Trung Quốc là khách hàng mua gỗ lớn nhất từ các quốc gia Thái Bình Dương, và cũng liên quan đến vấn nạn khai thác gỗ bất hợp pháp hoặc không bền vững tại các quốc gia này.
Theo Interpol, khai thác gỗ bất hợp pháp chiếm 15-30% gỗ thương mại toàn cầu. Trong đó, Trung Quốc là nước mua gỗ bất hợp pháp lớn nhất thế giới, đặc biệt là gỗ từ các quốc gia Thái Bình Dương như Papua New Guinea hoặc Quần đảo Solomon.
Sau khi được khai thác từ những khu rừng nguyên sinh, gỗ được chất lên các con tàu vận chuyển khổng lồ và đi tới các nhà máy Trung Quốc. Cuối cùng, chúng có thể trở thành tấm lát sàn trong phòng khách ở Australia hoặc một tủ sách trong một phòng làm việc tại Mỹ, theo Guardian.
Các cây gỗ được xếp tại một bến cảng tại Papua New Guinea. Ảnh: Alamy. |
Con đường âm u
Theo tổ chức phi chính phủ Global Witness, hơn 90% lượng gỗ xuất khẩu từ Papua New Guinea, Quần đảo Solomon, Tonga và Vanuatu sẽ đến Trung Quốc.
Tại huyện Pomio thuộc tỉnh East New Britain, sau khi bị đốn hạ, gỗ sẽ được đưa lên tàu chở hàng. Con tàu này có thể được đăng ký tại Panama, nơi “bán quốc tịch” giá rẻ cho tàu biển lớn nhất thế giới. Những khúc gỗ bất hợp pháp sẽ lênh đênh trên biển khơi khoảng 14 ngày trước khi đến Trung Quốc.
Sau khi tới Trung Quốc, gỗ sẽ ngược dòng sông Dương Tử vài trăm km, đi qua trung tâm tài chính của Thượng Hải và tới Trương Gia Cảng. Đây là nơi tiếp nhận 75% lượng gỗ nhập khẩu của Trung Quốc.
Rất khó để tìm thấy thông tin về người sở hữu số gỗ trên các con tàu. Cuộc điều tra năm 2016 của Global Witness cho thấy 15 công ty chịu trách nhiệm cho khoảng 85% lượng gỗ xuất khẩu từ Papua New Guinea. Trong đó, một số công ty chỉ làm trung gian.
Một tàu chở gỗ ngoài khơi Kavieng, New Ireland. Ảnh: Alessio Bariviera. |
Trong năm 2019, lượng gỗ xuất khẩu của Papua New Guinea có giá trị hơn 620 triệu USD. Phần lớn số gỗ đến từ các hợp đồng kinh doanh nông nghiệp đặc biệt (SABL) và các hợp đồng thuê đất. Các hợp đồng này bị tuyên bố là bất hợp pháp nhưng vẫn bất chấp hoạt động.
Nhiều công ty Trung Quốc thường mua gỗ từ một công ty kinh doanh nông nghiệp tại Papua New Guinea nhưng thuộc sở hữu của Malaysia. Số gỗ này được vận chuyển trực tiếp đến nhà máy chế biến hoặc nhà phân phối tại Trung Quốc đại lục.
Những người khác có thể mua gỗ tại bến cảng thông qua các đại lý thu mua. Thậm chí, công ty gỗ Kiến Phát tại thành phố Ninh Ba còn quảng cáo trực tiếp các cây gỗ trên mạng xã hội QQ của Trung Quốc.
Một số khách hàng mua gỗ tại Trung Quốc cho rằng những khúc gỗ rời khỏi Papua New Guinea là đủ để cho thấy đây là hoạt động buôn bán hợp pháp.
“Tôi nghĩ họ phải được cấp giấy phép để khai thác gỗ ở các quốc gia đó”, Trác Vĩ Dụng, quản lý tại một công ty gỗ lớn của Trung Quốc, cho biết.
“Những gì chúng tôi nhập khẩu đều hợp pháp. Chúng tôi thường mua gỗ từ người Malaysia tại Papua New Guinea và quần đảo Solomon. Tôi không biết nhiều về vấn đề khai thác gỗ bất hợp pháp tại đó”, anh nói.
Cho đến thời điểm hiện tại, nguồn gỗ vẫn có thể xác định được. Các thông tin bao gồm loài, ID khu vực khai thác đều được gắn vào cuối các khúc gỗ bằng sơn hoặc mã vạch.
Các cây gỗ được cho là có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới tại Nam Tầm, Trung Quốc. Ảnh: Tribune News Service. |
Gỗ sẽ được cẩu từ sà lan lên các xe tải để vận chuyển đến các nhà máy chế biến. Các đầu thô được cắt ra và thân cây bị cắt thành các tấm ván không thể phân biệt được. Sau đó, chúng sẽ được vận chuyển đến các nhà sản xuất sàn gỗ hoặc ván ép.
Phần lớn số gỗ sẽ được bán trong nội địa Trung Quốc để sản xuất các sản phẩm thủ công. Một số được xuất khẩu sang các nước khác, điển hình là Mỹ và Australia. Hai quốc gia này đã nhập khẩu hơn 460 triệu USD sản phẩm gỗ của Trung Quốc trong năm 2019.
Kẽ hở luật pháp
Trong các cuộc điều tra, Global Witness đã xác định được 7 công ty xuất khẩu gỗ lát sàn sang Mỹ. Nhiều khả năng các tấm gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp và vi phạm pháp luật Mỹ.
Tổ chức này đã liên hệ với 10 công ty bán các sản phẩm từ gỗ tại Mỹ, bao gồm cả công ty đồ gia dụng Home Depot. Công ty cho biết họ đã ngừng cung cấp một số chủng loại và yêu cầu các đối tác phải cam kết chính sách mua bán bền vững.
Công ty Home Legend cũng cho biết đã ngừng mua các tấm sàn gỗ có nguồn gốc từ Papua New Guinea và Quần đảo Solomon “do các rủi ro liên quan đến nguồn cung ứng từ các quốc gia này”.
Hiện tại, Trung Quốc chưa có luật ngăn chặn hành động mua bán gỗ bị khai thác bất hợp pháp. Tuy vậy, quốc gia này đang nỗ lực để vá lại các kẽ hở trong các bộ luật của mình. Vào năm 2019, Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc đã thông qua luật lâm nghiệp sửa đổi.
Các con tàu chở hàng trên sông Dương Tử. Ảnh: VCG. |
Trong đó, một điều luật mới quy định “không tổ chức hoặc cá nhân nào được mua, chế biến và vận chuyển gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp như bị chặt hạ trái phép hoặc phá rừng bừa bãi”. Luật mới vẫn chưa rõ ràng về việc liệu có áp dụng cho gỗ nhập khẩu hay không.
Các nhà phân tích pháp lý nhận định rằng luật mới có thể thay đổi cuộc chơi nếu được áp dụng và thực thi đúng cách.
Allison Hoare, nhà nghiên cứu cấp cao tại Chatham House, cho biết: “Nó phụ thuộc vào những cố gắng của chính quyền Trung Quốc nhằm đảm bảo rằng luật sẽ được thực thi và áp dụng một cách hiệu quả”.
Tuy nhiên, các cuộc trao đổi của Guardian cho thấy các nhà cung cấp, bán buôn và bán lẻ có khả năng nhận thức rất thấp về chuỗi cung ứng và nguồn gốc của gỗ. Vì vậy, có nhiều khả năng các công ty vẫn tiếp nhận gỗ bất hợp pháp bất chấp các quy định của quốc gia mình.
Nhân Bối Bối, điều tra viên tại Global Witness, cho biết tổ chức này không chắc chắn về việc luật có chống lại được bất kì nhà nhập khẩu gỗ bất hợp pháp nào kể từ khi có hiệu lực.
Bà nói: “Theo quan điểm của chúng tôi, thực sự rất khó, nếu không muốn nói là bất khả thi, để sử dụng luật sửa đổi để xử phạt hàng nhập khẩu bất hợp pháp. Nguyên nhân là vì phải có bằng chứng chứng minh các công ty này đang cố ý tham gia vào hoạt động phạm pháp”.
Bà cho rằng các cơ quan chức năng chỉ thực thi pháp luật hiệu quả tại điểm nhập khẩu. Nếu các nhà nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ, chắc chắn họ sẽ tránh xa những sản phẩm bất hợp pháp hoặc rủi ro cao.
Nguồn: News.zing.vn