Trung Quốc thanh tra các ngân hàng, cơ quan tài chính hàng đầu

0
Trung Quốc thanh tra các ngân hàng, cơ quan tài chính hàng đầu

Một số cơ quan quản lý tài chính quốc gia và ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc có tên trong danh sách các tổ chức bị chính quyền Bắc Kinh thanh tra.

Theo Bloomberg, lần đầu tiên sau 6 năm, Trung Quốc thanh tra các cơ quan quản lý tài chính quốc gia, những ngân hàng quốc doanh lớn nhất, các công ty bảo hiểm và những nhà quản lý nợ xấu. Mục tiêu là xử lý tận gốc nạn tham nhũng trong hệ thống tài chính trị giá 54.000 tỷ USD.

Đội ngũ thanh tra – do Ủy ban Kiểm tra Kỷ lục Trung ương đứng đầu – sẽ bắt đầu thanh tra Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) và chấp nhận các báo cáo khiếu nại cho đến ngày 15/12.

Theo Chủ tịch CBIRC Guo Shuqing, động thái trên cho thấy sự tập trung của chính quyền Trung Quốc đối với các quy định tài chính. Ông khẳng định đội ngũ nhân viên của mình sẽ hợp tác với các thanh tra viên. Đó là ưu tiên hàng đầu của họ vào thời điểm này.

Trung Quoc thanh tra anh 1

Trung Quốc sẽ bắt đầu thanh tra Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc và chấp nhận các báo cáo khiếu nại cho đến ngày 15/12. Ảnh: Reuters.

Thanh tra hàng loạt

CBIRC nằm trong 25 cơ quan tài chính đang được Bắc Kinh xem xét kỹ lưỡng. Những cơ quan còn lại bao gồm Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc, các sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến và Thượng Hải, những ngân hàng quốc doanh lớn nhất và các nhà quản lý nợ xấu như China Huarong Asset Management Co.

Động thái trên nhấn mạnh lập trường ngày càng cứng rắn của Bắc Kinh đối với vấn đề tham nhũng trong cán bộ và giám đốc điều hành doanh nghiệp.

Hơn 1,5 triệu quan chức Trung Quốc đã bị trừng phạt trong chiến dịch kéo dài nhiều năm, gần đây nhất là vụ tử hình ông Lai Xiaomin – cựu Chủ tịch Huarong và án tù chung thân đối với ông Hu Huaibang, cựu chủ tịch ngân hàng chính sách lớn nhất quốc gia.

PBOC, Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước, quỹ tài sản China Investment Corp. và Huarong đã đưa ra các tuyên bố tương tự hôm 12/10, thông báo về việc bắt đầu thanh tra đối với họ.

Trung Quoc thanh tra anh 2

PBOC mới đưa ra thông báo về cuộc thanh tra đối với cơ quan này. Ảnh: Reuters.

Trưởng đoàn thanh tra nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn ngừa “rủi ro tài chính có hệ thống”, trong khi những quan chức cấp cao nhất của các cơ quan được thanh tra cam kết hợp tác đầy đủ.

Các cổ phiếu tài chính của Trung Quốc biến động trái chiều vào cuối phiên giao dịch hôm 12/10. Cổ phiếu của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc sụt giá 0,3%. Trong khi đó, giá cổ phiếu của Ngân hàng Công thương Trung Quốc tăng 0,2%.

“Những động thái mới nhất có thể mang tới sự không chắc chắn cho các công ty tài chính. Câu hỏi đặt ra là liệu những biện pháp trừng phạt và rủi ro quy định có ảnh hưởng tới hoạt động cho vay hay không”, ông Jun Rong Yeap – chiến lược gia thị trường tại IG Asia Pte. – bình luận.

“Cả hai điều này đều mang lại triển vọng không mấy khả quan cho các công ty tài chính”, ông nói thêm.

Chấn chỉnh mạnh tay

Các nhà chức trách Trung Quốc cũng đang siết chặt kiểm soát với nhiều lĩnh vực, từ những công ty công nghệ tài chính (fintech) đến các nhà phát triển bất động sản, nhằm hạn chế rủi ro tài chính.

Thị trường toàn cầu đã chao đảo khi Trung Quốc nhắm vào các công ty công nghệ lớn nhất và những ngành công nghiệp khác. Hồi tháng 11/2020, Bắc Kinh bất ngờ yêu cầu Ant Group – công ty công nghệ tài chính của tỷ phú Jack Ma – hoãn IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) và thay đổi mô hình kinh doanh.

Gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba cũng chịu mức phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD sau cuộc điều tra chống độc quyền của Bắc Kinh. Những công ty khác – bao gồm Tencent và Pinduoduo – bị buộc tội vì các hành vi phản cạnh tranh.

Chính quyền Bắc Kinh còn ngăn Didi – hãng gọi xe được SoftBank rót vốn – đăng ký khách hàng và tài xế mới. Ứng dụng của Didi cũng bị xóa khỏi những cửa hàng ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Câu hỏi đặt ra là liệu những biện pháp trừng phạt và rủi ro quy định có ảnh hưởng tới hoạt động cho vay hay không

Ông Jun Rong Yeap, chiến lược gia thị trường tại IG Asia Pte.

Đến ngày 24/7, Trung Quốc yêu cầu các công ty dạy thêm chuyển thành tổ chức phi lợi nhuận và không thể huy động vốn trên thị trường chứng khoán.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn đẩy mạnh chiến dịch “thịnh vượng chung” nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo của đất nước. Tại một cuộc họp hồi tháng 8, ông Tập đã kêu gọi “điều chỉnh hợp lý đối với thu nhập quá mức, khuyến khích các nhóm và doanh nghiệp thu nhập cao đóng góp trở lại cho xã hội nhiều hơn”.

Tình trạng bất bình đẳng tại đất nước 1,4 tỷ dân ngày càng trở nên trầm trọng trong vài thập kỷ qua. Theo ước tính của giáo sư Thomas Piketty và nhóm nghiên cứu của Paris School of Economics, 10% người giàu nhất đất nước đã kiếm được 41% thu nhập trên toàn quốc vào năm 2015. Hồi năm 1978, con số chỉ là 27%.

Khoảng 50% dân số Trung Quốc có thu nhập thấp hơn chỉ kiếm được 15% tổng thu nhập trên toàn quốc, giảm từ 27% vào năm 1978.

Trong những đợt thanh tra trước đây, Bắc Kinh đã cử các đội thanh tra đến cơ quan quản lý giáo dục, những trường đại học hàng đầu, chính quyền địa phương, cơ quan tuyên truyền và giám sát không gian mạng, các doanh nghiệp nhà nước lớn nhất và những cơ quan chính phủ khác.

Lần thanh tra lĩnh vực tài chính gần đây nhất là vào cuối năm 2015. Khi đó, 21 cơ quan đã rơi vào tầm ngắm. Các cuộc thanh tra thường dẫn đến sửa chữa vi phạm hoặc điều tra thêm đối với những quan chức và giao dịch đáng ngờ.

Nguồn: News.zing.vn