Chính phủ nước này coi việc giới trẻ thích mua sắm hàng hiệu, theo đuổi thần tượng như “mối đe dọa” với nền văn hóa thanh niên.
Các cơ quan quản lý truyền thông ở Trung Quốc ban hành chỉ thị nhằm cấm sóng những thần tượng nam có hình tượng “nữ tính hóa”. Chính phủ coi xu hướng ấy như “mối đe dọa cho sự nam tính của quốc gia”, theo Bloomberg.
Ngoài ra, hoạt động của các trường luyện thi, nhóm fan hâm mộ, trò chơi điện tử cũng bị cấm hoặc hạn chế ở xứ tỷ dân trong vài tháng gần đây. Hành động này nhằm giáo dục giới trẻ dựa theo tác phong Chủ tịch Tập Cận Bình.
Các cơ quan truyền thông Trung Quốc muốn cấm sóng các nam thần tượng có hình tượng “tiểu thịt tươi”, ăn mặc và trang điểm khác lạ. Ảnh: Global News. |
Thay vì theo đuổi thần tượng, mua sắm hàng hiệu, dán mắt vào màn hình điện thoại, các nhà chức trách muốn thanh thiếu niên dành thời gian rảnh để luyện tập thể thao, nghiền ngẫm Tư tưởng Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, việc triển khai định hướng trên chẳng hề dễ dàng, vì người trẻ xứ tỷ dân có quan điểm khác.
40 năm trước, “văn hóa giới trẻ” là khái niệm xa lạ với một xã hội nông nghiệp. Hơn hết, trẻ em, thanh niên ở đô thị Trung Quốc phải học khoảng 9 giờ trên lớp, thêm 2 tiếng học thêm.
Sau khi ăn tối, trò chuyện với gia đình, họ tiếp tục dành nhiều giờ làm bài tập về nhà, ít thời gian dành cho bản thân. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng người trẻ Trung Quốc thiếu ngủ trầm trọng.
Bên cạnh những áp lực cố hữu, Gen Z nước này cũng đối mặt với nhiều áp lực mới từ văn hóa tiêu dùng toàn cầu. Thực tế, người trẻ xứ tỷ dân sinh năm 1995-2010 có mức chi vượt các bạn đồng trang lứa ở các nước khác trên thế giới.
Một khảo sát cho biết số tiền Gen Z Trung Quốc bỏ ra chiếm 13% tổng chi tiêu hộ gia đình, trong khi tỷ lệ đó ở Mỹ và Anh lần lượt là 4% và 3%.
Ngoài thói quen chi tiêu “khủng”, người trẻ nước này còn gắn liền với mạng xã hội. Mỗi tối, các bài đăng về thần tượng ngập tràn trên các nền tảng, chủ yếu về các idol nam với hình mẫu “tiểu thịt tươi” – ngoại hình sáng sủa, được trang điểm và chưng diện chỉn chu.
Theo Bloomberg, các xu hướng trên không hề xa lạ trong bối cảnh văn hóa toàn cầu. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc lại coi văn hóa thanh niên như một vấn đề ý thức hệ.
Họ coi trò chơi điện tử, sinh hoạt fan club như những trò tiêu khiển vô bổ, phí thời gian. Vì thế, giới chức Trung Quốc muốn hạn chế hoặc hủy bỏ các hoạt động giải trí của người trẻ được cho là “mối đe dọa”.
Trước tác động từ chính phủ, người trẻ xứ tỷ dân đang tìm nhiều các nhằm duy trì sở thích, thói quen cá nhân. Họ tiếp tục hâm mộ thần tượng, đặc biệt các idol Kpop, dùng công nghệ, mạng xã hội để “qua mắt” các lớp kiểm duyệt từ các nhà chức trách.
Bloomberg nhận định thách thức với chính phủ Trung Quốc nằm ở việc liệu họ có thể đưa ra giải pháp thay thế cho những sở thích của giới trẻ, điển hình như hàng hiệu, thần tượng hay trò chơi điện tử không.
Nguồn: News.zing.vn