Với 23 chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước, Bộ Chính trị sẽ xin ý kiến Trung ương bằng phiếu trước khi chính thức giới thiệu để Quốc hội khóa XV bầu, phê chuẩn.
Sáng 5/7, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII khai mạc tại Hà Nội. Hội nghị dự kiến làm việc đến ngày 9/7.
Hội nghị Trung ương 3 sẽ thảo luận, quyết định một số vấn đề quan trọng như: Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025; xem xét, ban hành quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhiệm kỳ khóa XIII; quy định thi hành Điều lệ Đảng và Quy định về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng nhiệm kỳ khóa XIII.
Bên cạnh đó, hội nghị tiếp tục kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và một số vấn đề quan trọng khác.
Không lấy ý kiến lại với 3 lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở một số vấn đề để các đại biểu thảo luận, xem xét và quyết định.
Về việc giới thiệu nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng bí thư nhấn mạnh đây là công việc rất hệ trọng.
Tại Hội nghị Trung ương 2 khóa XIII (tháng 3/2021), Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao cần sớm kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước ngay sau Đại hội để đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trung ương đã xem xét, quyết định giới thiệu nhân sự các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và cho ý kiến giới thiệu nhân sự đảm nhiệm 24 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan Nhà nước.
Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV (tháng 3-4/2021), Quốc hội đã bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và bầu, phê chuẩn 24 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan Nhà nước.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở một số vấn đề để các đại biểu thảo luận, xem xét và quyết định tại hội nghị. Ảnh: Đoàn Bắc. |
Đến nay, sau cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021 – 2026), Ban Chấp hành Trung ương có trách nhiệm chuẩn bị và tiếp tục giới thiệu nhân sự để Quốc hội khóa XV bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ nhất sắp tới theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Tổng bí thư nêu rõ tại hội nghị này, Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét, giới thiệu nhân sự theo hướng: Đối với các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và 24 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan Nhà nước đã được Hội nghị Trung ương 2 khóa XIII bỏ phiếu giới thiệu hoặc cho ý kiến thông qua với số phiếu tín nhiệm cao thì Ban Chấp hành Trung ương không tiến hành bỏ phiếu giới thiệu hoặc lấy ý kiến lại.
Với 23 chức danh còn lại chưa lấy phiếu giới thiệu tại Hội nghị Trung ương 2 và các chức danh có dự kiến thay đổi so với lần trước, Bộ Chính trị sẽ xin ý kiến Trung ương bằng phiếu trước khi chính thức giới thiệu để Quốc hội xem xét bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Phân tích xu hướng phát triển dưới tác động của đại dịch
Về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định đây là những kế hoạch rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với việc hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội do Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Tổng bí thư đề nghị Trung ương dành thời gian nghiên cứu, thảo luận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện tình hình kinh tế – xã hội nước ta hiện nay. Đồng thời, hội nghị phân tích, dự báo xu hướng phát triển trong thời gian tới dưới tác động của đại dịch Covid-19, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các xu hướng chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh mới trên thế giới.
Trung ương dành thời gian nghiên cứu, thảo luận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện tình hình kinh tế – xã hội nước ta hiện nay.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Người đứng đầu Đảng lưu ý cần phân tích, đánh giá thật sâu sắc, làm rõ thêm thực tế tình hình. Theo đó, 6 tháng đầu năm, cả nước vẫn phải tiếp tục nỗ lực, quyết liệt chống dịch. Đợt bùng phát dịch lần thứ tư lây lan rất nhanh, rất nguy hiểm, phức tạp, khó kiểm soát, có thể còn tiếp tục kéo dài; thậm chí vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới.
Kinh tế – xã hội đất nước tuy tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả tích cực so với cùng kỳ năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân, nhất là ở những vùng có dịch và những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Trong khi đó, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng trở lại nhưng cũng chưa thật vững chắc; thương mại và đầu tư quốc tế suy giảm; nợ công toàn cầu tăng mạnh, thị trường tài chính – tiền tệ thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, vẫn còn nguy cơ lâm vào khủng hoảng.
