Trung thu giãn cách, mỗi người một nơi của nhiều gia đình trong dịch

0
59

Dịch bệnh khiến các gia đình không thể đón Trung thu như mọi năm. Dẫu vậy, các thành viên vẫn dành cho nhau sự quan tâm, tạo nên ngày Tết Đoàn viên đầy ấm cúng.

Dịp Trung thu năm nay, Nguyễn Thị Hòa (31 tuổi, ngụ TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), phải ở lại nhà máy thuốc để thực hiện quy định “3 tại chỗ”, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, vừa phòng, chống dịch bệnh.

Biết sẽ không thể về nhà kịp đón Tết Đoàn viên, từ rằm tháng 7 âm lịch, cô đã cùng con trai tổ chức phá cỗ trăng rằm sớm.

Chồng cô, một kỹ sư xây dựng đang mắc kẹt ở Hà Nội nhiều tháng nay, chưa thể về nhà do dịch. Tuy nhà chỉ có hai mẹ con, Hòa cố gắng tạo nên không khí Trung thu ấm cúng, nhộn nhịp nhất có thể cho con trai hơn 4 tuổi.

“Tôi mong sao Trung thu năm nay là dịp duy nhất rơi vào tình cảnh dịch bệnh như thế này. Con trai tôi đã ở trong nhà quá lâu, tôi rất thương vì con không được trải nghiệm đi rước đèn. Hy vọng những Tết Đoàn viên năm sau, gia đình tôi có thể cùng người thân và bạn bè quây quần bên nhau”, cô chia sẻ.

Tet Trung thu trong dich anh 1

Hòa hướng dẫn con trai cách làm bánh Trung thu tại nhà.

Giãn cách nhưng không cách lòng

Để chuẩn bị cho một mùa Trung thu tại nhà ấm cúng, Hòa quyết định cùng con trai làm bánh nướng.

Năm 2020, cô đã tranh thủ thời gian học một khóa làm bánh Trung thu hiện đại online, đồng thời cải thiện thêm kỹ thuật nướng bánh bằng cách tham khảo trên mạng xã hội. Bởi vậy, đến Tết Trung thu năm nay, người mẹ 31 tuổi tự tin có thể chuẩn bị cho con những chiếc bánh ngon nhất để phá cỗ.

Chia sẻ với Zing, Hòa cho biết việc mua nguyên liệu làm bánh trong thời điểm này khá khó khăn. May mắn, cô đã chuẩn bị một số nguyên liệu khô cần thiết từ tháng 6 âm lịch và cất cẩn thận.

Bên cạnh đó, cô còn mang những chiếc đèn lồng tre truyền thống mua từ năm trước ra chơi với con. Đây cũng là loại đồ chơi Trung thu mà Hòa yêu thích từ nhỏ, khiến cô gợi nhớ lại tuổi thơ.

“Con trai thích chơi đất nặn nên tôi bày nguyên liệu làm bánh dưới sàn nhà, ‘dụ dỗ’ con nặn bánh. Sau khi làm xong, hai mẹ con tôi cắt bánh ăn rồi cầm đèn lồng tre chạy lòng vòng quanh trong vườn với nhau”, cô kể lại.

Trung thu năm nay cũng rất đặc biệt với gia đình Nguyễn Quốc Đạt (29 tuổi, ngụ quận 4, TP.HCM). Cuối tháng 8, Đạt và con trai lớn 3 tuổi nhận kết quả dương tính SARS-CoV-2, cả 2 cha con phải tự cách ly trong phòng riêng trên lầu.

Vợ và con gái nhỏ 7 tháng tuổi của anh lại không mắc Covid-19. Suốt 3 tuần qua, 4 thành viên phải tạm giãn cách với nhau để phòng ngừa lây lan virus dù tất cả sống chung dưới một mái nhà.

Ngày Trung thu cũng vậy, gia đình Đạt chỉ có thể đoàn viên qua màn hình chiếc điện thoại. Tối 20/9, anh gọi điện cho vợ ở phòng tầng dưới, cùng ăn bánh nướng… online.

“Trung thu năm trước, vợ chồng tôi đưa con trai đi phá cỗ tại lớp của con, sau đó lên phố đi dạo.

