Sản xuất bông và những khó khăn khi tái chế túi tote khiến món đồ này không bền như nhiều người nghĩ.
Theo Independent, túi tote bằng vải cotton – từng được ca ngợi là giải pháp giảm thiểu ô nhiễm từ túi nilong sử dụng một lần – không thân thiện với môi trường như các thương hiệu tuyên bố do sản xuất quá mức.
Các chuyên gia về tái chế và bền vững ngành dệt cho biết, ngay cả khi những chiếc túi vải cotton được gửi đi tái chế, các logo và thông điệp in trên túi không thể làm mới lại và phải cắt ra khỏi vải. Điều này gây lãng phí ước tính 10-15% lượng vải cotton.
Nhiều người nghĩ rằng túi tote giúp bảo vệ môi trường vì thay thế được túi nilong. Ảnh: Wall Street Journal. |
Theo New York Times, việc tái chế các túi cotton thay thế nhựa với số lượng lớn tiêu tốn năng lượng gần bằng với việc sản xuất chúng từ đầu, ảnh hưởng nặng nề đến môi trường.
Sản xuất bông là quá trình sử dụng nhiều tài nguyên và cần lượng lớn nước để nuôi sợi. Theo Phòng thí nghiệm Thông tư, cần từ 10.000-20.000 lít nước để sản xuất một kg bông.
Nghiên cứu năm 2018 của Bộ Môi trường và Thực phẩm Đan Mạch cho thấy một chiếc túi đựng quần áo bằng cotton hữu cơ cần được sử dụng 20.000 lần trước khi tái chế để đáp ứng hiệu suất môi trường của túi nhựa thông thường.
Nghiên cứu cũng chỉ ra túi cotton hữu cơ kém hơn cotton thông thường về tác động môi trường tổng thể. Vì túi cotton thông thường chỉ cần tái sử dụng 7.000 lần để bù đắp tác động của sản xuất.
Túi tote có thể in được nhiều hình ảnh, logo và biểu tượng. Ảnh: Rev, CityWomen. |
Sự phát triển của túi tote như “biểu tượng bảo vệ môi trường” đã chứng kiến các thương hiệu nổi tiếng sản xuất chúng với số lượng lớn để đóng gói hàng.
Một số thương hiệu đang tìm kiếm những cách bền vững hơn để giảm tác động của túi tote đến môi trường. Nhiều công ty như Aesop sẽ chuyển đổi thành phần của túi thành hỗn hợp 60% cotton tái chế và 40% cotton hữu cơ vì điều này “giảm lượng nước từ 70-80%”.
Các thương hiệu khác, chẳng hạn Ally Capellino và Anya Hindmarch, đã thay bông cho các loại vải dệt ít sử dụng tài nguyên hơn như cây gai dầu và chai nước tái chế.
Nguồn: News.zing.vn