Trong nhiều trường hợp, gia đình lại là nguồn cơn gây tác động tiêu cực tới một số người, thay vì trở thành bến đỗ bình yên nhất của họ.
Ngày 23/6, Britney Spears gây chấn động thế giới khi lần đầu tiên ra mặt nói về quyền giám hộ, nỗi đau tinh thần vì bị bố ruột là Jamie Spears kiểm soát, chi phối cuộc sống suốt 13 năm qua.
Thậm chí, cô bị gia đình ép mang vòng tránh thai, tước quyền làm mẹ, bị chẩn đoán tâm thần và phải thường xuyên dùng thuốc.
“Cơ thể quý giá này phải làm việc cho bố tôi suốt 13 năm. Tôi phải cố gắng trở nên thật giỏi giang. Ông chỉ quan tâm nếu tôi làm việc chăm chỉ. Và tòa án ngồi yên và cho phép điều đó. Công bằng ở đâu?”, cô nói với tòa thông qua phiên điều trần từ xa, theo Variety.
Britney Spears cho biết cô “sống như một nô lệ” dưới quyền bảo hộ của bố ruột. Ngay cả mẹ cô cũng không dang tay giúp đỡ cô. Ảnh: Splash News. |
Trong hầu hết trường hợp, gia đình thường là “thành trì cuối cùng” của mỗi người. Nhiều cá nhân lựa chọn quay trở về nhà để được người thân an ủi và hỗ trợ khi gặp phải tình thế khó khăn hoặc trở ngại quá sức.
Tuy nhiên, không phải ai cũng được may mắn như vậy. Tương tự nữ ca sĩ Britney Spears, mái ấm của một số người lại là nơi độc hại và thiếu an toàn nhất, ngay cả khi đó là bố mẹ họ.
Khi mái ấm là nguồn cơn độc hại
Những cụm từ như “gia đình độc hại” hay “bố mẹ độc hại” không phải một thuật ngữ y tế chuyên dụng hay khái niệm được xác định rõ ràng, theo Healthline.
Tuy nhiên, khi đề cập đến chúng, mọi người thường dễ dàng liên tưởng đến những ông bố, bà mẹ hoặc người nhà gây ra cảm giác tội lỗi, sợ hãi hoặc áp đặt lên nạn nhân.
Những hành vi độc hại này không xảy ra riêng lẻ, mà tạo thành một chuỗi và định hình cuộc sống nạn nhân theo hướng tiêu cực.
“Chúng xảy ra liên tục, là một phần của mô hình ngược đãi. Chúng không phải sự cố riêng lẻ”, Sharon Martin, nhân viên xã hội lâm sàng được cấp phép ở San Jose (bang California), khẳng định.
Thuật ngữ “bố mẹ độc hại” thường dùng để chỉ các bậc phụ huynh có một vài hoặc tất cả đặc điểm sau: coi bản thân là trung tâm; lạm dụng bằng lời nói hoặc hành vi; kiểm soát hoặc thao túng hành vi của con cái; và liên tục thúc ép, không có giới hạn.
Bố mẹ độc hại chỉ quan tâm đến nhu cầu của chính bản thân họ, hơn là để ý tới những hậu quả có thể xảy đến. Họ sẽ không xin lỗi hay thừa nhận lỗi sai của mình.
Trong khi đó, thuật ngữ “gia đình độc hại” mở rộng hành vi sai lệch của phụ huynh tới cả những thành viên khác như anh chị em, ông bà…
Họ thường gây ra nhiều căng thẳng vô nghĩa trong nhà bằng sự thao túng, lời chỉ trích, ghen tị và đẩy vấn đề lên cao trào, từ đó khiến nạn nhân kiệt quệ về mặt cảm xúc và cảm thấy tồi tệ về bản thân.
Theo nhiều nghiên cứu, hành vi của bố mẹ độc hại sẽ để lại di chứng lâu dài tới con cái. Ảnh: iStock. |
Sherrie Campbell, nhà tâm lý học ở bang California (Mỹ), cho biết đôi khi, một số người dành nhiều năm hy sinh sức khỏe tâm thần và tình cảm của mình trong các mối quan hệ lạm dụng chỉ với đối phương là người thân ruột thịt.
Bà khẳng định: “Sự thật là các thành viên trong gia đình cũng chỉ là con người và không phải lúc nào cũng tử tế, gây ảnh hưởng tốt đẹp. Rõ ràng, nếu họ không phải máu mủ ruột già gì, chẳng đời nào chúng ta chọn những người đối xử tệ bạc đó trở thành một phần cuộc sống của mình”.
‘Vật tế thần’ của gia đình
Hầu hết gia đình độc hại đều có một “vật tế thần” – người chịu trách nhiệm cho mọi vấn đề, theo nhà tâm lý học lâm sàng Paula Durlofsky.
Họ sử dụng nỗi sợ hãi, đe dọa, mỉa mai và thao túng làm cơ chế kiểm soát, góp phần gây ra tình trạng trầm cảm, lo lắng, lòng tự trọng thấp, lạm dụng chất kích thích… đối với nạn nhân.
Mối quan hệ anh chị em trong gia đình cũng có thể trở nên độc hại. Ảnh: Greatist. |
Stacey (43 tuổi), bệnh nhân trị liệu tâm lý của bác sĩ Durlofsky, là một nữ chuyên gia giỏi trong lĩnh vực làm việc của mình, đồng thời có mái ấm hạnh phúc với chồng và 3 nhóc tì.
Tuy nhiên, bất chấp những thành công trong sự nghiệp và cuộc sống cá nhân, cô luôn cảm thấy bị tẩy chay trong gia đình bố mẹ mình, đặc biệt bởi anh chị ruột của Stacey – những người công khai thù địch và chỉ trích cô.
“Anh chị của tôi không bao giờ tán dương hay ủng hộ bất cứ điều gì tích cực trong cuộc sống của tôi. Mọi lễ kỷ niệm và ngày lễ đều hoặc trở thành thảm họa, hoặc chỉ xoay quanh về họ”, cô chia sẻ.
Gia đình của Stacey luôn trong tình trạng căng thẳng, thù địch và xung đột. Cô cảm thấy bản thân là ‘vật tế thần’ trong gia đình. Thành tích cô đạt được luôn bị bố mẹ và anh chị coi thường, chế giễu, hạ thấp hoặc chỉ trích.
“Bố mẹ không bao giờ bảo vệ tôi trước những lời cay nghiệt và hành động gây tổn thương trắng trợn từ phía anh chị tôi. Thậm chí, họ thông đồng với nhau để chống lại tôi và giờ vẫn vậy”, Stacey nói thêm.
Cắt đứt khi cần thiết
“Cắt đứt mối quan hệ với các thành viên trong gia đình là một trong những quyết định khó khăn nhất mà chúng ta có thể phải đối mặt trong cuộc đời”, nhà tâm lý học Campbell nói.
Nhưng đôi khi, nạn nhân phải làm vì chính sức khỏe của chính bản thân.
Đối với những người đang cân nhắc rời xa gia đình hoặc bố mẹ độc hại, nhà tâm lý học Carlene MacMillan, người sáng lập kiêm Giám đốc phòng khám Brooklyn Minds Psychiatry (New York, Mỹ), khuyên rằng họ nên lắng nghe nhận định khách quan từ góc nhìn của một nhà trị liệu tâm lý, hoặc một người bạn đứng ngoài sự việc.
Cắt đứt mối quan hệ, rời đi nếu cần thiết là việc nên làm của nạn nhân sinh sống trong gia đình độc hại. Ảnh: Mantas Hesthaven/Unsplash. |
Có nhiều cách để cắt đứt liên lạc, tùy thuộc vào nạn nhân và không có cách nào là “đúng nhất”, theo nhà tâm lý học Juli Fraga tại San Francisco (bang California, Mỹ).
“Một số người đặt ra ranh giới, đồng thời nói rõ lý do cắt đứt với thành viên độc hại trong gia đình. Tuy nhiên, đối với họ hàng độc hại ở xa, chỉ gặp khoảng 1-2 lần/năm, họ có thể không chọn cách nói rõ ràng”, bà giải thích.
Ngoài ra, bà MacMillan khuyên nạn nhân nên nêu rõ ý định của mình đối với thành viên độc hại và đảm bảo rằng bản thân tuân thủ chặt chẽ những điều đó.
“Đừng bất ngờ hủy cuộc gọi từ các thành viên trong gia đình, thay vào đó hãy nói thẳng về cảm nhận của mình về mối quan hệ đôi bên. Một khi bạn đã đặt ra ranh giới mà họ không tôn trọng điều đó, cố gắng đừng để bị cuốn theo hành vi độc hại của họ”, nhà tâm lý học nói thêm.
Đó sẽ là lúc nạn nhân nên sử dụng các biện pháp như chặn số, tài khoản mạng xã hội hoặc đặt bộ lọc sao cho không nhìn thấy email của thành viên trong gia đình độc hại. Trong trường hợp cực đoan, nạn nhân có thể theo đuổi hành động pháp lý và tìm kiếm lệnh bảo vệ.
“Cuối cùng, hãy tập chấp nhận hiện thực và tập trung vào bản thân bạn. Ngủ đủ giấc, tập thể dục và ăn đủ bữa, sau đó làm những thứ lành mạnh mà bạn mong muốn, hơn là xé ảnh gia đình hoặc đăng tải lời gây hấn lên mạng xã hội”, bà MacMillan chia sẻ.
Nguồn: News.zing.vn