hội. Khi con vào lớp 6, chia tay bạn học ở tiểu học, họ mới cho con dùng mạng xã hội để thỉnh thoảng nói chuyện với bạn cũ.

Bà mẹ cho hay bà căn dặn rất nhiều lần việc không kết bạn với người người lạ, không nói chuyện với người mình không quen qua mạng xã hội. Đôi khi, bà lướt xem con nói chuyện với ai, làm gì nhưng hạn chế dần vì nghĩ đó là quyền riêng tư của con.

Người phụ nữ ở Đà Nẵng cho rằng sai lầm bắt đầu từ đây. Một buổi tối, sau khi con học xong, bà mở máy tính lên, phát hiện con bị người lạ dụ dỗ chat sex. Đối phương tự giới thiệu sinh năm 2006, còn gửi hình ảnh bộ phận nhạy cảm.

“Con tôi thì vẫn ngây thơ hỏi người kia chơi game không. Cậu ta tiếp tục rủ rê con bé chat xxx, gọi video nhưng ơn trời hầu hết cuộc gọi đó, con không trả lời”, nữ phụ huynh kể.

Đây không phải trường hợp duy nhất giật mình trước những thứ con tiếp xúc trên Internet khi học online.

Cô Chu Thu Giang (Gia Lâm, Hà Nội) cũng đau đầu về việc bảo vệ con trước nội dung độc hại trong quá trình học trực tuyến. Cô kể con trai mới 14 tuổi, đang trong giai đoạn dậy thì.

Trước đây, khi con còn được đến trường, gia đình chỉ cho phép con dùng máy tính khi có bài dự án. Thời gian này, con học online nên sử dụng laptop thoải mái.

Ban ngày, con theo chương trình học của trường cả sáng lẫn chiều, tối lại làm bài tập. Do đó, gần như cả này, con gắn liền với chiếc máy tính. Năm ngoái, cô Thu Giang phát hiện con lén chơi điện tử trên máy. Cô đã cấm. Đầu năm nay, con trai lại sa đà vào đọc truyện online.

Gần đây, cô tá hỏa khi phát hiện con vào một số trang web kiểu khiêu dâm Nhật Bản theo dạng hoạt hình.

Những chuyện tương tự không hề hiếm. Nhà văn Hoàng Anh Tú cho hay ông từng nhận được nhiều lời chia sẻ từ các phụ huynh về việc con họ tiếp xúc với nội dung thiếu lành mạnh trên Internet.

“Vấn đề các con không an toàn thế nào trên mạng xã hội đang thật sự khiến các phụ huynh đau đầu”, ông Anh Tú nhận định.

Tre vao web den anh 2

Nhiều phụ huynh bàng hoàng khi phát hiện con tiếp xúc với nội dung thiếu lành mạnh trên mạng. Ảnh: Raisingteenagers

Phụ huynh bối rối, không biết cách xử lý

Điều đáng lo ngại hơn, khi phát hiện sự việc, nhiều phụ huynh lại không biết cách xử lý như thế nào để vừa có thể vừa bảo vệ con vừa không làm tổn thương những đứa trẻ chưa chín chắn, tâm hồn còn non nớt và tâm lý tuổi dậy thì nhiều bất ổn.

Trong trường hợp bé gái ở Đà Nẵng, phụ huynh hoang mang song vẫn có phần may mắn vì phát hiện sớm. Tuy nhiên, khi bà gọi con ra nói chuyện, con la hét: “Con không biết! Con muốn chết, con chỉ muốn chết thôi!”.

Thái độ của con khiến bà hoảng sợ nên đã gọi chồng về cùng giải quyết. Đêm đó, bà không ngủ được, lọc lại danh sách bạn bè trên Facebook của con và lại thêm một lần sốc khi biết con tham gia vào nhóm mà thành viên dùng lời lẽ thô tục để nói về những nội dung không phù hợp với lứa tuổi.

“Thật sự, quản lý con theo khuôn khổ thật khó, trong thời điểm này lại càng khó khăn. Con học trong thời gian ba mẹ đi làm thì làm sao kiểm soát được. Rồi bao nhiêu điều không nên, không đúng với lứa tuổi của con vẫn đang tràn lan. Đâu mới là tối ưu nhất trong việc dạy con?”, phụ huynh này phân vân.

Cô Chu Thu Giang cũng rơi vào thế khó. Khi cô hỏi con lý do vào web đen, con nói con tò mò. Cô thừa nhận điều này khó tránh khỏi khi con đang ở độ tuổi mới lớn lại tiếp xúc với Internet liên tục.