Theo Tổng bí thư, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, tác động tiêu cực, kéo dài đến kinh tế thế giới, khu vực, trong đó có nước ta; làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị và tổ chức hoạt động kinh tế và đời sống xã hội toàn cầu, buộc nhiều nước phải thay đổi định hướng, chiến lược phát triển kinh tế theo hướng nâng cao nội lực, chú trọng phát triển thị trường trong nước, phát triển kinh tế số, xã hội số…
Trung ương cần quán triệt thật đúng, tổ chức thực hiện thật tốt các chủ trương, quyết sách lớn của Đại hội XIII.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Trên cơ sở đó, Tổng bí thư đề nghị Trung ương làm rõ, thống nhất về những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ chủ yếu, một số chỉ tiêu cơ bản và đặc biệt là các cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể, sát hợp với thực tế, có tính đột phá, khả thi cao, bảo đảm thực hiện thành công các kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, Trung ương cần quán triệt thật đúng, tổ chức thực hiện thật tốt các chủ trương, quyết sách lớn của Đại hội XIII về hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nhanh và bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Đặc biệt, đổi mới mạnh mẽ sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với xác định rõ trách nhiệm và tăng cường hiệu lực, hiệu quả phối hợp, giám sát, kiểm tra việc thực hiện để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển.
Giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng
Về xây dựng quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tổng bí thư khẳng định đây là việc làm cần thiết ngay đầu nhiệm kỳ mỗi khóa sau Đại hội Đảng.
Việc này nhằm cụ thể hóa Điều lệ Đảng, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, chế độ làm việc và phương pháp công tác của các cơ quan lãnh đạo đảng, bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ.
Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII khai mạc tại Hà Nội sáng 5/7, dự kiến làm việc đến ngày 9/7. Hội nghị Trung ương 3 sẽ thảo luận, quyết định một số vấn đề quan trọng như kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025… Ảnh: Đoàn Bắc. |
Theo Tổng bí thư, quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa này cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm phát huy tốt hơn nữa dân chủ trong sinh hoạt đảng, đồng thời giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng.
Quy chế này cũng sẽ giúp giữ vững chế độ lãnh đạo tập thể, tăng cường trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Ngoài ra, quy chế góp phần đổi mới, cải tiến chế độ, lề lối làm việc, phương pháp công tác của các cơ quan lãnh đạo của Đảng, tăng cường sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ và phù hợp; tránh mâu thuẫn, chồng chéo hoặc bỏ sót việc.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng bí thư đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến và góp ý trực tiếp vào dự thảo các quy chế, nhất là những nội dung cần bổ sung, sửa đổi. Ví dụ như nội dung về: Trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư…
Với quy định về thi hành Điều lệ Đảng và về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, Tổng bí thư nhắc lại việc Đại hội Đảng XIII đã quyếtđịnh không sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng. Đại hội giao cho Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu để điều chỉnh, thông qua các quy định, hướng dẫn của Trung ương; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm thi hành nghiêm, thống nhất Điều lệ trong toàn Đảng.
Tổng bí thư đề nghị Trung ương nghiên cứu kỹ và có ý kiến, góp ý vào dự thảo các quy định về những nội dung còn vướng mắc, bất cập.
Đó là những vấn đề như: Quy định về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; việc giới thiệu và kết nạp người vào Đảng; trường hợp kết nạp và công nhận đảng viên chính thức sai quy định; quy định về nguyên tắc trong kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm pháp luật, quy định về việc xử lý khi phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện cấp uỷ quản lý; quy định về các trường hợp không giải quyết tố cáo…
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nội dung chương trình Hội nghị Trung ương lần này bao gồm nhiều vấn đề rất cơ bản và hệ trọng. Vì thế, ông đề nghị Trung ương dành thời gian tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.
Nguồn: News.zing.vn