Tùng Dương sau 20 năm ở nhạc Việt

0
30

Hơn 20 năm làm nghề, Tùng Dương phát hành 7 album, tổ chức 10 live show và nhận nhiều giải thưởng uy tín. Nam ca sĩ đã đi một quãng đường mỹ mãn cùng âm nhạc.

Tung Duong anh 1

Live show Con đường âm nhạc kể lại quãng đường hoạt động chuyên nghiệp của Tùng Dương – từ cậu bé 7-8 tuổi bộc lộ tố chất âm nhạc qua phát hiện của nhạc sĩ Trần Tiến, cho đến một Tùng Dương chạm tới độ chín sự nghiệp ở tuổi 38.

Những con người hàng đầu trong giới âm nhạc đã cùng tạo sức cộng hưởng cho Tùng Dương tỏa sáng ở Con đường âm nhạc. Đó là nhạc sĩ Hồng Kiên trong vai trò giám đốc âm nhạc, tay trống Quốc Bình, kèn Trumpet Trung Đông hay nhóm bè VK.

Nam ca sĩ hát live 11 ca khúc, vẫn nhiệt huyết và tỏa sáng, dù không có khán giả. Live show gói gọn trong một tiếng rưỡi, nhưng đảm bảo yếu tố chất lượng, đầy cảm xúc và mang nhiều nét mới trong phong cách và giọng hát Tùng Dương.

Live show “chất”, căng đầy cảm xúc

Trong ký ức của nhạc sĩ Trần Tiến, Tùng Dương sinh ra để theo nghiệp ra sĩ. Một ngày, nhạc sĩ Trần Tiến gặp Tùng Dương ở làng quê nhỏ. Ông kể lại: “Lúc đó, tôi thấy có một cậu bé 7-8 tuổi gì đấy đang đứng trên giường hát cho bố mẹ và ông nghe”.

Tùng Dương được truyền cảm hứng âm nhạc từ ông trẻ của anh – cố nhạc sĩ Trần Hoàn. Anh bước vào vào Học viện Âm nhạc Quốc gia, học nhạc chuyên nghiệp từ hệ Trung cấp. Đến 2004, Tùng Dương tham gia Sao Mai điểm hẹn và đoạt 2/3 giải quan trọng nhất, trong đó có hạng mục Hội đồng Nghệ thuật bình chọn.

Trên sân khấu Con đường âm nhạc, Tùng Dương mở đầu bằng Ôi quê tôi, sáng tác của Lê Minh Sơn từng giúp anh gây ấn tượng mạnh ở Sao Mai điểm hẹn. Sau đó, nam ca sĩ tiếp nối bằng Quê nhà, Mưa bay tháp cổ, Mẹ tôi – loạt ca khúc nổi tiếng đi cùng năm tháng của Trần Tiến.

Tùng Dương đưa hơi thở Đồng bằng Bắc Bộ – với Mái đình làng biển (Nguyễn Cường), Chảy đi sông ơi (Phó Đức Phương) – vào live show. “Divo nhạc Việt” tiếp tục hát Giấc mơ trưa (Giáng Son) và “đi qua thung lũng” với Ngày chưa giông bão (Phan Mạnh Quỳnh) để thay đổi không khí sân khấu.

Đêm nhạc kết thúc với chùm ca khúc Mang thai (Sa Huỳnh), Trời và đất, Con cò (Lưu Hà An), đã đẩy cảm xúc của Con đường âm nhạc tới đỉnh điểm.

Vẫn là một Tùng Dương hát bằng chất giọng mà nhạc sĩ Nguyễn Cường nhận xét: “Tùng Dương hát hay, rất hay, rất rất hay”.

Từ khá lâu, độ “quái” của Tùng Dương trong Mưa bay tháp cổ mới tái hiện trên sân khấu. Lối hát của anh trong Ôi quê tôi, Quê tôi, Mẹ tôi cũng mang hơi thở mới về giọng hát ngày càng điêu luyện ở cách xử lý.

Tung Duong anh 6

Tùng Dương live tròn trịa, cảm xúc tất cả tiết mục. Ảnh: NVCC.

Một Tùng Dương dám làm

Nhạc sĩ Trần Tiến kể lại: “Có một ngày, một chàng trai trẻ đến xin tôi bài Quê nhà và nói ‘Con là Tùng Dương đây’. Con xin bài hát Quê nhà để đi thi tiếng hát truyền hình’. Quê nhà vốn là bài tự sự, không có đất để biểu diễn sân khấu, nhưng Tùng Dương vẫn cứ hát và thành công dữ dội”.

“Chàng trai trẻ đã lấy giải nhất tiếng hát truyền hình năm đó. Tùng Dương không diễn, mà để cho trái tim tự nức nở với khán giả. Nếu tôi và Tùng Dương không gặp nhau, khán giả cũng không biết bài Quê nhàMẹ tôi, mà tôi cất giấu hàng chục năm. Và sẽ chẳng ai biết có một chàng trai trẻ cá tính, bướng bỉnh, dám hát, lên sân khấu làm cho nhiều người rơi nước mắt”, nhạc sĩ Trần Tiến chia sẻ tiếp.

Tùng Dương nhấn mạnh: “Tôi thích chinh phục những ca khúc khó”. Và thực tế, sự nghiệp hơn 20 năm của nam ca sĩ gắn liền với hai chữ “dám”, và phần nào đó là “liều”. Cách Tùng Dương từng “lên đồng” trong màn biểu diễn Mưa bay tháp cổ ở Bài hát Việt chứng minh cho chuyện này.

Nam ca sĩ dám hát những ca khúc khó, thậm chí rất khó để chinh phục khán giả. Sự “dám” của Tùng Dương còn đến từ việc anh sẵn sàng chọn lối đi riêng, thậm chí khác người về phong cách và ăn mặc, dẫn tới hai luồng ý kiến hướng về nam ca sĩ.

Có người nhận định Tùng Dương khác biệt, lạ. Còn những khán giả không thích điều đó, sẽ cho là “quái dị”, “bất thường”.

Nhưng có một thực tế là Tùng Dương rất “độc” và chẳng đụng hàng ai. Khi Tùng Dương bước ra sân khấu, không thể lường trước anh sẽ mặc gì, và thần thái biểu diễn của nam ca sĩ sẽ “quái” đến cỡ nào.

“Độc đạo” nhưng không bảo thủ

Live show Con đường âm nhạc tái hiện đủ dấu mốc của Tùng Dương trong hơn 20 năm làm nhạc. Nhưng chỉ là một phần của rất nhiều ca khúc từng được thể hiện qua giọng hát Tùng Dương. Thiếu Chiếc khăn piêu là thiếu đi một mốc son khó quên của nam ca sĩ.

Thời gian chương trình không đủ để Tùng Dương đưa vào màu sắc của nhạc cách mạng, hoặc âm hưởng cổ điển, bán cổ điển – vốn là nền tảng của Tùng Dương từ thời học viện, trước khi phát triển thêm nhiều màu sắc âm nhạc trong chặng đường 20 năm qua.

Nhắc chi tiết đó để thấy, Tùng Dương là ca sĩ toàn mảng. Nhạc sĩ Nguyễn Cường quan niệm: “Ở rất nhiều thể loại, xuyên suốt chặng đường nền tân nhạc Việt, nơi nào Tùng Dương cũng đóng góp được những cái phần thú vị, xuất sắc”.

Ca sĩ Thanh Lam đánh giá: “Tùng Dương nỗ lực, nhiệt huyết và nghiêm khắc với mình. Cái khó nhất của một người nghệ sĩ là luôn nắm bắt thời khắc để tỏa sáng. Điều đó rất đặc biệt với Tùng Dương và cậu ấy luôn có trực giác rất tốt với nghề”.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho rằng đó là bản năng của người sáng tạo, là luôn chịu khó tìm cái mới, sáng tạo, lao động.

Tại Con đường âm nhạc, Tùng Dương lần đầu hát hit Giấc mơ trưa. Tiếp đó, nam ca sĩ lần thứ hai hát live bản cover Ngày chưa giông bão. Ca khúc Ngày chưa giông bão là điểm mới của Tùng Dương, bởi lần hiếm hoi anh cover nhạc trẻ. Nhưng bản performance video bất ngờ gây sốt, hút 9 triệu lượt xem sau ba tháng.

Tùng Dương như trẻ lại khi hát hit của một nhạc sĩ trẻ như Phan Mạnh Quỳnh. Anh thổ lộ giới trẻ có cái hay của họ, nhất là năng lượng, độ sáng tạo. Làm việc cùng cộng sự trẻ là cơ hội để Tùng Dương được truyền độ nhiệt huyết đó, và cảm thấy mình chưa già đi.

Gu âm nhạc hàn lâm, nặng tính học thuật của nam ca sĩ tạo cảm giác anh đã quá gạo cội của nhạc Việt. Nhưng thực tế, Tùng Dương mới 38 tuổi.

Bản cover Ngày chưa giông bão đưa Tùng Dương bước qua ranh giới giữa nhạc hàn lâm và nhạc thị trường. Anh giải thích: “Tùng Dương vẫn luôn là con đường độc đạo. Nhưng độc đạo không có nghĩa là bảo thủ, chỉ biết bản thân mình và độc chiêu. Dương nghĩ các bạn trẻ rất giỏi, và muốn giao lưu với thế hệ đó. Nhưng Tùng Dương sẽ hát theo cách của mình và vẫn là lối đi độc đạo”.

Trả lời Zing, Tùng Dương nhấn mạnh: “Sự bảo thủ trong âm nhạc sẽ khiến bản thân bị bỏ lại và lạc hậu. Trong năm 2022, Tùng Dương sẽ phát hành album với màu sắc âm nhạc gần gũi khán giả trẻ hơn. Đã đến lúc Tùng Dương tạo ra thứ gì đó mới mẻ và cho mình cảm giác trẻ lại cùng âm nhạc!”.

Tung Duong anh 10

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn