Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết các trường đã sẵn sàng, chờ thành phố cho phép học sinh trở lại lớp.
Hai con của chị Phạm Nhung (Ứng Hòa, Hà Nội) bước vào năm học 2021-2022 bằng hình thức online. Trải qua hơn hai tuần, nếp học của các bé dần ổn định. Gia đình chị nâng cấp mạng Internet, con không bị “văng” khỏi lớp học trực tuyến như trước đây. Nhà trường cũng giảm tải lịch học.
“Mọi chuyện khá ổn dù con vẫn chưa tập trung 100%. Trong tình hình dịch bệnh, chúng ta phải chấp nhận thôi. Các con mong được đến trường lắm”, bà mẹ hai con mong mỏi ngày trường học được mở cửa trở lại.
Con chị Phạm Nhung mong được đến trường dù việc học trực tuyến đã ổn hơn so với thời gian đầu. Ảnh: P.N. |
Mong con trở lại trường an toàn
Chị Nhung cho rằng khi trường học mở cửa trở lại, các con không phải học trên máy, đỡ hại mắt. Hơn nữa, học trực tiếp sẽ hiệu quả hơn trực tuyến.
Đây cũng là lý do chị Phương Mai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) ngóng trông ngày con đi học. Nữ phụ huynh cho hay thời gian qua, con chị học online từ 14h30 đến 17h. Các môn chính, con học ổn.
Tuy nhiên, để trẻ không phải học nhiều, nhà trường không dạy trực tuyến các môn như Mỹ thuật, Thể dục, Âm nhạc. Thay vào đó, giáo viên gửi clip hướng dẫn. Phụ huynh cho con tập rồi quay lại, gửi clip để giáo viên đánh giá.
Chị Mai cho rằng bất cập nằm ở chỗ mỗi môn một nhóm riêng, nhà chị hai con, có đến 10 nhóm. Chị cũng như các phụ huynh khác dễ nhầm lẫn. Có hôm, chị quên cho con làm bài vì bỏ sót tin nhắn trong nhóm lớp. Thậm chí, sau hai tuần học, không ít phụ huynh mới biết con có một nhóm như vậy.
“Phụ huynh cũng phàn nàn khi gửi bài nhưng giáo viên không trả lời hay ấn like, thả tim nên không biết thầy cô đã đọc được tin nhắn gửi bài tập chưa”, chị Phương Mai nói thêm.
Hơn nữa, dù chỉ học buổi chiều, các con lại phải dành nhiều thời gian để làm bài. Phụ huynh còn mất thời gian hơn vì phải quay clip cho trẻ, chụp ảnh bài viết của con rồi gửi cô.
Dù không đánh giá được hiệu quả việc học online ra sao, chị cho rằng con đến trường vẫn ổn hơn. Chị nghĩ học trực tiếp, giáo viên kèm cặp con tốt hơn, biết rõ học lực của con mình để dạy. Những điều này, thầy cô khó sát sao khi dạy học online.
Dù mong con sớm được đến trường, chị Phạm Nhung và chị Phương Mai đều nhấn mạnh cần đặt yếu tố an toàn lên trên hết. Hai bà mẹ cũng có không ít nỗi lo khi con đi học, tiếp xúc nhiều người.
Họ cho rằng kể cả khi thành phố phủ vaccine mũi 2 cho người dân, trẻ em vẫn chưa được tiêm. Do đó, lý tưởng nhất vẫn là đến thời điểm trẻ đến trường, thành phố kiểm soát dịch hoàn toàn, không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.
Nếu không, họ lo trẻ còn nhỏ, chưa ý thức để đảm bảo giãn cách. Mỗi con sống ở một nơi, trong tình hình dịch, không nơi nào đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Chị Phương Mai lo lắng hơn vì con học trường công lập, mỗi lớp 45-50 học sinh, khó đảm bảo giãn cách. Trong khi đó, vì sống ở ngoại thành, chị Phạm Nhung cảm thấy yên tâm phần nào do dân cư thưa hơn nội thành, sĩ số học sinh cũng ít hơn.
“Tôi tin thành phố sẽ cân nhắc, đưa phương án phù hợp. Điều quan trọng nhất vẫn là an toàn cho trẻ”, chị Nhung nói.
Các trường luôn sẵn sàng về cơ sở vật chất cũng như kế hoạch dạy học trực tiếp để đón học sinh trở lại khi có chỉ đạo từ thành phố. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Sẵn sàng chuyển sang dạy học trực tiếp
Chiều 20/9, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết thời gian tới, thành phố sẽ phấn đấu hoàn thành sớm việc tiêm phủ vaccine mũi 2 cho toàn bộ người dân trong tháng 11. Từ đó, thành phố có cơ sở để tính toán cho học sinh, sinh viên quay trở lại trường học.
Trao đổi với Zing, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho hay hiện tại, ngành giáo dục chờ chỉ đạo chung. Ông Tiến khẳng định các trường trên địa bàn đã quen việc, luôn sẵn sàng chờ thành phố cho phép học sinh trở lại trường.
“Trước khi đó, các trường sẽ tiến hành vệ sinh khử khuẩn, đảm bảo các nội dung phòng chống dịch Covid-19. Sở GD&ĐT cùng sở Y tế sẽ ra hướng dẫn liên ngành”, ông nói thêm.
Ông Tiến cũng thông tin đến nay, 97,6% giáo viên ở Hà Nội đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, tỷ lệ tiêm 2 mũi đạt 33%.
Trong khi đó, tại quận Hà Đông, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT, cho biết tỷ lệ giáo viên tiêm mũi 1 đạt 90% (một số giáo viên được gọi đi tiêm nhưng do có bệnh nền nên chưa dám tiêm). 80% giáo viên trên địa bàn đã tiêm mũi 2.
Theo bà Hằng, thực tế, từ đầu tháng 9, khi năm học mới bắt đầu, các trường đã luôn trong tình trạng có thể đón học sinh đến lớp. Do đó, sau thời gian học online, khi thành phố cho phép mở cửa trường học, công tác chuẩn bị về mặt cơ sở vật chất sẽ không gặp vướng mắc.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng chia sẻ ngay khi học sinh trở lại trường, việc đầu tiên, giáo viên sẽ ôn tập lại kiến thức đã học, sau đó, rà soát lại hết, kiểm tra (thông qua bài kiểm tra ngắn hoặc hỏi đáp) để nắm trình độ các con, ôn tập bù những phần còn thiếu rồi cho dạy nối tiếp chương trình mới.
“Thực ra, trong quá trình dạy trực tuyến, giáo viên cũng nắm rõ tình hình học của các con. Do đó, tôi cho rằng trong vòng 1 tuần, thầy cô có thể ôn lại kiến thức cơ bản trong hai tháng trẻ học online, thiếu ở đâu, các cô bổ sung ở đó”, bà Hằng nói.
Bà nhấn mạnh điều quan trọng nhất vẫn là đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường. Trong đó, trường sẽ xem học sinh có ở vùng có nguy cơ mắc Covid-19 hay không. Nếu học sinh ở khu nguy cơ cao, ngành giáo dục sẽ thận trọng, thậm chí phải test Covid-19 cho các con trước khi đến trường.
Bên cạnh đó, cũng như các lần trước, ngành y tế sẽ có hướng dẫn như xét nghiệm cho học sinh di chuyển từ vùng khác về hay các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 khác.
Nguồn: News.zing.vn