TS Vũ Thành Tự Anh tính toán năm nay, TP.HCM có thể mất 6 tỷ USD, bằng khoảng 2% GDP của Việt Nam. Đây là cái giá phải trả về kinh tế và sẽ còn lớn hơn nếu TP không sớm mở cửa.
Trong buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và các chuyên gia y tế, kinh tế để nghe góp ý về công tác phòng, chống dịch diễn ra ngày 17/9, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, phân tích rõ tại sao TP.HCM cần mở cửa nền kinh tế.
Bối cảnh mới, không thể dùng cách chống dịch cũ
Đánh giá tình hình chung, TS Vũ Thành Tự Anh nhận định giai đoạn trước, mỗi khi phát hiện ca nhiễm, TP.HCM liền lập tức cô lập khu vực nguy cơ và có các biện pháp kiểm soát mạnh. Tuy nhiên, hiện nay thành phố đã hiểu hơn về dịch, dù chưa trọn vẹn.
“Zero Covid là biểu hiện rõ ràng của sự sợ hãi. Do đó, phải thay đổi tư duy”, ông nói và cho rằng TP cần chống dịch bằng sự hiểu biết – tức là thông tin, dữ liệu, bằng chứng khoa học.
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright. Ảnh: HMC. |
TS Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh bối cảnh hiện nay của thành phố rất khác trước đây.
Thứ nhất, thành phố có vaccine và thực tế độ phủ rất cao, mũi 1 trên 91% và mũi 2 trên 25%. Trong khi đó, cách thức chống dịch được thiết kế năm 2020 đều trong bối cảnh chưa có vaccine, chấp nhận Zero Covid và chưa có hiểu biết đầy đủ về dịch bệnh.
“Bối cảnh mới thì không thể dùng công cụ, khuôn khổ pháp lý cũ. Tôi cho rằng cần đánh giá lại khuôn khổ pháp lý và quy định y tế trong chống dịch để ứng phó, thích nghi với điều kiện mới”, ông Tự Anh nói.
“Kinh tế không thể không mở. Đây là mệnh lệnh”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Cái giá phải trả về kinh tế
Theo TS Vũ Thành Tự Anh, nếu nhìn vào bài toán kinh tế thì quan trọng nhất là lợi ích – chi phí, phân bổ nguồn lực. Ví dụ, nếu áp dụng chính sách xét nghiệm diện rộng cho toàn thành phố thì chi phí cực lớn nhưng lợi ích rất thấp. Do đó, cần đánh giá tường minh hiệu quả xét nghiệm để có góc độ phù hợp.
GDP ước tính năm 2021 của TP.HCM là -2,8%, trong khi các năm tăng khoảng 7-8%.
“Nếu tiếp tục chống dịch thế này thì tốc độ tăng trưởng GDP so với GDP tiềm năng của TP.HCM có thể giảm khoảng 80-90%. Điều đó có nghĩa là mất xấp xỉ 6 tỷ USD. Đây mới chỉ là con số trong năm nay, thực tế là sẽ còn mất dài dài. 6 tỷ USD này bằng khoảng 2% GDP của Việt Nam”, ông nhấn mạnh.
Ông chia sẻ doanh nghiệp hiện đã kiệt quệ, nếu không cứu kịp thì họ sẽ “chết” và không thể hồi phục.
“Ngành y tế chỉ có thể hồi phục cho bệnh nhân đang nguy kịch, còn nếu đã tử vong thì không thể cứu được nữa, vấn đề tương tự cũng xảy ra với ngành kinh tế”, ông Tự Anh so sánh và khẳng định nếu không kịp cứu những doanh nghiệp đang “ngắc ngoải”, TP.HCM sẽ mất số lượng lớn doanh nghiệp nhiều năm mới xây dựng được.
TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng doanh nghiệp đã kiệt quệ và cần sớm được hồi phục. Ảnh: Phương Lâm. |
Với người dân, mức nghèo bình thường của thành phố là 10%, nhưng mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thống kê con số này đã lên tới 34% và còn tăng. Tuy nhiên, thống kê này chưa đầy đủ vì chưa tính tới nhóm lao động phi chính thức và lao động tự do, vốn có số lượng rất lớn.
Về ngân sách, TS Tự Anh dẫn lại lời của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc mới đây đánh giá nguồn dự phòng ngân sách Trung ương đã sử dụng gần hết và đang đề xuất chuyển 14.600 tỷ từ tiết kiệm chi cho chống dịch. Trong khi đó, TP.HCM từng đề nghị Trung ương hỗ trợ 28.000 tỷ.
Như vậy, con số 14.600 tỷ nêu trên cũng chỉ tương đương một nửa nhu cầu của TP.HCM. Chưa kể mới đây, TP còn đề xuất Trung ương hỗ trợ thêm 8.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy sự khó khăn trong cân đối ngân sách của TP và Trung ương hiện nay.
TP.HCM hiện cũng còn rất nhiều bệnh nhân mang các bệnh lý khác, không chỉ Covid-19. Ngoài ra, người dân đang chịu khủng hoảng về tinh thần, tâm lý…
Đứng từ góc độ của nền kinh tế, doanh nghiệp, ngân sách Nhà nước, chi phí xã hội, tinh thần, tâm lý, ông Tự Anh cho rằng chi phí quá lớn nên TP.HCM không thể không mở cửa.
TP.HCM nên mở cửa thế nào?
Nhìn từ lịch sử của loài người, bài học lớn nhất là thích nghi và tiến hóa. Do đó, TS Tự Anh nhận định TP.HCM phải học cách thích nghi an toàn với hoàn cảnh mới.
Thứ nhất, thành phố phải bảo vệ đối tượng rủi ro cao nhất. Thứ hai, thành phố phải đo lường được các diễn biến của dịch cũng như cập nhật liên tục tình trạng để có biện pháp ứng xử kịp thời.
“Ta phải có kịch bản ứng phó quản lý rủi ro, không phải mở ồ ạt mà phải biết tình huống thế nào, ứng phó ra sao để không bất ngờ, bỡ ngỡ. Ta bất ngờ quá nhiều rồi”, ông nói.
Về điều kiện mở cửa, đầu tiên là tiêm vaccine. Theo số liệu nghiên cứu của Anh, qua đánh giá hơn 51.200 ca tử vong thì tỷ lệ chết khi chưa tiêm mũi vaccine nào là 76%, tiêm 1 mũi là 22,8% và 2 mũi là 1,2%. Điều này cho thấy mức độ bảo vệ rất rõ ràng của vaccine.
Ông cho rằng TP.HCM nên đề nghị Trung ương tăng vaccine cho thành phố. Với năng lực tiêm hơn 300.000 mũi/ngày, chỉ khoảng một tháng, thành phố có thể phủ hoàn toàn 2 mũi vaccine cho người dân.
“Trung ương không giúp về người, về của mãi được, giúp quan trọng nhất, rẻ nhất là vaccine”, ông lý giải.
Chuyên gia cho rằng TP.HCM nên kiến nghị Trung ương phân bổ thêm vaccine cho thành phố. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ngoài ra, thành phố cần đặt ra các lớp phòng vệ khác nhau. Thứ nhất là từ mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức. Thứ hai là điều trị tại cơ sở.
Các đơn vị kinh doanh mở cửa phải có phương án dự phòng, quản lý rủi ro, thích nghi với điều kiện mới. Ví dụ, siêu thị nên thiết kế hoạt động theo một chiều, tức 1 chiều vào và 1 chiều ra.
Cuối cùng, ông cho rằng điều kiện quan trọng nhất là phải thay đổi quy định của Bộ Y tế về tiêu chí kiểm soát dịch (Quyết định 3979) và phân vùng nguy cơ (Quyết định 2868), nếu không thì sau khi mở cửa một thời gian sẽ phải đóng cửa ngay. Nguyên nhân là khi mở cửa, số ca nhiễm sẽ tăng và không đáp ứng điều kiện của Bộ Y tế, nghĩa là phải đóng cửa lại. Mở ra rồi đóng lại là “cách dễ nhất để giết doanh nghiệp”.
“Đó là điều kiện cần và xuất phát từ quan điểm, tư duy chống dịch. Nếu không thay đổi thì về sau sẽ có hệ lụy”, ông Vũ Thành Tự Anh nói.
Nguồn: News.zing.vn