Trung Quốc chật vật tìm lối ra cho khủng hoảng năng lượng

0
Trung Quốc chật vật tìm lối ra cho khủng hoảng năng lượng

Nhu cầu năng lượng tăng cao cùng cảnh thiếu điện khiến Trung Quốc khó đóng cửa các nhà máy điện nhiên liệu hóa thạch để đạt mục tiêu cắt giảm khí thải.

khung hoang nang luong o Trung Quoc anh 1

Ở rìa phía bắc thành phố công xưởng rộng lớn của Trung Quốc – Đông Hoản – những đèn hàn phát ra tia sáng lập lòe khi các công nhân khẩn trương xây dựng một nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí đốt.

Đó là một trong số nhiều nhà máy đang được xây dựng để cung cấp thêm điện cho thành phố 10 triệu dân, nơi nhu cầu tăng cao dẫn đến tình trạng mất điện diện rộng và đe dọa chuỗi cung ứng quốc tế.

Thực tế này nhấn mạnh một nỗi lo ngại trong cuộc chiến làm chậm quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu. Trung Quốc sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, cũng là nước phát thải lượng khí CO2 lớn nhất thế giới.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa hẹn Trung Quốc sẽ cắt giảm lượng lớn khí thải CO2 từ việc đốt than, dầu mỏ và khí đốt. Nước này đặt mục tiêu chạm đỉnh mức phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và đưa mức này về 0 trước năm 2060.

Thế nhưng, “cơn khát” về điện năng của Trung Quốc có thể khiến mọi việc khó khăn hơn, theo New York Times.

khung hoang nang luong o Trung Quoc anh 2

Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9. Ảnh: Mary Altaffer.

Trung Quốc hành động chưa đủ

Nhiều nhà khoa học cảnh báo các nước cần có bước chuyển đổi mạnh mẽ hơn trong việc cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch để ngăn chặn hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu.

Chỉ vài tuần trước hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu ở Glasgow, Anh, tâm điểm chú ý đổ dồn về Trung Quốc và những động thái của nước này trong việc cắt giảm khí thải.

Cơ quan năng lượng hàng đầu thế giới cho biết Trung Quốc “có phương tiện và năng lực” để thực hiện điều này.

“Chúng tôi muốn thấy tham vọng từ Trung Quốc”, Alok Sharma, thành viên Quốc hội Anh, người giám sát các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu, cho biết. “Trung Quốc hiện chịu trách nhiệm cho gần một 1/4 tổng lượng khí thải toàn cầu. Sự thay đổi của nước này sẽ là một phần quan trọng để đảm bảo thành công của thế giới trong cuộc chiến khí hậu”.

Trung Quốc có động thái hạn chế việc sử dụng than, loại nhiên liệu hóa thạch ô nhiễm nhất.

Vào tháng 4, ông Tập cam kết quốc gia này sẽ “kiểm soát chặt chẽ các dự án phát điện chạy bằng than”. Ông nói Trung Quốc sẽ đạt mức tiêu thụ than cao nhất vào năm 2025, rồi giảm dần trong 5 năm tiếp theo.

Dưới nỗ lực “xanh hóa” của ông Tập, chính quyền địa phương bắt đầu chậm phê duyệt dự án điện than mới ở Trung Quốc. Một số tỉnh, như Sơn Đông, yêu cầu đóng cửa những nhà máy nhiệt điện than lâu đời, kém hiệu quả nhất vào mùa hè.

Một số chuyên gia Mỹ cho rằng đó là bước đi quan trọng, nhưng chưa đủ.

Ông John Kerry, Đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Joe Biden cho biết một tháng trước, khi ông đến thành phố Thiên Tân, Trung Quốc vẫn có kế hoạch xây dựng nhà máy nhiệt điện than 247 gigawatt. Con số này gần như gấp 6 lần tổng công suất điện than của nước Đức.

khung hoang nang luong o Trung Quoc anh 3

Nhà máy thủy điện Baihetan ở tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc. Ảnh: AFP

Thách thức kép

Trong ba thập niên qua, tốc độ tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc tăng trưởng bùng nổ. Mỗi năm, số than Trung Quốc đốt nhiều hơn so với phần còn lại của thế giới. Nước này cũng tiêu thụ lượng dầu mỏ gần bằng Mỹ.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đang cố gắng đầu tư mạnh hơn vào năng lượng tái tạo. Trung Quốc là quốc gia đứng đầu thế giới về thủy điện (dù điều này cũng gây ra nhiều tranh cãi, đặc biệt với các nước sông Mekong), năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió.

Nước này xây dựng hệ thống năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ. “Việc bổ sung năng lượng tái tạo vẫn không theo kịp với sự tăng trưởng trong nhu cầu về điện”, David Fishman, một nhà phân tích năng lượng tại Lantau Group, công ty tư vấn Hong Kong, chia sẻ.

Mỹ và châu Âu có thể giảm lượng khí thải dễ hơn vì nền kinh tế của họ đang tăng trưởng chậm lại.

Nhưng với Trung Quốc, đó là một câu chuyện khác. Nước này cần phải tìm ra cách để sản xuất nhiều năng lượng hơn nữa, đồng thời giảm lượng khí thải.

Mỹ và các quốc gia khác đang gây sức ép lên Trung Quốc. Nhưng ngược lại, Trung Quốc lại cho rằng biến đổi khí hậu trước hết là trách nhiệm của Mỹ.

Trong thế kỷ qua, lượng phát thải CO2 của Mỹ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, mặc dù Trung Quốc là quốc gia phát thải lớn nhất hiện nay.

Trung Quốc càng phẫn nộ trước sức ép từ chính quyền Biden bởi chính cựu Tổng thống Donald Trump vào năm 2017 từng quyết định Mỹ rút khỏi hiệp định Paris – thỏa thuận quy mô giữa các quốc gia về chống lại biến đổi khí hậu.

Sự tăng trưởng trong việc tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc bắt nguồn từ lĩnh vực sản xuất của nước này.

Trung Quốc có tổng dân số bằng 1/5 dân số thế giới nhưng sản xuất ra 1/3 hàng hóa toàn cầu. Sự phụ thuộc của thế giới vào Trung Quốc đối với thiết bị tập thể dục, máy điều hòa và các sản phẩm khác tăng đột biến khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau 19 tháng đại dịch.

khung hoang nang luong o Trung Quoc anh 4

Một nhà máy thép ở tỉnh Giang Tô. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất là sự “thèm muốn vô độ” của Trung Quốc đối với thép và xi măng, nguyên vật liệu chính cho các tòa tháp, đường tàu cao tốc, tàu điện ngầm và dự án xây dựng khác. Ngành sản xuất hai loại vật liệu này chiếm khoảng 1/4 lượng khí thải CO2 của Trung Quốc.

Nhà máy nhiệt điện than quay trở lại

Tình trạng thiếu điện khiến hàng nghìn nhà máy Trung Quốc tạm thời đóng cửa trong hai tuần qua. Thang máy ngừng hoạt động ở nhiều tòa nhà ở miền Đông Nam. Một số trạm bơm nước cũng không thể tiếp tục hoạt động ở các thành phố phía đông bắc.

Tình trạng mất điện cũng ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt của các gia đình, khiến việc quay trở lại đầu tư vào nhà máy điện nhiên liệu hóa thạch được chú ý.

Tang Yousong quản lý một nhà máy sản xuất đinh vít ở miền nam Đông Hoản. Bên kia đường, nền móng đang được chuẩn bị để xây dựng tuabin chạy bằng khí đốt. Bất chấp tiếng ồn cùng khói bụi, ông rất mong muốn nhà máy điện được xây dựng.

“Nguồn điện rất quan trọng”, ông Tang cho biết. “Chúng ta cần điện, giống như chúng ta cần ăn và ngủ”.

Khi Trung Quốc rơi vào tình trạng thiếu điện, việc đầu tư vào các mỏ than – về cơ bản đã ngừng vào khoảng năm 2016 – cũng bắt đầu hồi sinh.

Việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than vẫn được cho phép đến năm 2025. Các công ty điện lực Trung Quốc đang tính toán xem có nên gấp rút hoàn thành thêm các nhà máy điện than trước thời hạn đó hay không.

Điện than vẫn có thể mang lại lợi ích ở một số khu vực ven biển Trung Quốc, nơi có mây và sức gió yếu khiến năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió kém khả thi hơn.

Năng lượng tái tạo ở Trung Quốc chiếm sản lượng rất nhỏ bé, nhưng đôi khi lại tạo ra nhiều điện hơn những gì người dân trong khu vực có thể sử dụng. Chỉ 5 năm trước, ba khu vực nội địa tạo ra năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió dồi dào – Nội Mông, Tân Cương và Cam Túc – đã lãng phí tới 2% lượng điện.

Để giải quyết vấn đề này, Trung Quốc cho xây dựng các đường dây siêu cao áp truyền tải điện, nối nội địa của đất nước với các trung tâm gần bờ biển.

“Nhu cầu điện năng có thể được đáp ứng tốt hơn bởi các nguồn năng lượng sạch” nếu mạng lưới truyền tải được mở rộng, bà Lewis nói.

khung hoang nang luong o Trung Quoc anh 5

Thợ điện làm việc trên đường dây cao thế tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc vào ngày 27/9. Ảnh: Reuters.

Thế nhưng, bất chấp mục tiêu mở rộng năng lượng tái tạo của Bắc Kinh, chính quyền các tỉnh có ý tưởng khác.

“Chính quyền trung ương cố gắng hạn chế sản xuất bằng than, nhưng các chính quyền địa phương đang làm ngược lại”, Kelly Sims Gallagher, giáo sư tại Trường Fletcher thuộc Đại học Tufts cho biết. “Có một cuộc chiến giằng co ở đây. Họ muốn khởi động lại các nhà máy hoặc xây dựng những nhà máy mới để đưa nền kinh tế địa phương của họ phát triển trở lại sau đại dịch”.

Nguồn: News.zing.vn