Tuần học trực tuyến khó khăn của thầy, trò

0
57

Trong tuần học trực tuyến đầu tiên của trẻ em ở bậc tiểu học, phụ huynh và giáo viên đã phối hợp, thực hiện nhiều phương pháp khác nhau để giúp trẻ học tốt và hiệu quả hơn.

Bên cạnh con từ những buổi học đầu tiên, anh Phạm Hồng Hải (Hà Nội) hiểu rõ những khó khăn mà con gặp phải trong quá trình học trực tuyến. Hiện tại, con của anh Hải đã bắt nhịp được với hình thức này. Tuy nhiên, nam phụ huynh lo ngại vấn đề sức khỏe mắt của trẻ khi học máy tính trong thời gian dài.

“Mấy ngày đầu, ở lớp của con còn có các bạn ồn ào, nhưng sau khi cô hướng dẫn, học sinh trong lớp cũng quen dần với việc học online và có ý thức hơn. Tuần học đầu tiên cô trò chủ yếu làm quen, học nề nếp lớp”, anh Hải nói.

Vẫn gặp khó khăn về đường truyền

Hết tuần đầu tiên của học trực tuyến, anh Hải cho hay đường truyền vào buổi sáng không ổn định nên giáo viên và phụ huynh đã thống nhất chuyển sang dạy và học vào buổi chiều.

Mỗi ngày, con của anh Hải đều học 2 tiếng với cô giáo. Các môn phụ như Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, trẻ sẽ học qua video. Khi nào con học, anh Hải cũng dành thời gian để ở bên cạnh kèm cặp. Nam phụ huynh mua thêm các khóa học trên mạng để khi con có thời gian rảnh, có thể vừa học vừa chơi. Ngoài ra, anh Hải còn khuyến khích con tham gia các hoạt động khác như đếm số trái cây có ở trong vườn và nâng cao lên dần.

Nỗi lo lớn nhất của nam phụ huynh hiện tại là sức khỏe mắt của con khi việc học với máy tính có thể sẽ khiến trẻ bị cận sớm.

Mot tuan hoc online cua tre lop 1 anh 1

Khóa học trên mạng được anh Hải mua để con vui chơi giải lao sau giờ học. Ảnh: NVCC.

Để hạn chế những ảnh hưởng về mắt của con trong quá trình học trực tuyến, anh Đào Đức Tiến (Hà Nội) đã chuẩn bị máy chiếu cho con nhìn rõ chữ và nội dung giáo viên giảng dạy.

Sau 4 ngày học ở tuần đầu tiên, con của anh Tiến đã quen với hình thức học tập mới và thực hiện được các thao tác như tắt, mở mic, camera khi tham gia tiết học. Nam phụ huynh và vợ cũng thường xuyên kèm cặp con các môn Toán, Tiếng việt trong thời gian rảnh.

“Trẻ lớp 1 không được đi học, gặp thầy cô và bạn bè đã là thiệt thòi rồi, các con lại còn phải học trực tuyến. Hình thức học này đã gây khó khăn cho cả cô giáo và học sinh. Khi dạy, cô không biết được con có đang tập trung hay ngồi học đúng tư thế không. Về cơ bản, con của tôi đã tiếp thu được cách học này, tuy nhiên, tôi cũng lo lắng về việc con khó tập trung khi học”, anh Tiến nói.

Mot tuan hoc online cua tre lop 1 anh 2

Phòng học với máy chiếu của con anh Tiến. Ảnh: NVCC.

Giáo viên từ hoang mang đến thay đổi phương pháp

Chia sẻ với Zing, cô M.A., giáo viên dạy lớp 1 (TP.HCM) cho biết thời gian đầu khi tiếp nhận hình thức học trực tuyến cả giáo viên và học sinh đều bỡ ngỡ. Sau khi đưa ra các quy định trong tiết học, các bé đã đi vào nề nếp và có kỷ luật hơn.

“Khi nghe đến việc dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 1, bản thân giáo viên như tôi cũng cảm thấy hoang mang vì chưa bao giờ thực hiện hình thức dạy này. Tuy nhiên nếu mình có tâm lý như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến phụ huynh và cả học sinh, nên tất cả giáo viên đã lấy lại tinh thần, áp dụng nhiều phương pháp khác nhau để trẻ học hiệu quả hơn”, cô M.A. nói.

Trong tuần vừa rồi, nữ giáo viên đã thực hiện phương pháp dạy từ đơn giản để học sinh làm quen với nề nếp; sau đó, hướng dẫn trẻ các bài tập luyện cơ tay để viết chữ. Trước khi vào học, nữ giáo viên thường nhắn tin thông báo với phụ huynh thời gian bắt đầu và các bé cần chuẩn bị gì để bố mẹ sắp xếp công việc và hỗ trợ con.

Nếu học sinh mất tập trung, nữ giáo viên sẽ ngưng tiết dạy và tổ chức các hoạt động vận động tay chân hoặc cho trẻ mát xa mắt và khuyến khích bằng hình thức thưởng sao. Theo đó, học sinh được thưởng ngôi sao thì có thể đổi lấy một phần quà là nghỉ giải lao 5 phút trong lớp hoặc mặc trang phục yêu thích vào buổi học sau.

“Tôi cho rằng khi học trực tuyến, giáo viên cần mở lòng với trẻ, tạo không khí học tập như trên lớp, các em sẽ hứng thú”, cô M.A. chia sẻ.

Mot tuan hoc online cua tre lop 1 anh 3

Thẻ ngôi sao được cô Anh phát cho học sinh. Ảnh: NVCC.

Để việc dạy trực tuyến hiệu quả, thầy Nguyễn Hoàng Duy, giáo viên chủ nhiệm lớp 3B2, trường Tiểu học Tuệ Đức (TP.HCM) đã chia 21 học sinh trong lớp thành 2 nhóm nhỏ. Thời gian học của mỗi nhóm cũng khác nhau. Thay vì dạy một lớp với 20 tiết/tuần, hiện tại, thầy Duy phải dạy 40 tiết/2 nhóm.

Kết thúc một tuần học, thầy Duy đã gửi nhận xét về từng học sinh để phụ huynh nắm bắt thông tin, qua đó có cách phối hợp với giáo viên hỗ trợ con tốt hơn.

“Trẻ nhỏ không thể tập trung được lâu, vì vậy, hết một bài tôi sẽ cho học sinh giải lao với nguyên tắc là phải đi khỏi màn hình trong thời gian quy định, không được ngồi lại để tránh mệt mỏi. Ngoài ra tôi cũng thường gọi tên các em và hỏi bất chợt, cùng với đó là việc phát thưởng sao thi đua để tạo hứng khởi trong mỗi tiết học. Đối với tôi, để tạo hứng thú cho học sinh thì giáo viên cần phải hài hước một chút”, thầy Duy nói.

Dựa trên quan điểm này, khi dạy học, thầy Duy đã cô đọng các lý thuyết và chuyển bài tập sang hình thức trò chơi để học sinh tương tác và tập trung hơn.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn