“Săn đêm” là một tập tục lâu đời ở Bhutan cho phép đàn ông quan hệ tình dục với một cô gái bất kỳ. Tuy nhiên sau đó, người đàn ông có quyền không kết hôn, dẫn tới việc nhiều cô gái mang thai và bị bỏ rơi.
Trước đây, tục lệ “săn đêm” được gọi là Bomena, cho phép hai bên tán tỉnh nhau và người đàn ông sẽ qua đêm tại nhà cô gái.
Thông thường, cô gái sẽ để cửa mở cho người đàn ông tới và rời đi trước khi cả gia đình cô thức dậy. Tuy nhiên, nếu bị bắt thì người đàn ông có quyền lựa chọn kết hôn và chuyển tới nhà cô gái sống, hoặc rời đi mà không phải chịu bất kỳ hình phạt nào, kể cả lúc cô gái mang thai. Khi đó, cô gái sẽ tìm một người đàn ông khác chấp nhận cô và đứa con của mình.
Tục săn đêm ở Bhutan cho phép người đàn ông quan hệ với một cô gái bất kỳ. Ảnh: Readstuffwithme |
Lily Wangchuk, một nhà ngoại giao và Giám đốc điều hành Bhutan Media Foundation cho biết: “Khi tôi còn học trung học, các nam sinh đã tỏ ra rất thích thú với tục săn đêm. Nhiều cô gái đã mang thai và trong trường hợp đó, họ trả một ít tiền phạt, hoặc đồng ý kết hôn cùng cô gái”.
Những kẻ “săn đêm” thường tụ tập thành một nhóm, lựa chọn đối tượng và khi đêm xuống, họ sẽ tiến hành chuyến đi “săn”. Tất nhiên không phải ai cũng thành công. Đôi khi họ phán đoán nhầm vị trí hoặc gây ra tiếng ồn đánh thức gia chủ, buộc phải rút lui để thoát khỏi sự giận dữ của người cha.
Hiện nay, khi các phong trào nữ quyền ngày càng mạnh mẽ, tục “săn đêm” trở thành vấn đề gây tranh cãi xoay quanh việc nên tiếp tục hay loại bỏ nó. Câu trả lời là điều này chỉ được chấp nhận khi có sự thỏa thuận của cả hai bên. Tuy nhiên, xét dưới khía cạnh đạo đức, việc người đàn ông có quyền ruồng bỏ cô gái và đứa con của mình là điều không thể chấp nhận.
“Ngày càng có nhiều người đàn ông rời bỏ làng quê và chuyển tới các thị trấn lớn bởi các cô gái ở đây thường xinh đẹp hơn và người đàn ông có thể dựa vào tục lệ này để tìm kiếm một cuộc sống mới. Trong mối quan hệ, phụ nữ giống như một con mồi cho những cuộc săn chớp nhoáng”, một quan sát viên người Ấn Độ giấu tên cho hay.
Ngày càng có nhiều hoạt động chống lại tập tục gây tranh cãi này. Ảnh: Readstuffwithme |
Ugyen Tenzin, biên tập viên Bhutan Today, bổ sung: “Khoảng vài thập kỷ trước, thậm chí đã có hẳn một đường dây cung cấp thông tin những cô gái đẹp cho quan chức chính phủ đi săn. Tập tục này đã bị bóp méo trở thành một hình thức hối lộ các nhà cầm quyền. Tất cả diễn ra khá suôn sẻ và không có báo cáo nào về việc bị cưỡng bức hay bạo lực”.
Chimi Wangmo, Giám đốc điều hành của Renew, tổ chức thúc đẩy quyền phụ nữ ở Bhutan cho rằng cần phải có quan điểm mạnh mẽ hơn đối với vấn đề này: “Sự đồng thuận là một lằn ranh rất nhỏ. Các cô gái thường yếu ớt, không có sức phản kháng và e ngại nói ra sự thật. Những gì các cô phải chịu là có thai, bị ruồng bỏ và một trái tim tan vỡ”.
Trong nhiều trường hợp, nếu người đàn ông tử tế sẽ cho phép đứa trẻ lấy họ của mình. Khi đó, đứa bé có thể đến trường và hưởng những quyền công dân khác. Còn trường hợp không được thừa nhận, đứa bé sẽ phải sống như trẻ mồ côi. Vòng luẩn quẩn này cứ thế tiếp diễn kể từ thời điểm cô gái mang bầu.
Để chấm dứt thực trạng này, Renew xây dựng mạng lưới tiếp nhận yêu cầu được giúp đỡ của các cô gái, đồng thời cung cấp xét nghiệm DNA để xác định cha của đứa trẻ và tìm kiếm hỗ trợ về mặt pháp lý. Một vở kịch tên gọi Gawa do Renew sản xuất đã thể hiện đầy đủ các hậu quả tiêu cực đến từ tục “săn đêm”. Đây cũng đồng thời được xem như một sự khởi đầu mới trong chiến dịch xóa bỏ tập tục gây nhiều tranh cãi này.
Xem thêm: Tục ăn nho, mặc quần lót đỏ đón năm mới ở Tây Ban Nha
Hải Thu
Nguồn: Vnexpress.net