Truông Bồn, nơi nước mắt tuôn rơi ngày gặp lại

0
188

Khi nghe chuyện năm xưa, không chỉ các cựu chiến binh, thanh niên xung phong mà cả những người trẻ cũng nghẹn ngào nước mắt trước sự hy sinh của một thế hệ anh hùng.

Truông Bồn (Đô Lương, Nghệ An) những ngày tháng 7 đón dòng khách nườm nượp đến dâng hương trong cái nắng miền Trung như đổ lửa. Cả khu di tích rộng hàng chục ha nhưng những hàng cây xanh mới trồng vẫn chưa kịp tỏa bóng. Bất chấp cái nóng hầm hập từ trên cao hắt xuống, từ mặt đường bê tông phả lên, các đoàn khách vẫn kiên nhẫn chờ đợi trong nhà chờ đăng ký để đến phiên vào lễ.

Suốt từ 6 giờ sáng, lăng mộ tập thể của 13 chiến sĩ thanh niên xung phong trong khu di tích Truông Bồn không lúc nào vắng khách. Dưới mái che khang trang trên diện tích chỉ vài chục mét vuông, các đoàn khách lặng lẽ đứng quanh phần mộ. Trong số ấy, có những người không còn xa lạ với huyền thoại Truông Bồn trong những năm tháng chống Mỹ, nhưng cũng không ít người trẻ mới chỉ biết đến nơi đây qua sử sách.

truong-bon-noi-nuoc-mat-tuon-roi-ngay-gap-lai

Các thanh niên xung phong thăm lại chiến trường xưa.

Với giọng nói ngọt, ấm, đậm chất Nghệ, chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga, tổ trưởng tổ thuyết minh tại khu di tích Truông Bồn nhanh chóng thu hút được sự chú ý của đoàn khách. Sau khi yêu cầu mọi người để điện thoại ở chế độ rung, chị nhẹ nhàng chỉ tay về phía trung tâm, nơi yên tọa của một phần mộ lớn, ốp đá đen xung quanh rồi gợi nhắc câu chuyện của 14 thanh niên xung phong 48 năm về trước.

Khi ấy, các anh, các chị tuổi đời mới đôi mươi, căng tràn nhựa sống. Hầu hết trong số họ đã hoàn thành nhiệm vụ, chuẩn bị xuất ngũ, có người đã có quyết định đi học, có người còn định cả ngày cưới… Tuy nhiên, những dự định, ước mơ đã tắt lặng trước trận bom ác liệt ngày 31/10/1968 khi chỉ cách thời điểm máy bay Mỹ ngừng ném bom miền Bắc 18 tiếng. 13 chiến sĩ của Tiểu đội 2 bất ngờ ngã xuống, chỉ may mắn một người còn sống sót.

“Em sắp được đi học rồi các chị ạ, chỉ ngày mai thôi”, “Em không lấy chồng đâu, em ở lại với các anh, các chị mà”, những câu nói vô tư, hồn nhiên, những ước mơ giản dị trước lúc hy sinh của các chiến sĩ Truông Bồn, được kể lại qua giọng nói nấc nghẹn của thuyết minh viên khiến ai nấy đều rưng rưng nước mắt.

truong-bon-noi-nuoc-mat-tuon-roi-ngay-gap-lai-1

Chị Quỳnh Nga thuyết minh tại khu mộ tập thể của 13 chiến sỹ. Ảnh: Vy An

Càng đau xót hơn khi 7 anh chị nằm xuống nhưng không trọn vẹn được thi thể. Để rồi hoà lẫn với giọt nước mắt tang thương, với tất cả những gì tìm lại được, nhân dân và đồng đội chia các anh, chị ra làm 7 phần và xây một ngôi mộ chung tại nơi họ hy sinh, cũng là nơi hố bom vùi lấp cả Tiểu đội trực chiến. Ngôi mộ được đặt tên là ngôi mộ của 13 chiến sĩ thanh niên xung phong Đại đội 317. Trong không gian im lặng như tờ, chỉ có tiếng kể da diết, tất cả như nuốt trọn từng câu, từng lời kể về cuộc chiến năm xưa. 

Chị Nga cho biết, ngày bình thường Truông Bồn đón khoảng 1.000 lượt khách đến dâng hương nhưng trong tháng tri ân này, lượng khách tăng lên gấp đôi khiến đội thuyết minh phải làm việc liên tục từ 6 giờ sáng đến gần 7 giờ tối. Đó là còn chưa kể đến những đoàn nhỏ lẻ hoặc gia đình.

Câu chuyện với chị liên tục bị đứt quãng vì những đoàn khách cuối ngày tới một đông hơn. Chị Nga kể trong những năm gắn bó với nghề, mỗi đoàn khách đến viếng là một kỷ niệm. Nhưng có lẽ nhớ nhất với chị là hình ảnh một bác thanh niên xung phong về thăm đồng đội cũ. Thời điểm đó chị cũng mới vào nghề.

“Bác gần 70 tuổi nhưng đi xe đạp gần 60 cây số để đến khu di tích. Lúc đó tôi đang đón đoàn, lúc thuyết minh cho các du khách, một mình bác đứng một góc lặng lẽ nhìn. Tôi nhớ như in cái màu áo thanh niên xung phong cũ vàng của bác, trên vai là chiếc khăn mặt lau mồ hôi. Tôi nói từng nào bác lại khóc từng đó, nhưng chỉ đứng một góc, bàn tay còn níu cả cái đầu xe đạp cũ”, chị Nga nhớ lại.

truong-bon-noi-nuoc-mat-tuon-roi-ngay-gap-lai-2

Chân dung 14 chiến sỹ của Tiểu đội 2, Đại đội 317, Truông Bồn. Ảnh: Vy An

Sau khi nghe thuyết minh xong, đoàn ra về, chị lại gần bác và hỏi thăm. “Bác kể với tôi là nhớ đồng đội, cứ trái gió trở trời vết thương lại đau. Nên mỗi lần như thế bác lại muốn đến đây, thắp hương như một cách xoa dịu đi tất cả” . Bác xin vào lau mộ cho các cô chú, rồi ngồi một bên mộ kể chuyện cho các cô chú nghe. Nhớ lại những cảnh đó, chị Nga cho biết đến giờ cảm xúc trong chị vẫn trào dâng như ngày nào.

“Bàn tay gầy của bác cứ thoa đều lên phần mộ, bác mỉm cười nhìn tôi rồi dặn dò: Khi đặt hoa lên mộ, hãy lau nhẹ nhàng thôi con gái nhé! Để các cô chú ngủ thật ngon”. Khi ra về bác đứng trước phần mộ, nghiêm trang đưa tay lên trán chào đồng đội “tôi về nhé!”.

Câu chuyện trước lúc hy sinh của các chiến sĩ Truông Bồn do thuyết minh viên kể lại:

Câu chuyện trước lúc hy sinh của các chiến sĩ Truông Bồn

 
 
Câu chuyện trước lúc hy sinh của các chiến sĩ Truông Bồn

Nằm dọc tuyến đường 15A thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An, Truông Bồn trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ là đầu mối giao thông quan trọng để vận chuyển quân lương, đạn dược từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Bởi vậy, cả chục nghìn quả bom và hàng nghìn quả tên lửa đã dội xuống con đường huyết mạch chỉ trong một thời gian ngắn, khiến hơn 1.200 chiến sĩ hy sinh.

Rạng sáng 31/10/1968, máy bay Mỹ ném hơn 200 quả bom xuống đại đội 317, Tổng đội thanh niên xung phong Nghệ An trong khi đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom. 13/14 chiến sĩ đại đội 317 đã hy sinh. Người duy nhất may mắn sống sót là nữ Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông, nay đã bước sang tuổi 70.

Xem thêm: Ngôi làng ba tầng nằm sâu trong lòng đất 22 m

Nguồn: Vnexpress.net

Điểm đến du lịch

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn