Đi du lịch, ăn chơi ở đâu chúng ta có thể bàn sau, nhưng chuyện đặt phòng homestay thì lúc nào cũng phải tính trước ở nhà bạn nhé!
Thay vì lựa chọn nhà nghỉ, khách sạn để lưu trú, người người, nhà nhà hiện nay đều dành sự quan tâm đặc biệt cho homestay. Cho những ai chưa hiểu rõ, homestay là một loại hình lưu trú mà người book phòng đa phần sẽ được ở chung với chính chủ nhân căn nhà đó, giúp khách lưu trú có cảm giác gần gũi như ở nhà mình. Đặc biệt, đa số homestay bây giờ đều chú trọng vào phần nhìn, đầu tư nhiều view sống ảo và rất được các du khách ưa thích.
Đối với nhiều tín đồ du lịch hiện tại, homestay đã không còn là cụm từ quá xa lạ! (Ảnh: @son.chans)
Tuy nhiên, câu chuyện một cô gái lên tiếng “bóc phốt” một homestay nổi đình nổi đám ở Đà Lạt gần đây nhanh chóng làm dậy sóng cộng đồng mạng. Bỏ ra 5,4 triệu để thuê căn homestay ở trong 3 ngày, gia đình nữ du khách cho biết họ vô cùng thất vọng vì căn nhà trông như “ổ chuột”, phải rời đi ngay dù mới chỉ ở 1 ngày, lại còn không được trả lại tiền cọc.
Tuy nhiên, liên hệ với phía homestay, đại diện ở đây đã lên tiếng cho biết một phần lỗi cũng là do khách hàng chưa cung cấp đầy đủ thông tin. Chính bản thân cô gái trong sự việc cũng đã phải thừa nhận rằng: “Và kết quả là phía công an không thể giải quyết việc tiền thuê mà mình đã bỏ ra vì đó là thỏa thuận giữa 2 bên, mình bị lừa là lỗi do mình“. Sự việc này làm dấy lên nhiều vấn đề đáng bàn cãi trong việc đặt phòng homestay của giới trẻ hiện nay.
Bài đăng trên trang cá nhân của cô gái tên H.N “bóc phốt” một homestay tại Đà Lạt nhanh chóng làm dậy sóng cộng đồng mạng – (Ảnh chụp màn hình)
Dưới đây chính là tất-tần-tật những kinh nghiệm quý báu để book homestay “như một vị thần”, đặc biệt khi đi du lịch Đà Lạt. Mọi người nhớ ghim kỹ nhé!
Tìm hiểu kĩ thông tin về homestay
Việc đầu tiên cần làm khi đặt chỗ ở chính là tìm hiểu kỹ thông tin. Trong câu chuyện drama kể trên, chủ homestay cho biết vào thời điểm khách đặt phòng, phía họ đã nhấn mạnh rằng “nhà chỉ phù hợp cho những bạn trẻ thích chill”. Tuy nhiên, do chưa hiểu rõ nên cô gái đã dắt theo cả gia đình, họ hàng tới và lâm vào hoàn cảnh oái ăm?
Đối với những bạn đi du lịch tự túc, việc lựa chọn một chỗ ở phù hợp giữa “cả rừng” homestay không phải là dễ dàng. Trong trường hợp này, các bạn nên lên fanpage chính thức của homestay để đọc hết những mô tả, giới thiệu về địa điểm, xem trước ảnh về không gian nơi đây xem có thích không, đặc biệt đừng quên xem cả những review về chất lượng dịch vụ của các du khách đã từng ở trước đó, vì đây mới là những ý kiến khách quan và dễ đánh giá nhất!
Trước khi quyết định đặt phòng của một homestay nào đó, các bạn nên tham khảo thật kỹ những hình ảnh, thông tin cũng như review từ những người đi trước cho chắc ăn nhé! (Ảnh: @son.chans)
Ngoài ra, một số thông tin quan trọng du khách cần hỏi kỹ và xác nhận với homestay (có thể qua hộp inbox hoặc trực tiếp gọi điện) trước khi quyết định chuyển khoản đặt phòng như: Giá cả, cách giữ phòng, vị trí/địa chỉ (có nằm ở dốc cao hay khu vực địa chỉ khó tìm không?), giờ check-in/check-out (đa số check-in và check-out đều vào buổi trưa), phí phụ thu check-in sớm/check-out muộn và ở thêm người (nếu có), việc hỗ trợ cho thuê xe máy, bãi giữ xe, mang theo thú cưng, khu vực tự nấu ăn, WC chung hay riêng, giờ mở cửa/đóng cửa, có bán đồ ăn, thức uống hay không?,…
Bên cạnh đó, hãy hỏi để được giải đáp tất cả những thắc mắc cơ bản của mình trước khi đi đến quyết định có chuyển khoản, đặt phòng hay không! (Ảnh: @jadorehomestay)
Muốn ở homestay, nên đặt phòng thật sớm
Đây là điều vô cùng quan trọng bên cạnh chuyện tham khảo thông tin, vì nếu chậm tay thì cũng còn phòng đâu mà hỏi đúng không? Nhiều bạn đánh giá thấp việc book phòng trước, nhưng phải nhấn mạnh rằng vào những mùa du lịch cao điểm như hiện tại, nhiều homestay ở Đà Lạt khuyến khích du khách phải đặt ít nhất trước 3 tuần thì may ra mới còn phòng! Thế nên, trước mỗi chuyến đi chơi xa, hãy liên hệ fanpage chỗ đó, báo ngày check-in/check-out cũng như số lượng người ở để homestay tiện sắp xếp cho bạn nhé!
Một trong những điều quan trọng nhất chính là phải liên hệ homestay sớm để đảm bảo còn phòng hay không bạn nhé! (Ảnh: @dennynguyen)
Homestay đẹp thường nằm ở xa trung tâm
Đa số các homestay có view đẹp thường nằm ở xa trung tâm tầm 2-3km. Vì cách xa thành phố nên những homestay này sẽ có khuôn viên rộng hơn, có khu vực sân vườn, không gian thoáng đãng và tầm view đồi núi “ảo diệu” hơn. Tùy vào 2 nhu cầu: thích sống ảo hoặc thích tiện lợi cho việc đi lại, tham quan mà các bạn nên lựa chọn homestay ở ngay trung tâm hoặc xa thành phố.
Nói vậy cũng không có nghĩa các homestay ở trong thành phố đều xấu đâu nhé! Do diện tích ít hơn nên đa phần homestay tại đây đều được thiết kế theo dạng nhà bình thường, không có sân rộng hay khu vực “chill phết” cho lắm, vì thế trông cũng chẳng khác khách sạn hay nhà nghỉ. Tính ra, được cái này thì mất cái kia bạn nhỉ?
Những homestay có view đẹp, hướng núi đồi như thế này thường không nằm gần trung tâm đâu nha! (Ảnh: @ninnie.00)
Nhiều homestay nằm trên đường dốc, ngõ hẹp, khó đi
Lại trong sự việc trên, nữ du khách tên H.N kể lại trên Facebook rằng để lên được đến căn nhà, cô và gia đình đã phải leo gần 100 bậc thang qua 1 con dốc nhỏ và hẹp. Cô cho biết con dốc này đối với người trẻ đã là một thử thách, huống chi là người già như bà ngoại và bác cô thì lại là “cực hình”.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, do đặc trưng của Đà Lạt là những con phố dài, hẹp và dốc nên cũng khó tránh khỏi điều đó! Ở thành phố sương mù có vô vàn căn homestay nằm tại dốc cao tương tự. Khi lựa chọn ở, mọi người nhớ hỏi rõ về vị trí của nó để tránh trường hợp đáng tiếc như cô bạn phía trên nhé!
Ở Đà Lạt, đa số homestay đều tọa lạc trên những con dốc cao, hẻm nhỏ. Chính vì thế, khi đặt phòng các bạn nhớ hỏi kỹ về vấn đề đi lại xem có thuận tiện cho mình không nhé! (Ảnh: @_imkio)
Không phải homestay nào cũng lung linh như trên ảnh
Trong câu chuyện của nữ du khách tên H.N, cô đăng đàn nhận xét: “Cái homestay mơ mộng mà mình nghĩ tới nó hoàn toàn khác xa với thực tại. Trước mắt mình là một căn nhà cấp bốn nhỏ hẹp, từng căn phòng sực lên mùi ẩm mốc vì lâu ngày không được sử dụng. Nó quá cũ so với những tấm hình mà admin gửi cho mình. Thế là 1tr8 là khoản tiền để trả cho một nơi tạm bợ, không khác gì những căn nhà ổ chuột được che giấu dưới lớp rèm và đồ trang trí. Không wifi, không internet, không có gì ngoài sự bất tiện”.
Nhiều người nhắn tin cho H.N chia sẻ về trải nghiệm không tốt tại homestay trong sự việc.
Nhìn hình giới thiệu trên fanpage hay xem một số ảnh sống ảo trên mạng xã hội, ai cũng đều bị “hớp hồn” bởi không gian thơ mộng, đẹp mê ly. Tuy nhiên “đời không như là mơ”, câu chuyện trên mạng – thực tế này có nói mãi cũng bằng thừa! Không phải tất cả homestay có hình xinh lung linh thì ngoài đời cũng đẹp! Để chắc chắn rằng chỗ mình ở có chất lượng tốt hay không, bạn nên tham khảo và đọc feedback/review, cũng như xem ảnh gốc được chính những du khách trước đó chụp lại để tránh bị sốc khi nhận phòng nhé!
Ảnh thực tế (trên) và trên mạng (dưới) của homestay mà H.N đã đặt trước.
Homestay tưởng giá rẻ nhưng không hề rẻ
Rất nhiều homestay (không riêng gì ở Đà Lạt) được quảng cáo có mức giá thuê phòng khá rẻ, trung bình cho một đêm chỉ rơi vào khoảng 70k – 100k. Tuy nhiên, hãy sáng suốt vì mức giá này chỉ dành cho dịch vụ lưu trú tập thể như phòng dorm, giường tầng mà thôi! Không có homestay nào với phòng riêng, có giường riêng, đầy đủ tiện nghi và view đẹp mà lại “rẻ bèo” thế đâu người ơi! Và một điều quan trọng nữa, thường những homestay đẹp, có view núi đồi hay nổi đình đám trên mạng sẽ chẳng có giá thấp đâu, đôi khi còn đắt hơn cả khách sạn ở trung tâm nữa đấy!
Tiền nào thì của đó, vì vậy tùy vào ngân sách của bản thân mà chọn homestay cho phù hợp nha mọi người! (Ảnh: @chiakiindalat)
Homestay thường sẽ không tiện nghi bằng khách sạn
Homestay tiện nghi, nhưng dĩ nhiên sẽ không thể bằng khách sạn hay nhà nghỉ, vì “tiền nào của đó” mà đúng không? Điều này thì chỉ những ai từng ở rồi mới hiểu, vì homestay tại Đà Lạt 99,99% sẽ không có máy lạnh và quạt, không bãi hay hầm giữ xe, một số chỗ còn phải dùng chung WC với người khác nữa! Tuy vậy, đa phần các homestay hiện nay đều đang cố đẩy mạnh dịch vụ của mình. Nhiều nơi vẫn kết hợp cho thuê xe máy, giặt ủi, bán đồ ăn thức uống, nói chung không thiếu thứ gì!
Đến ở homestay Đà Lạt, đừng dại hỏi tại sao không có máy lạnh kẻo lại nhận được ánh mắt “kỳ thị” của người ta bạn nhé! (Ảnh: @hpl)
Homestay không đảm bảo tính riêng tư bằng khách sạn
Đa phần các homestay hiện nay đều có phong cách thiết kế hướng cộng đồng, vì vốn cụm từ “homestay” mang ý nghĩa cho bạn cảm giác như được sống trong chính ngôi nhà của mình! Tại một số “ngôi nhà”, phòng không trang bị cửa cách âm, chẳng “kín cửa cao tường” như khách sạn bạn thường thấy. Chính vì vậy, hãy quen với điều đó đi!
Không phải là tất cả nhưng đa số các homestay hiện nay sẽ không đảm bảo sự riêng tư bằng loại hình khách sạn hay nhà nghỉ được. Chính vì vậy, hãy quen với điều đó đi! (Ảnh: @quangkhai)
Đi nhóm đông thì có ở homestay được không?
Đây cũng là một câu hỏi thường gặp, nhất là với những nhóm bạn trên 5 người đi cùng nhau. Đối với hình thức homestay, đa phần một phòng có giường bình thường tối đa cũng chỉ chứa được khoảng 5 người. Những nhóm bạn thân đi từ 6 người trở lên thường lựa chọn lưu trú tại phòng dorm (giường tầng).
Đối với dạng này sẽ tính tiền theo đầu người, giá cả mỗi người phải trả cho 1 giường dorm ở Đà Lạt hiện tại dao động trong khoảng từ 100k – 200k tùy homestay. Tuy nhiên, nhiều homestay không kinh doanh loại phòng này, hoặc có nhưng phòng cũng chỉ chứa tối đa 4 người. Các bạn đi theo nhóm đông nên tự lên kế hoạch và liên hệ trước nhé, hoặc cùng lắm thì ở tách nhau ra nhiều phòng cho thoải mái!
Đi du lịch theo nhóm đông trên 5-6 người thì hãy book phòng dorm để ở các bạn nhé! (Ảnh: @mailinh29)
Nguồn: KENH14.VN