Trường nữ sinh Rajkumari Ratnavati được thiết kế theo hình bầu dục, là nơi học tập của 400 nữ sinh từ cấp mẫu giáo đến lớp 10 ở vùng nông thôn sa mạc Jaisalmer, miền Bắc Ấn Độ.
Trường nữ sinh Rajkumari Ratnavati là một phần thuộc khu phức hợp GYAAN Center, bao gồm 3 tòa nhà. Hai phần còn lại là The Medha, không gian triển lãm nghệ thuật, biểu diễn và Hợp tác xã của Hội phụ nữ, là nơi dạy nghề cho phụ nữ trong vùng. Ngôi trường hình bầu dục này là sản phẩm thiết kế của kiến trúc sư người Mỹ Diana Kellogg và được ủy quyền bởi CITTA, tổ chức phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ cồng đồng gặp khó khăn về kinh tế, địa lý. |
Trường Rajkumari Ratnavati được xây dựng nhằm phục đích phục vụ nữ sinh ở Jaisalmer. Theo ArchDaily, tỷ lệ nữ sinh biết chữ ở khu vực này chưa đến 32%. Do hoàn cảnh khó khăn, khoảng cách địa lý, nhiều em không thể đến trường. Bên cạnh việc dạy học cho nữ sinh, GYAAN Center lên kế hoạch trang bị cho phụ nữ địa phương những kỹ năng, kiến thức để nâng cao trình độ học vấn, đồng thời nâng cao nhận thức về các vấn đề bất cập mà phụ nữ Ấn Độ đang phải đối mặt. |
Khi nhận được lời mời tham gia thiết kế trường học, vào năm 2014, kiến trúc sư Diana đã đến Ấn Độ để khảo sát tình hình và tham khảo nét đặc trưng của kiến trúc địa phương. Ban đầu, bà lo lắng khi được yêu cầu xây dựng một trường học nằm giữa sa mạc. Nữ kiến trúc sư cho biết cảm hứng thiết kế trường học bắt nguồn từ những yếu tố môi trường và văn hóa bản địa. “Tôi không muốn áp đặt ý tưởng thiết kế của phương Tây. Tôi muốn tạo ra một tòa nhà nhiều ánh sáng, một công trình hòa quyện giữa tâm hồn con người và năng lượng tự nhiên để nuôi dưỡng và chữa lành cho phụ nữ và trẻ em gái ở Jaisalmer”, bà Diana giải thích. |
Tháng 10/2018, công trình xây dựng trường nữ sinh Rajkumari Ratnavati bắt đầu đi vào thực hiện. Kiến trúc sư Diana cho biết ngôi trường được xây hình bầu dục có ý nghĩa về mặt kiến trúc và văn hóa. Về mặt kiến trúc, nó giúp giảm khoảng cách giữa các khu vực trong tòa nhà, ở giữa trường có sân chơi cho trẻ, là dạng thiết kế quen thuộc với văn hóa Ấn Độ. Hình bầu dục cũng tượng trưng cho người phụ nữ trong nhiều nền văn hóa và biểu tượng cho sự bền vững. |
Toàn bộ ngôi trường được xây bằng đá sa thạch, được thợ địa phương chạm khắc thủ công hoàn toàn. Nữ kiến trúc sư lý giải, việc sử dụng vật liệu địa phương để xây dựng trường học đã làm giảm năng lượng khí thải và làm mát cho trẻ khi phải học ở sa mạc khắc nghiệt, nhiệt độ lên đến 50 độ C. Ngoài ra, phần mái hiên và những lỗ thoáng khí trên tường cũng giúp lọc cát, thoát nhiệt và giảm tác động của ánh sáng mặt trời. Trường Rajkumari Ratnavati không cần đến điều hòa nhiệt độ để làm mát. |
Trên mái nhà, đội ngũ thi công lắp đặt loạt pin mặt trời để cung cấp năng lượng điện, đồng thời làm mái che cho trẻ tập thể dục, vui chơi. Nữ sinh có thể chọn chơi ở sân chơi trung tâm hoặc trên mái nhà của trường học. “Tôi muốn tạo ra một ngôi trường hoành tráng để các bậc cha mẹ cảm thấy tự hào khi gửi con đến học”, Michael Daube, người sáng lập CITTA, nói với The Better India. |
Trường Rajkumari Ratnavati có 10 phòng học được nối liền với nhau. Tất cả phòng đều được thiết kế để nhận nhiều ánh sáng tự nhiên nhất có thể. Mỗi lớp học không quá 20 trẻ, tất cả đều mặc đồng phục được thiết kế đặc biệt. Nhà thiết kế thời trang người Ấn Độ Sabyasachi Mukherjee đã sử dụng kỹ thuật truyền thống ajrakh để làm ra bộ đồng phục này. Ông mong muốn tạo ra sản phẩm thoải mái cho trẻ khi học tập, vui chơi, nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của địa phương. “Nếu đồng phục của học sinh Ấn Độ đều liên quan văn hóa địa phương, nó sẽ trở thành nền tảng tuyệt vời để trao đổi văn hóa và thiết lập sự ổn định trong kinh tế”, ông Sabyasachi nói với Vogue. |
Ban đầu, trường nữ sinh Rajkumari Ratnavati dự kiến mở cửa vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kế hoạch này buộc phải tạm hoãn. Học sinh sẽ bắt đầu đến trường vào tháng 7/2021. Hai công trình còn lại của GYAAN Center cũng sẽ được sớm xây dựng trong thời gian tới. |
Nguồn: News.zing.vn