Tiến sĩ, bác sĩ Võ Toàn Trung (Pháp) cho rằng TP.HCM cần thành lập trung tâm điều hành và phân phối bệnh nhân nhằm tiết kiệm thời gian và tận dụng tối đa số giường bệnh sẵn có.
Trong hội thảo “Chuyên gia kiều bào chung sức cùng TP.HCM chống dịch” vào chiều 12/8, tiến sĩ, bác sĩ Võ Toàn Trung – kiều bào đang công tác ở Paris – đã chia sẻ kinh nghiệm chống dịch tại Pháp, đồng thời đưa ra nhiều khuyến nghị để TP có thể chống dịch hiệu quả hơn trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Ông nhận xét việc chính quyền TP.HCM thực hiện giãn cách nghiệm ngặt, “hy sinh các lợi ích kinh tế để đảm bảo lợi ích sức khỏe cho người dân là lựa chọn rất hợp lý”.
Tiến sĩ cũng đánh giá cao việc thành lập nhanh chóng và kịp thời các trung tâm điều trị và bệnh viện dã chiến theo mô hình tháp 5 tầng của thành phố.
Từ kinh nghiệm chống dịch tại Pháp, các đề xuất của ông xoay quanh việc nâng cao công tác quản lý xét nghiệm và tiêm vaccine, vận hành bệnh viện và các trung tâm điều trị một cách khoa học và hiệu quả hơn.
Nâng cao công tác quản lý để tiết kiệm thời gian và chi phí
Về vấn đề xét nghiệm trên diện rộng, bên cạnh việc nâng cao năng lực xét nghiệm, tiến sĩ Võ Toàn Trung đề xuất quản lý người đã xét nghiệm Covid-19 âm tính bằng mã QR.
“Dù giá trị của mỗi mã này chỉ có thời hạn 3 đến 7 ngày kể từ khi xét nghiệm, nó vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp chúng ta truy vết hoặc khoanh vùng, đặc biệt là vùng xanh, một cách hữu hiệu”, ông Trung nói.
Tiến sĩ, bác sĩ Võ Toàn Trung trao đổi tại hội thảo trực tuyến chiều 12/8. Ảnh: Chụp màn hình. |
Song song với đó, việc ứng dụng mã QR để quản lý người đã tiêm vaccine cũng là điều cần thiết, vị chuyên gia nói thêm.
Để nâng cao hiệu quả cho việc cung ứng vật tư y tế, tiến sĩ đề xuất thành phố thành lập các trung tâm chuyên trách việc tìm và mua trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu cần thiết cho các trung tâm và bệnh viện điều trị Covid-19.
“Điều này sẽ giúp tiết kiệm đáng kể thời gian cho các bệnh viện, đồng thời khiến việc mua sắm tập trung và hiệu quả hơn, vừa kinh tế, vừa đảm bảo có đủ trang thiết bị, vật tư y tế”, vị chuyên gia giải thích.
Để quản lý và tận dụng tối đa số giường bệnh, dựa trên kinh nghiệm đối phó dịch bệnh của Paris, tiến sĩ Trung đề xuất TP.HCM thành lập một trung tâm điều hành chung cho bệnh viện và trung tâm điều trị Covid-19.
“Khi bệnh nhân chuyển nặng, chúng ta không thể gọi đến 100 bệnh viện để tìm giường được, mà phải gọi đến một trung tâm duy nhất. Trung tâm này có trách nhiệm điều hành và phân phối toàn bộ số bệnh nhân chuyển nặng được thông báo”, tiến sĩ Trung nói.
Ông Trung cho rằng điều này sẽ giúp TP.HCM tận dụng được tối đa giường bệnh sẵn có, đồng thời tiết kiệm được rất nhiều thời gian, kể cả về mặt xử lý cũng như về mặt vận chuyển bệnh nhân.
Một bệnh viện dã chiến ở quận 7, TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng. |
Ông giải thích thêm: “Trên cơ sở điều hành đó, chúng ta có thể dự kiến cần thành lập thêm bao nhiêu đơn vị chăm sóc ở tầng cao, và bao nhiêu giường có thể để dành cho các bệnh nhân nặng”.
Ngoài ra, tiến sĩ cũng khuyến nghị thành phố nên xây dựng một bộ giao thức (protocol) chung, huấn luyện, và phổ biến cho đội ngũ nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân thể vừa và nhẹ, để họ có thể chủ động hơn.
“Đây là điều kiện tiên quyết giúp chúng ta giảm nhẹ gánh nặng cho các tuyến trên, đặc biệt là các tuyến trên cùng (của tháp phân tầng và điều trị bệnh nhân Covid-19)”, ông nói.
Phác đồ điều trị của Pháp
Chia sẻ về phác đồ điều trị Covid-19 cơ bản của Pháp, tiến sĩ Trung cho biết Pháp cũng phân loại bệnh nhân giống như Việt Nam để điều trị, bao gồm bệnh nhẹ, vừa, nặng, và rất nặng.
Bệnh nhân thể nhẹ sẽ có các triệu chứng như sốt nhẹ, đau mỏi toàn thân, nhưng vẫn có thể đi lại và tự vận động. Những người này sẽ tự điều trị ở nhà theo đơn thuốc của bác sĩ, gồm các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, nhưng cần lưu ý là không được sử dụng thuốc kháng viêm dạng AINS (tức thuốc kháng viêm không có steroid). Tại Việt Nam, tiến sĩ đề xuất sử dụng Paracetamol vì rất dễ tìm.
Khi bệnh nhân chuyển sang thể vừa, tức là có triệu chứng rất mệt mỏi, thở khó khăn hơn, cần bắt đầu theo dõi nồng độ oxy trong máu. Nếu dưới 95%, bệnh nhân cần được quan tâm sát sao hơn.
“Khi đó, chúng ta phải cho bệnh nhân sử dụng corticoid dạng uống, ở Việt Nam có thể dùng Medrol. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến việc điều trị bằng thuốc chống đông máu dạng viên uống. Nếu bệnh nhân có các triệu chứng viêm đường hô hấp dạng vừa thì phải sử dụng kháng sinh, ví dụ như Azithromycin”, ông Trung cho biết.
Bệnh nhân khi chuyển nặng – tức có dấu hiệu khó thở, thở gấp, đi lại khó khăn – thì cần được đưa vào viện để điều trị. Việc theo dõi nồng độ oxy trong máu, điều trị bằng corticoid, thuốc chống đông máu và kháng sinh phối hợp ở giai đoạn này là bắt buộc.
“Với sự phối hợp này, đa số bệnh nhân nặng đều có sự tiến triển tương đối tốt trong vòng từ 5 đến 7 ngày”, tiến sĩ cho biết.
Các bác sĩ đang điều trị chuyên sâu cho bệnh nhân Covid-19 nặng ở TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng. |
“Đối với bệnh nhân rất nặng, phải sử dụng corticoid ở dạng truyền và đương nhiên phải dùng đến các loại máy trợ thở. Theo kinh nghiệm chữa bệnh bên Pháp, chúng tôi hiện nay chủ yếu sử dụng máy trợ thở áp lực dương nhiều hơn là sử dụng ECMO, vì điều trị ECMO tốn rất nhiều chi phí”, ông nói.
Song song với máy trợ thở áp lực dương, cần phối hợp với điều trị bằng thuốc chống đông máu dạng tiêm hoặc truyền, kháng sinh phổ rộng, và các loại thuốc an thần thuộc 5 nhóm có tác dụng tốt với Covid-19.
Ông Trung cho biết thêm máy trợ thở áp lực dương, ngoài việc tiết kiệm hơn so với ECMO, còn có thể giúp điều trị cho nhiều bệnh nhân hơn.
Ngoài ra, vị tiến sĩ chia sẻ rằng một số kỹ thuật cao khác cũng được sử dụng tại Pháp đối với bệnh nhân rất nặng. Những kỹ thuật này hiệu quả tốt nhưng chi phí khá cao và rất khó để áp dụng ở Việt Nam.
Ông đề xuất đội ngũ chống dịch ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung nên chú trọng đến việc điều trị cho bệnh nhân thể vừa và nhẹ để họ không chuyển nặng.
“Việc quan trọng nhất đối với chúng ta là phải có protocol (giao thức) điều trị đối với bệnh nhân nhẹ và vừa, vì các bệnh nhân này chiếm số lượng lớn. Nếu muốn giảm tải cho hệ thống y tế của thành phố, thì phải đưa được điều đó đến tận phường, xã, thậm chí phổ biến cho toàn dân”.
Theo tiến sĩ, nếu thực hiện thành công, người dân có thể chữa bệnh một cách hiệu quả hơn thông qua tư vấn của y, bác sĩ. Trong khi đó, lực lượng y tế phụ trách các tầng bệnh nhẹ và vừa có thể chủ động hơn trong việc điều trị và tư vấn, giúp giảm áp lực cho các tầng bệnh nặng hơn.
Nguồn: News.zing.vn