Bao nhiêu nội dung xấu bủa vây con. Vợ chồng cô lại đi làm cả ngày, không thể giám sát. Phân tích, khuyên nhủ đủ cả song cô vẫn không biết làm thế nào để hướng con phát triển tích cực.

“Với lứa tuổi các con, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Con quá non nớt, bồng bột, chưa đủ sức đề kháng với cái xấu trên mạng. Tôi đã bảo chồng tâm sự với con nhưng không biết hiệu quả không vì ở tuổi mới lớn, con không thích bố mẹ can thiệp sâu vào chuyện của mình”, cô Thu Giang lo lắng.

Vì vậy, cô mong từng ngày từng giờ con được đến trường, giao tiếp với bạn bè, thầy cô, xả bớt năng lượng tích tụ. Nữ phụ huynh nhấn mạnh trẻ cần được đến trường ngay và luôn, không thể chờ vaccine, nếu không may trẻ nhiễm virus, phần lớn, tình hình ở mức độ nhẹ.

Cha mẹ là hệ miễn dịch của con trên mạng

Nhà văn Hoàng Anh Tú nhận định sự an toàn của con trẻ trên mạng luôn là thứ mà phụ huynh 4.0 đã, đang đau đầu, lo lắng, hoang mang và có cả sợ hãi.

Ông cho biết hàng loạt kịch bản có thể xảy ra với trẻ khi dùng mạng xã hội, từ bị lừa tiền, kẻ xấu dụ dỗ, nảy sinh suy nghĩ lệch lạc, gửi ảnh khỏa thân hay nghĩ đến việc tự tử.

Trước mối nguy đó, ông cho rằng cha mẹ chính là hệ miễn dịch cho trẻ trên không gian mạng. Do đó, họ cần được “tiêm vaccine số”.

Từ những chia sẻ của các diễn giả tham dự tọa đàm Vaccine số do Cục Trẻ Em và Tiktok Việt Nam tổ chức, nhà văn Hoàng Anh Tú rút ra 6 lưu ý dành cho phụ huynh xung quanh vấn đề bảo vệ con trước nội dung độc hại từ Internet.

Theo đó, phụ huynh có thể không đủ kiến thức dạy con về công nghệ nhưng họ chính là người thầy đầu tiên dạy con cách sống trên mạng xã hội bằng chính trải nghiệm của mình.

Ngoài ra, ông lưu ý trẻ chỉ an toàn khi biết chúng có nhiều lựa chọn yêu cầu trợ giúp, từ không chỉ cha mẹ mà còn từ các công cụ hỗ trợ an toàn của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, từ tổng đài 111 quốc gia.

Phụ huynh cũng cần cho con quyền lên tiếng, ngừng phán xét, ngừng trách móc, phản ứng tiêu cực khi con sử dụng quyền này vì đứa trẻ biết nói tốt hơn đứa trẻ im lặng.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên cùng trưởng thành với con, đừng bỏ lỡ bất cứ một khoảnh khắc lớn lên nào của con. Mỗi khoảnh khắc đó đều có giá trị và đều có thể tạo ra bước ngoặt tích cực (hoặc tiêu cực) với con.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần học cách sử dụng mạng xã hội cùng con. Họ cần kiến thức để trở thành cha mẹ văn minh trên mạng, hiểu rõ cách “di chuyển xanh”, “dấu chân số” để lại trên mạng sau mỗi bài đăng, bình luận, chia sẻ đến cả việc like hay chỉ là xem cái gì trên đó. Tất cả “dấu chân số” người lớn để lại trên mạng phải là những “di chuyển xanh” để đảm bảo không tạo ra hệ lụy sau này.

Điều thứ 6 là thực hành việc sử dụng mạng sao cho an toàn thay vì cấm đoán con. Phụ huynh không thể ngăn cản được việc sử dụng mạng của con hay đứng ngoài cuộc chuyển đổi số. Tương lai của chúng ta bao gồm một phần cuộc sống số.

Những đứa trẻ, dù thế nào, chúng cũng bị buộc phải trở thành công dân số. Hạnh phúc là cân bằng đầy. Vì vậy, cha mẹ cần cân bằng đầy cho con bằng việc tương tác thực song song với tương tác ảo.

“Nghiện mạng xã hội là có thật nhưng ‘lowtech’ trong tương lai có thể khiến con chúng ta ‘lowlife đấy’. Cuối cùng, bạn an toàn, con cái bạn cũng an toàn. Bạn chính là hệ miễn dịch của các con”, nhà văn Hoàng Anh Tú nhắn nhủ.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn