Ling Dong bị bắt cóc từ năm 4 tuổi để bán cho những gia đình hiếm muộn. Đến ngày được tìm về, anh đau khổ khi cha mẹ đều đã qua đời.
Mùa thu năm 1999, Ling Dong (24 tuổi) bị bắt cóc từ Thượng Hải (Trung Quốc) trong một phút lơ là của bà nội. Anh chỉ nhớ mình được một người đàn ông đưa tới Quảng Tây, ban đầu di chuyển bằng tàu hỏa, sau đó đi thuyền và cuối cùng người đó cõng anh vào núi.
“Đến nơi, ‘bố mẹ’ đang đợi tôi. Ở đó có những con sông nhỏ, núi đồi, cây cối và gà vịt. Ở quê gốc không có những thứ đó nên tôi vừa sợ vừa tò mò”, Ling kể trong bài viết trên tài khoản cá nhân của mình.
Một lần, Ling làm vỡ chiếc bình, mẹ nuôi đã mắng anh là phiền phức và không muốn nuôi anh nữa. Vài tháng sau, họ sinh được một đứa con và trao Ling cho gia đình hiện tại.
Ling Dong bị bắt cóc từ năm 4 tuổi. |
Mùa đông năm đó, anh chuyển sang nhà mới. Cha mẹ nuôi mới bắt Ling làm những công việc trong nhà và nấu ăn. Một lần, cậu lén bỏ quả trứng vào nồi cơm sắp chín. Cha nuôi đã phạt Ling không được ăn bữa cơm đó và bắt anh ngủ ở chuồng lợn suốt đêm.
Chị gái nuôi lén chuẩn bị một phần cơm và đưa cho Ling, dặn thêm rằng: “Em trai, ăn cái này đi. Đêm sẽ chóng qua thôi, đừng sợ. Đừng ăn trứng, chúng là để bán”.
Chị gái nuôi đã bảo vệ Ling suốt thời thơ ấu, mua bánh quy và tâm sự với anh. Đôi khi, anh thấy thương cha mẹ nuôi, nghĩ rằng họ đã kiệt sức vì phải làm việc đồng áng.
Thất lạc
Mùa hè năm lớp 2, Ling trốn học đi bơi ở một cái ao và bị cha nuôi phát hiện. Ông tức giận vì con làm trò nguy hiểm, lột hết quần áo của cậu và la mắng.
Vì xấu hổ, Ling ngâm mình trong nước để người đi qua không thấy bộ dạng trần truồng của mình. Ngồi trong nước lâu, tay chân anh yếu dần. Đến tối, Ling bắt đầu khóc.
“Lúc đó, tôi rất hận cha mẹ đẻ, nghĩ rằng họ đã bỏ rơi để tôi phải khổ sở như vậy. Đó là lần đầu tiên tôi nghĩ đến việc tự tử. Nhưng không đủ can đảm, tôi đành về nhà xin lỗi cha mẹ nuôi”.
Cha mẹ nuôi cũng nói rằng cha mẹ đẻ không muốn nuôi anh, và Ling tin vào điều đó, sợ một ngày nào đó gia đình hiện tại cũng sẽ đuổi mình đi.
Đến năm lên 8, anh đã có thể nấu nhiều món, biết rửa bát, giặt quần áo, cho gà vịt ăn và cắt cỏ cho bò. Ling biết nhìn nét mặt cha mẹ để cư xử và biết khi nào họ khó chịu.
Đến lớp 5, Ling bỏ học và đi chăn bò. Mỗi khi cảm thấy tồi tệ, anh trốn lên một ngôi mộ trên lưng núi, bí mật viết nhật ký và giãi bày nỗi nhớ mẹ ruột. “Tôi tôn kính mẹ đẻ của mình. Dù ghét bà ấy nhưng cũng rất nhớ. Tôi nghĩ chắc mẹ phải đẹp lắm, và tự hỏi liệu mình có điểm nào giống bà ấy không”.
Ngôi nhà Ling tự dựng sau núi. |
15 tuổi, Ling bắt đầu cùng một người đàn ông trong làng chuyển gạch, chở cát, giã xi măng. Khoảng 6 tháng sau, thấy anh chăm chỉ, ông ấy cho anh học thêm lái máy xúc để sau này có nghề.
Những ngày làm việc, Ling thấy tự do khi rời khỏi nhà, được trả lương và ăn những gì mình muốn.
“Đôi khi tôi cay đắng nghĩ về cha mẹ ruột, không có họ thì tôi vẫn trưởng thành. Nhưng đồng nghiệp tôi được cha mẹ gọi điện hỏi han và gửi đồ ăn cho. Còn cha mẹ nuôi chỉ gọi cho tôi vào ngày lĩnh lương, nhắc gửi tiền về. Tôi chỉ giữ lại phần nhỏ, còn lại gửi hết cho họ”.
Khi 18 tuổi, Ling dựng cho mình một ngôi nhà đơn sơ ở phía sau núi. Anh thường ngồi trong đó thật lâu, tưởng tượng rằng mọi thứ có thể thay đổi theo chiều hướng tốt hơn và mình không thua kém những người khác.
Một lần, Ling Dong vô tình xem được chương trình “Waiting for Me” trên đài CCTV, trong đó người phụ nữ tên Zhang Xuexia đang tìm kiếm con mình. Chồng bà đã tự tử, câu cuối cùng ông nói là: “Tôi chỉ muốn con trai mình”.
“Tôi bắt đầu tự hỏi có phải mình bị bắt không. Nhưng ý nghĩ ấy nhanh chóng lướt qua, tôi tin mình bị bỏ rơi như dân làng hay nói. Họ bảo cha mẹ nuôi đã chăm sóc tôi, tôi nên tốt với họ”.
Khi xem một buổi phát trực tiếp của Tang Weihua, một người phụ nữ có con trai bị bắt cóc, Ling đã rơi vào trạng thái tồi tệ nhất của cuộc đời. Anh sợ rằng mình thực sự đã bị bỏ rơi và bố mẹ tôi đã không bao giờ tìm kiếm anh nữa.
Nhờ sự kết nối của quản trị viên, Ling đã kết nối và trò chuyện với Tang. Cô ấy kiên nhẫn an ủi và khuyên anh nên đi lấy mẫu máu xét nghiệm để tìm cha mẹ đẻ.
Ling đi lấy mẫu máu. Nhưng anh lo lắng cho bố mẹ nuôi của mình, sợ họ sẽ cảm thấy tồi tệ và rạn nứt sẽ nảy sinh nếu họ biết chuyện. Anh cũng sợ dân làng phát hiện ra và mắng chửi mình là kẻ vô ơn.
Đoàn tụ
ADN của Ling được ghép thành công với một cặp vợ chồng bị mất con ở Chiết Giang, tỉnh phía nam Thượng Hải.
Tuy nhiên, sau đó Ling không đi gặp gia đình thật sự vì căm ghét khi nhớ lại việc bà nội đã để lạc mất mình. Chính quyền và các tình nguyện viên đã khuyên anh nên đoàn tụ với gia đình ruột thịt nhưng Ling vẫn cự tuyệt.
Bà nội anh đã đi xe từ Chiết Giang tới Quảng Tây nhưng Ling từ chối gặp. Sau vài ngày, anh bình tĩnh lại và đồng ý gặp, nhưng trong lòng lại nghĩ cách đuổi bà nội đi để trở về cuộc sống bình thường.
Tại buổi gặp gỡ, bà nội không kìm được nước mắt và ôm Ling vào lòng. Bà kể cha mẹ anh đã rất đau lòng và tìm kiếm anh. Mẹ Ling qua đời không lâu sau khi anh bị bắt cóc. Còn cha ruột của anh mất ít tháng trước khi cuộc đoàn tụ diễn ra.
“Khi nghe tin, tất cả gánh nặng chồng chất trong tôi như sụp đổ. Tôi ngồi bệt xuống sàn và không cho ai đến gần mình. Sau bữa tối, tôi đến Chiết Giang với chú và bà của mình. Cả quãng đường, tôi không nói một lời.
Về đến quê, bà con ra đón, đánh chiêng trống, đốt pháo. Mọi người đến sờ tay, xoa đầu, kiểm tra các đặc điểm của tôi để xác nhận. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy bộ quần áo và chiếc bàn chải đánh răng của mình khi còn nhỏ”.
Những món ăn bà nội nấu cho Ling Dong khi anh về nhà. |
Ling còn có một em gái được bà chăm sóc. Khi anh về, bà và em luôn bên cạnh, dù họ không khóc nhưng anh cảm nhận được sự xúc động từ họ. Những thành viên trong gia đình này mới là những người thân thiết nhất của anh, mỗi hành động của họ khiến anh cảm nhận được sự ấm áp mà chưa từng bắt gặp ở gia đình cha mẹ nuôi.
Bà nội nấu cho anh bữa ăn đầu tiên ở nhà, chuẩn bị cho anh nhiều đặc sản. Dù hơi khó chịu nhưng anh cảm động trước tình yêu của họ từ nơi sâu thẳm nhất của trái tim mình.
Đêm đó, bà nội kê sô pha để nằm canh cho Ling ngủ, sợ anh một lần nữa bị bắt đi. Khi anh ngủ, bà ngồi vá lại vết rách trên quần jeans của cháu.
“Bà đã trải qua những ngày tháng khó khăn từ khi tôi bị bắt đi. Bà nói không thể chết trước khi tìm được tôi về”.
Từ ngày Ling bị bắt cóc, gia đình không tổ chức cúng tổ tiên nữa vì xấu hổ khi để lạc mất người nối dõi. Ngày đoàn tụ, bài vị tổ tiên được cất giữ sau 21 năm được đưa ra gian nhà chính, Ling thành kính cúi đầu. Sau đó, anh cũng đi dâng hương lên mộ cha mẹ.
Anh cảm thấy tội lỗi khi đã nghