Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, tiêu chuẩn của mỗi công việc, ngành nghề đều có xu hướng cao hơn qua thời gian, người thầy cũng không ngoại lệ.
TS Lê Thái Hà, 33 tuổi, Giám đốc Nghiên cứu và Giảng viên cao cấp của trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, từng đứng trước nhiều ngã rẽ sau khi tốt nghiệp cử nhân, để rồi tìm đến nghề giáo với cảm giác đây là “nơi mà mình thuộc về”.
Mới đây, TS Lê Thái Hà cùng 28 nhà khoa học người Việt khác lọt vào danh sách 100.000 người nghiên cứu có tầm ảnh hưởng nhất thế giới năm 2021.
TS Lê Thái Hà cho rằng hạnh phúc của người thầy là nhìn thấy sự phát triển của học trò. Ảnh: NVCC. |
Tôi tin nghề giáo là lựa chọn đúng đắn của mình
– Sau khi tốt nghiệp đại học, tiến sĩ đi làm một thời gian rồi mới chọn con đường nghiên cứu và giảng dạy. Điều gì khiến cô chọn con đường này?
– Thực ra ý định đi học tiếp nghiên cứu sinh tiến sĩ (PhD) đến với tôi trong năm cuối của chương trình cử nhân tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Thông thường, các sinh viên trong ngành kinh tế ở trường được yêu cầu làm luận văn tốt nghiệp theo nhóm 3 người.
Ở thời điểm đó, tôi đang trong tiến độ hoàn thành chương trình học cử nhân trước một học kỳ, lại có kinh nghiệm làm nghiên cứu từ trước (chương trình URECA dành cho sinh viên trong nhóm Dean’s list của trường), nên đã được chấp thuận làm luận văn một mình.
Với những trải nghiệm nghiên cứu trong suốt giai đoạn đó, cùng sự khuyến khích, động viên của giáo sư hướng dẫn, tôi đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghiên cứu, cũng như sự tự tin để quyết định nộp hồ sơ xin học bổng nghiên cứu PhD.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân, trong khoảng thời gian chờ kết quả xét tuyển học bổng PhD, tôi về nước, làm việc tại một ngân hàng của Nhật trong vài tháng. Công việc, đồng nghiệp và môi trường làm việc ở đây đều rất tốt. Nhưng quả thực, đâu đó tôi vẫn cảm nhận có lẽ tính chất công việc này chưa thực sự phù hợp với mình. Điều này một lần nữa cho tôi quyết tâm sẽ theo đuổi công việc nghiên cứu và trở thành giảng viên.
Đến giờ, tôi làm công việc giảng dạy gần 9 năm và rất tin đây là lựa chọn đúng đắn khi thấy được niềm vui trong công việc. Được trao đổi, tương tác với sinh viên, học viên luôn làm tôi cảm thấy thích thú, dù đôi khi có cả thách thức và câu hỏi hóc búa.
Ở khía cạnh gia đình, cha mẹ cũng luôn mong muốn và ủng hộ tôi trở thành nhà giáo.
– Tốt nghiệp tiến sĩ sau 2 năm trong khi thông thường ở Đại học Công nghệ Nanyang, để hoàn thành chương trình này cần 4-5 năm. Điều gì giúp cô “nhảy cóc” như vậy?
– Tôi vẫn nhớ buổi gặp mặt của hai thầy trò khi mình chuẩn bị vào kỳ học đầu tiên của chương trình PhD ở Đại học Công nghệ Nanyang. Sau những trao đổi vui vẻ, hỏi thăm của lần đầu gặp mặt, giọng thầy trở nên trầm hơn khi nói về thách thức bản thân nên chuẩn bị khi theo đuổi chương trình.
Thầy nói học 5-6 năm cho một chương trình PhD là bình thường (dù học bổng trường cho là 4 năm). Tôi tự nhủ bản thân phải thật chăm chỉ và quyết tâm để có cơ hội với nhiều may mắn hơn.
Tôi nghĩ kết quả học tập các môn ở chương trình tiến sĩ tốt đã mang lại cho mình một khởi đầu thuận lợi (điểm học tập các môn của tôi cao nhất khóa 4,92/5).
Nhưng, để nói về dấu mốc đáng nhớ nhất, đó là việc nhận được thư chấp thuận cho bài báo khoa học đầu tiên trong cảm xúc “vỡ òa”. Khi đó, tôi đang ở năm thứ hai của chương trình PhD và đó là thư chấp thuận được đăng bài từ Energy Economics – tạp chí hàng đầu (top-tier journal) trong lĩnh vực kinh tế năng lượng mà tôi đang theo đuổi từ khi quyết tâm học chương trình tiến sĩ.
Với kết quả này, tôi có thêm tự tin để nộp tiếp bài nghiên cứu nữa cho một báo khoa học khác và may mắn nhận được sự chấp thuận thứ hai. Việc có hai bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín đã giúp tôi có những điều kiện thuận lợi để hoàn thành chương trình tiến sĩ trong hai năm.
Nhưng quan trọng hơn, tôi cảm thấy thêm vững tin vào con đường nghiên cứu khoa học mà mình đã chọn, một con đường bản thân biết tất cả mới chỉ bắt đầu, sẽ còn rất dài và nhiều thách thức ở phía trước.
– Năm 2021, TS Lê Thái Hà lọt vào danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới. Động lực nào giúp cô duy trì khả năng nghiên cứu, năng suất bài báo khoa học đáng nể như những năm vừa qua?
– Nghiên cứu khoa học là công việc đòi hỏi sự say mê, chăm chỉ, tập trung, kiên trì theo đuổi mục tiêu. Tôi nghĩ yếu tố quan trọng đầu tiên là sự ủng hộ của gia đình, bố mẹ và đặc biệt là người bạn đời của mình.
Tiếp theo là sự sắp xếp thời gian khoa học, hợp lý. Là phụ nữ, tôi mong muốn luôn có thời gian để dành cho gia đình, quan tâm, chăm sóc bố mẹ, chồng con đôi từ những việc nhỏ nhất.
Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, đó là môi trường nơi tôi đã và đang làm việc phù hợp và tạo điều kiện để bản thân được tập trung vào công tác nghiên cứu cũng như phát triển chuyên môn.
Chín năm theo nghề giáo, TS Lê Thái Hà luôn cảm thấy mình đã “được” rất nhiều thứ. Ảnh: NVCC. |
Hãy tìm hiểu câu chuyện đằng sau điểm số của người học
– Nhiều người cho rằng Việt Nam đang có đội ngũ nhà nghiên cứu tương đối tốt nhưng để tìm thế hệ kế cận chất lượng thì không dễ. Cô nghĩ thế nào? Có phải niềm hạnh phúc của giảng viên hay người làm nghiên cứu khoa học là tìm được người tiếp nối mình?
– Đúng là chúng ta đang có một đội ngũ nghiên cứu tốt ở Việt Nam. Điều này đến từ nhiều yếu tố. Thứ nhất, năng lực học tập hàn lâm của người Việt không thua kém so với bạn bè quốc tế, thể hiện ở thành tích trong các kỳ thi quốc tế của sinh viên, học sinh Việt Nam.
Thứ hai, rất nhiều thế hệ sinh viên, nhà nghiên cứu về sau này có cơ hội du học để đào tạo, chuyên tu về học thuật nên có lợi thế hơn thế hệ trước về trải nghiệm và làm việc trong môi trường với các chuẩn quốc tế.
Thứ ba, nhiều trường đại học ở Việt Nam hiện nay cũng có sự chú trọng hơn, phân bổ nguồn lực cho các chương trình nghiên cứu và đào tạo nghiên cứu, cũng như những cơ chế để khuyến khích sản phẩm chất lượng.
Theo xu thế toàn cầu hóa, việc hợp tác quốc tế không chỉ diễn ra phổ biến ở lĩnh vực khác mà còn cả ở trong giáo dục, đào tạo, nghiên cứu. Quá trình hợp tác nghiên cứu với học giả nước ngoài cũng khiến những nghiên cứu viên trong nước có cơ hội học hỏi và nâng cao năng lực tốt hơn. Vì vậy, tôi tin tưởng chất lượng của các thế hệ kế cận trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học ở nước ta sẽ ngày càng được cải thiện.
Việc nhiều nghiên cứu sinh sau khi đi du học đã quyết định ở lại có thể xuất phát từ nhiều yếu tố như nguyện vọng cá nhân, gia đình hoặc lĩnh vực nghiên cứu của họ ở Việt Nam chưa thực sự được đầu tư, chú trọng, hay mức đãi ngộ cũng như môi trường làm việc chưa thể so sánh với các trường bên nước ngoài.
Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần có những chính sách, cơ chế để giảm dần sự khác biệt đó. Thực tế cho thấy là khi môi trường và cơ chế khuyến khích được cải thiện ở một số trường đại học trong nước, các công trình nghiên cứu cũng tăng đáng kể. Cũng có những tranh cãi về chất lượng nghiên cứu nhưng theo tôi, với những tiến triển ban đầu, sự gia tăng số lượng cũng là một điều đáng được khích lệ.
Tôi tin người giảng viên hay nhà nghiên cứu nào cũng sẽ hạnh phúc khi nhìn thấy sự phát triển, tiến bộ ở các thế hệ trẻ kế cận. Vì điều này có nghĩa là lĩnh vực họ theo đuổi đang có xu hướng đi lên và mở rộng.
Hiện tại, trong các lớp học thạc sĩ của tôi, vẫn luôn có một số bạn học viên bày tỏ mong muốn theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Khi cảm nhận được sự phù hợp của học viên, tôi luôn cố gắng hỗ trợ các bạn trong khả năng của mình, để các bạn có thêm cảm hứng và niềm tin theo đuổi con đường này.
– Hai năm qua, đại dịch đã thay đổi cách cô giảng dạy, nghiên cứu khoa học như thế nào?
– Hai năm qua, giống như nhiều lĩnh vực khác, để đảm bảo an toàn trong mùa dịch bệnh, công việc giảng dạy của tôi và các đồng nghiệp ở trường đều phần lớn diễn ra trực tuyến.
Tôi tin người giảng viên hay nhà nghiên cứu nào cũng sẽ hạnh phúc khi nhìn thấy sự phát triển, tiến bộ ở các thế hệ trẻ kế cận. Vì điều này có nghĩa là lĩnh vực họ theo đuổi đang có xu hướng đi lên và mở rộng.
TS Lê Thái Hà
Cùng với xu thế chung của các ngành là tận dụng công nghệ trong sản xuất, làm việc, trường tôi cũng đã đầu tư nhiều máy móc, thiết bị cho các giảng viên để việc giảng dạy và học tập online của thầy trò được diễn ra suôn sẻ nhất có thể.
Tất nhiên, tôi và các đồng nghiệp cũng như các bạn học viên đều mong muốn có thể trao đổi trực tiếp vì việc giảng dạy online sẽ không tránh khỏi một số hạn chế. Tuy nhiên, tôi nghĩ trong bối cảnh đại dịch như vậy, việc có thể làm là cố gắng thay đổi thái độ, cách thức làm việc để thích ứng với nó ở mức tốt nhất có thể.
May mắn là các bạn học viên cũng đều có ý thức học tập nên việc dạy online cũng không quá thách thức với tôi. Để tăng sự tương tác, tất cả đều có cảm giác tập thể lớp là một khối thống nhất dù chưa thể gặp mặt trực tiếp, tôi dành ra thêm nhiều thời gian để chia sẻ, trao đổi online với học viên, cả trong và ngoài giờ học.
– Cô có nghĩ hậu đại dịch, vai trò của người thầy sẽ dần thay đổi? Có phải xã hội đang đòi hỏi ngày càng cao hơn ở người thầy?
– Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, tôi nghĩ là tiêu chuẩn của mỗi công việc, ngành nghề đều có xu hướng cao hơn theo thời gian. Vai trò của người thầy cũng vậy.
Ngoài việc truyền đạt những kiến thức lý thuyết về môn học, trong những môi trường mà tôi đã từng học tập và làm việc, người thầy giờ đây cũng trở nên gần gũi hơn với các học viên. Vì vậy, thầy cô phải luôn sẵn sàng để giải đáp bất kỳ câu hỏi hóc búa từ các bạn về mọi khía cạnh liên quan của vấn đề được giảng dạy trong thực tế cuộc sống.
Bên cạnh đó, đôi khi tôi cũng chủ động muốn được chia sẻ với những tâm nguyện, suy nghĩ hay lo lắng của các bạn mà tôi cảm nhận được, giúp học viên vượt qua một số rào cản để có thể đạt được kế hoạch, dự định của bản thân.
– Chín năm làm công tác giảng dạy và nghiên cứu, cô nghĩ mình “được” gì nhiều nhất?
– Đúng là 9 năm làm nghề giáo đã cho tôi rất nhiều trải nghiệm và kỷ niệm với nghề cùng nhiều thế hệ sinh viên, học viên. Vì tình yêu nghề nên cảm nhận của tôi là mình “được” rất nhiều khi là một nhà giáo.
Mỗi buổi lên lớp hoặc gặp mặt với sinh viên, học viên, tôi tìm thấy niềm vui từ việc được chia sẻ với các bạn những kiến thức mình có, lời khuyên và ý kiến riêng về các vấn đề. Tôi cũng được các bạn lắng nghe, phản hồi, thoải mái chia sẻ lại những ý nghĩ của các bạn mà đôi khi cũng rất thú vị, sáng tạo. Tôi có cảm giác càng thêm hạnh phúc khi sinh viên, học viên thấy những kiến thức, chia sẻ đó có ích và có thể ứng dụng vào cuộc sống, công việc của các bạn.
Một trong những điều tôi chiêm nghiệm và cũng hay tự nhắc nhở bản thân sau nhiều năm giảng dạy là có thể có nhiều câu chuyện đằng sau những điểm số hay thái độ học tập của sinh viên.
Cụ thể, nếu chỉ nhìn trên bề mặt của vấn đề, việc một số bạn làm bài tập, bài thi kết quả chưa tốt, hay đi học trễ, vắng mặt trong lớp có lẽ sẽ làm nhiều người giáo viên khá phiền lòng. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta cũng cần dừng lại một chút để nhìn nhận vấn đề sâu hơn, để tâm hơn đến học viên. Khi đó, biết đâu chúng ta có thể sẽ hiểu ra được nhiều điều hơn, ít nhất là dành sự cảm thông với các bạn thay vì trách cứ và may mắn hơn thì thậm chí có thể giúp đỡ được các bạn trong khả năng của mình.
Tôi tin sự đồng cảm là điều quan trọng vì đó là nền tảng cho sự thấu hiểu, tôn trọng không chỉ trong mối quan hệ của thầy trò mà còn cho sự gắn kết giữa con người với nhau.
Nguồn: News.zing.vn