Hiện tại, tôi và con trai đã âm tính trở lại nhưng vẫn chưa đủ thời hạn cách ly theo khuyến cáo. Dù buồn nhiều, nhưng gia đình tôi động viên nhau rằng cố gắng ít ngày nữa thôi, cả nhà sẽ được đoàn viên muộn”, Đạt nói.

Khoảng một tuần trước, Đạt và con trai đã tự vào bếp làm bánh Trung thu bằng bánh mì sandwich. Do không mua được đủ nguyên liệu, cha con anh tận dụng những thực phẩm có sẵn trong nhà.

Chiếc bánh thành phẩm có hương vị không xuất sắc, nhưng với Đạt, đó là kỷ niệm rất vui giữa mình và con trong mùa Trung thu năm nay.

“Năm nay 2 cha con tự phá cỗ trong phòng riêng, cảm giác thật lạ lẫm. Thế nhưng tôi vẫn thấy may mắn vì có con trai ở bên cạnh mình và con đã khỏi Covid-19.

Nhờ cùng con trải qua lúc ốm đau, tôi càng trân trọng hơn những lúc bình thường. Cả nhà tôi nói nhau rằng ráng vài ngày nữa, 4 thành viên sẽ được đoàn viên thật”, anh chia sẻ.

Lần đầu làm bánh, lồng đèn tại nhà

Trước tình hình giãn cách xã hội kéo dài, Đặng Thu Hương (29 tuổi, ngụ quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), dự định cùng gia đình làm cơm thắp hương rằm rồi tổ chức phá cỗ ngọt nhẹ nhàng cho con gái 8 tuổi và con trai 5 tuổi.

“Năm nay, vợ chồng tôi không thể đưa các con đi chơi và về thăm ông bà nội, ngoại. Bởi vậy, tôi hy vọng tạo được chút không khí Trung thu tại nhà cho các con thông qua hoạt động nướng bánh và làm đèn lồng”, cô chia sẻ.

Thu Hương cho biết đây là năm đầu tiên cô tự tay làm bánh Trung thu và rất mừng vì đã thành công. Từ tháng 7 âm lịch, cô đã làm thử trước một mẻ và quyết định sẽ dành thời gian làm thêm bánh vào rằm tháng 8.

“Trong lúc tôi làm bánh, chồng và các con hào hứng không kém, cứ quanh quẩn bên cạnh để xem và chụp ảnh. Tôi cảm thấy hoạt động này đã tăng không khí dịp lễ và giúp gắn kết gia đình nhiều hơn”, Thu Hương nói.

Còn tại gia đình Nguyễn Linh (31 tuổi, ngụ quận Thanh Xuân, Hà Nội), từ nhiều ngày trước Trung thu, cô và chồng đã cùng nhau làm lồng đèn cho 2 con.

Những chiếc đèn đầy màu sắc với nguyên liệu đơn giản từ giấy màu và lõi giấy vệ sinh, thế nhưng lại khiến cậu bé 7 tuổi và em gái 4 tuổi thích mê, nhảy cẫng lên khi được cha mẹ tặng.

“Năm nay dịch bệnh, gia đình tôi chỉ cho con ở nhà. Thay vì để thời gian trôi qua nhàm chán, tôi cố gắng cho các con trải nghiệm làm đổ thủ công. 2 bé thích những chiếc đèn lắm vì được vừa làm cùng cha mẹ, vừa được tận hưởng thành quả”, Linh chia sẻ.

Tối 20/8, đêm “mười tư” âm lịch, Linh tổ chức tiệc phá cỗ tại nhà. Năm nay, mâm cỗ của gia đình cô được bày biện đơn giản với một ít bánh kẹo và trái cây, thế nhưng phía sau được trang trí với nhiều đèn ông sao bắt mắt.

Linh cho biết bởi trong giai đoạn dịch bệnh, cô không thể mua sắm, chuẩn bị được nhiều món ăn hơn. Tuy vậy, cô vẫn muốn đem lại cho con không khí rộn ràng và ấm cúng.

“Dù Trung thu phải ở nhà, còn phải học online buổi tối nữa, nhưng con tôi vẫn vui lắm vì con có đồ chơi riêng. Tôi mong dịch bệnh sớm kết thúc để con có thể được ra ngoài vui chơi và đi học bình thường”, cô nói.

Tet Trung thu trong dich anh 16

Con trai 7 tuổi của Linh mặc áo dài, chụp ảnh bên mâm cỗ Trung thu của mẹ.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn