Drop bear hay gấu nhảy, gấu ăn thịt người là loài vật không có thật mà người Australia dùng để dọa dẫm khách du lịch muốn tiến sâu vào các khu rừng của nước này. Chuyện về gấu nhảy giống như thần thoại thời hiện đại ở Australia, nhắc tới một loài gấu hung dữ sẵn sàng nhảy từ trên cây xuống cắn xé, hút máu người. Nhiều công ty lữ hành ở Australia còn giới thiệu với du khách các tour tham quan kết hợp đi tìm gấu nhảy dài ngày trên khắp xứ sở chuột túi. “Chúng không tồn tại, tất cả là một trò đùa”, tờ Telegraph của Anh khẳng định.
Sinh vật này thậm chí còn có một danh mục riêng trên trang web của bảo tàng Australia với nội dung nghiêm túc, từ đặc điểm nhận biết, môi trường sống, chế độ ăn, sinh sản… Bảo tàng mô tả con vật có kích thước của một con báo với bộ lông màu cam có vết đốm đen, dài 130 cm, nặng 120 kg với cánh tay mạnh mẽ để leo trèo và giữ chặt con mồi. Frank Howarth, Giám đốc bảo tàng, nói với đài ABC: “Nếu bạn tìm thấy xác của một con gấu nhảy, xin vui lòng cho chúng tôi biết vì chúng tôi chưa có nó trong bộ sưu tập”.
Bản đồ chỉ ra khu vực phân bố gấu nhảy trên trang web của bảo tàng Australia. Ảnh: Australian Museum. |
Tạp chí Australian Geographic vào ngày Cá tháng Tư năm 2013 đã đăng tải nghiên cứu của Tiến sĩ Volker Janssen, Đại học Tasmania, về loài gấu nhảy. Trong bài viết, Volker tiết lộ có 6 con gấu nhảy tại “điểm nóng” của sinh vật này là bang New South Wales. Trong một mẫu nghiên cứu thứ hai, tác giả còn cho biết, “theo thống kê, những người sinh ra ở Australia ít có khả năng bị tấn công bởi gấu nhảy”.
Trò đùa vẫn tiếp diễn khi người Australia thống nhất với nhau về cách đưa ra lời khuyên với du khách để tránh bị gấu tấn công như phải nói tiếng Anh theo kiểu Australia, đeo dĩa lên tóc, bôi kem đánh răng vào sau tai hoặc dưới nách mỗi khi đi tham quan. Họ còn gợi ý về loại “thuốc chống gấu” với tên gọi Vegemite, sử dụng bằng cách bôi lên khắp mặt. Thật ra, đây là loại thực phẩm đặc trưng của Australia làm từ men bia, giống như mứt dùng để phết lên bánh mì.
Hình chú gấu koala được sử dụng minh họa cho bài viết về gấu nhảy đăng tải ngày Cá tháng Tư của tạp chí địa lý Australia. Ảnh: Australian Geographic. |
Tuy nhiên, rất nhiều du khách bị ám ảnh với câu chuyện này. Faith Abbott, người Anh, chia sẻ trên trang hỏi đáp Quora: “Tôi đã đến thăm Australia vài lần. Loài động vật duy nhất khiến tôi sợ hãi là gấu nhảy. Tôi luôn sống trong sự thấp thỏm khi nghĩ đến lúc đối đầu với nó”.
Gấu nhảy trong hình dung của phần lớn người nước ngoài giống với gấu túi koala nhưng hung dữ hơn. Số còn lại cho rằng gấu nhảy thực chất chỉ là những con koala bị rơi khỏi cây, không may đụng trúng phải khách du lịch bên dưới.
Cũng tại “điểm nóng” của gấu nhảy vào năm 2016, một con đường dài nửa km mang tên Drop Bear Lane được khánh thành. Tên gọi này được một người dân địa phương đề xuất và chính quyền bang New South Wales đã phê duyệt nó. Thị trưởng thành phố, Tamworth Col Murray, cho biết cuộc họp hội đồng hôm ấy vui vẻ khác thường. “Thật buồn cười khi nói về nó. Các cuộc họp hội đồng của chúng tôi thường rất nghiêm túc nên thật vui khi có một cuộc tranh luận kỳ quặc hôm đó về vấn đề này”, ông nói.
Thị trưởng Murray (trái) cầm trên tay “thuốc chống gấu” Vegemite bên cạnh cư dân địa phương Kylie Evans trong ngày gắn biển Drop Bear Lane. Tấm biển này bị đánh cắp năm 2017 và đã được thay thế ngay sau đó. Ảnh: Gareth Gardner. |
Trò đùa “gấu nhảy” vẫn tồn tại đến ngày nay và không có dấu hiệu dừng lại. Nhờ mạng xã hội, người Australia có cơ hội lan truyền trò đùa này rộng rãi hơn. Hàng ngày, vẫn có rất nhiều du khách nước ngoài cả tin, đăng tải những lo lắng của mình lên các trang hỏi đáp kinh nghiệm và tiếp tục nhận được những lời dọa dẫm từ người Australia.
Trên thực tế, các nhà khoa học đã khai quật được bộ xương của loài ăn thịt có tên Thylacoleo Carnifex rất giống với miêu tả về gấu nhảy từ cân nặng, có túi ở bụng và răng cửa nhọn. Theo nghiên cứu từ Đại học Flinder, những vết cào trong các hang động cho thấy loài vật này có khả năng leo trèo nhưng đã tuyệt chủng khoảng 46.000 năm trước.
Hiện vẫn không có một lời giải thích thỏa đáng tại sao hơn 20 triệu người Australia lại có một trò đùa chung, mang tính toàn dân về gấu nhảy. Allen Lawson, một người Australia, chia sẻ: “Điều này diễn ra vì chúng tôi không thể kể truyện cười về những điều khác bởi sẽ gặp rắc rối với pháp luật. Nếu chúng tôi bàn tán về người nước ngoài có thể sẽ bị hiểu lầm là kẻ phân biệt chủng tộc, tôn giáo. Không lẽ ngồi một chỗ và phớt lờ mọi thứ? Chỉ có nói về gấu nhảy là không khiến ai cảm thấy khó chịu”.
Hiện Australia được nhiều công ty lữ hành, trong đó có Tugo, đưa vào lịch trình khám phá. Công ty du lịch Tugo được thành lập từ năm 2015, chuyên tổ chức tour hướng đến các thị trường cao cấp như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Australia, Mỹ, châu Âu.
Kiều Dương
Nguồn: Vnexpress.net