Trung Quốc vừa vượt Mỹ để trở thành quốc gia có tài sản lớn nhất thế giới. Nhưng nhiều nguy cơ đang đe dọa vị thế của đất nước 1,4 tỷ dân.
Báo cáo của hãng tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Co cho thấy Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nước có tài sản lớn nhất thế giới. Cụ thể, giá trị tài sản ròng của Trung Quốc đã tăng 17 lần từ 7.000 tỷ USD năm 2000 lên 120.000 tỷ USD vào năm 2020.
Trong cùng giai đoạn, tài sản ròng của Mỹ tăng gấp đôi lên thành 90.000 tỷ USD. Còn tài sản ròng trên toàn cầu tăng từ 156.000 tỷ USD lên 514.000 tỷ USD.
“Sự tăng trưởng tài sản thần tốc của Trung Quốc không phải là một điều đáng ngạc nhiên. Mọi người vẫn coi Trung Quốc là nền kinh tế đang phát triển. Nhưng đất nước sẽ sớm trở thành nền kinh tế hàng đầu”, chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) trả lời Zing.
“Trung Quốc đã đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu và có thể vẫn là chìa khóa quan trọng trong thập kỷ tới”, ông nhận định.
Giá trị tài sản ròng của Trung Quốc đã tăng 17 lần từ 7.000 tỷ USD năm 2000 lên 120.000 tỷ USD vào năm 2020. Đà tăng giá của bất động sản đóng góp phần lớn vào sự gia tăng. Ảnh: Reuters. |
Bất động sản là động lực chính
Theo vị chuyên gia tại Oanda, đà tăng trưởng của Trung Quốc sẽ ổn định hơn khi đất nước chuyển động lực từ đầu tư sang tiêu dùng. Tuy nhiên, ông Moya cảnh báo rằng các vấn đề về bất động sản của Trung Quốc sẽ không sớm biến mất. “Đó là một rủi ro lớn đối với nền kinh tế nước này”, ông cảnh báo.
Theo tính toán của McKinsey, 68% tài sản trên toàn cầu đến từ bất động sản. Giá trị tài sản ròng tăng mạnh trong 20 năm qua đã vượt xa mức tăng của GDP toàn cầu. Đáng nói, đà tăng được thúc đẩy bởi giá bất động sản tăng cao nhờ lãi suất giảm.
Hãng tư vấn cũng cảnh báo về tính bền vững của sự bùng nổ trong lĩnh vực bất động sản. Điều này sẽ khiến ngày càng ít người có khả năng sở hữu nhà và làm gia tăng nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính.
“Riêng Trung Quốc có thể gặp rắc rối vì bom nợ, tương tự khủng hoảng nợ của nhà phát triển bất động sản China Evergrande”, McKinsey cảnh báo, đề cập đến tập đoàn địa ốc nợ nần nhất thế giới.
Riêng Trung Quốc có thể gặp rắc rối vì bom nợ, tương tự khủng hoảng nợ của nhà phát triển bất động sản China Evergrande
Hãng tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Co
Theo giới chuyên gia, đô thị hóa từng là động lực tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc. Những căn hộ khang trang nằm trong các tòa nhà cao tầng hiện đại ra đời, trở thành nơi ở cho hàng trăm triệu người. Sản lượng thép và xi măng của Trung Quốc nhiều hơn phần còn lại của thế giới.
Người Trung Quốc mua nhà với niềm tin rằng giá nhà chỉ có thể tăng lên. Giá nhà đất tăng phi mã cùng sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc trong những thập kỷ qua.
Đối với người Trung Quốc, sở hữu một hoặc nhiều ngôi nhà là thước đo thành công, là yếu tố tiên quyết để tiến tới lập gia đình. Bất động sản chiếm phần lớn tài sản của các hộ gia đình tại đất nước 1,4 tỷ dân.
Những năm gần đây, giới chức Trung Quốc bắt đầu lo ngại về yếu tố đầu cơ trên thị trường bất động sản. Các hộ gia đình ở Trung Quốc bị hạn chế đầu tư ra nước ngoài. Nhiều người cảnh giác với thị trường chứng khoán.
Trong khi đó, lãi suất tiền gửi ngân hàng không cao. Điều đó khiến dòng tiền đổ vào bất động sản. Nhiều người Trung Quốc mua đến 3-4 căn nhà để đầu tư và cho thuê lại.
Ảnh hưởng lớn
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs từng cảnh báo về ảnh hưởng của thị trường bất động sản đối với việc làm và nền kinh tế Trung Quốc. Theo một số ước tính, những hoạt động liên quan đến bất động sản chiếm gần 1/3 nền kinh tế Trung Quốc.
Doanh số bán đất đã thúc đẩy tăng trưởng GDP. Hàng chục doanh nhân bất động sản trở thành tỷ phú. 10 trên 16 câu lạc bộ bóng đá tại Chinese Super League thuộc sở hữu toàn bộ hoặc một phần của các nhà phát triển bất động sản.
Cuộc trấn áp của Bắc Kinh đối với lĩnh vực bất động sản có thể triệt tiêu động lực tăng trưởng lớn của nền kinh tế. Đáng nói, điều này có thể làm đảo ngược xu hướng tăng giá trị tài sản ròng của Trung Quốc, vốn được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ giá bất động sản tăng cao, theo McKinsey.
Theo số liệu mới được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, giá nhà tại Trung Quốc tiếp tục phát đi những tín hiệu tiêu cực.
Cụ thể, giá nhà mới ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải trong tháng 10 tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, lao dốc 0,3 điểm phần trăm so với tháng trước. Tính toán của Reuters chỉ ra giá giảm 0,2% so với tháng trước, mức lớn nhất kể từ tháng 2/2015.
Theo phân tích của Goldman Sachs, giá nhà tại 70 thành phố của Trung Quốc sụt 0,8% so với tháng trước đó. “Giá nhà ở các thành phố cấp 1 và cấp 2 vẫn tiếp tục tăng, nhưng giá tại những thành phố cấp thấp hơn đều sụt giảm”, ngân hàng đầu tư này nhận định.
Cuộc trấn áp của Bắc Kinh đối với lĩnh vực bất động sản có thể triệt tiêu động lực tăng trưởng lớn của nền kinh tế. Giá nhà đất tại Trung Quốc đã phát đi những tín hiệu tiêu cực trong thời gian qua. Ảnh: Reuters. |
Trung Quốc cũng đang tiến gần đến việc đánh thuế sở hữu nhà đất. Theo giới quan sát, loại thuế này có thể làm tổn thương thị trường bất động sản khổng lồ và nền kinh tế thứ hai thế giới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn theo đuổi chiến dịch “thịnh vượng chung”, nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo tại đất nước 1,4 tỷ dân. Theo báo cáo của McKinsey, tại cả Trung Quốc và Mỹ, hơn 2/3 tài sản thuộc về 10% những người giàu nhất và tỷ lệ này ngày càng tăng.
Trong vài tháng qua, Bắc Kinh đã tung ra một loạt biện pháp để giải quyết vấn đề bất bình đẳng thu nhập và trấn áp các doanh nghiệp tư nhân từ ngành công nghệ đến giáo dục.
Hồi đầu năm, Alibaba – gã khổng lồ thương mại điện tử của tỷ phú Jack Ma – chịu mức phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD vì vi phạm quy tắc độc quyền. Giá trị vốn hóa thị trường của tập đoàn bay hơi hàng trăm tỷ USD.
JD.com, Tencent, Pinduoduo, Meituan và các công ty khác cũng bị điều tra hoặc chịu phạt vì những hành vi phản cạnh tranh. Nhiều công ty đã gấp rút quyên góp hàng tỷ USD lợi nhuận để hưởng ứng chiến dịch “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Tập.
Nguồn: News.zing.vn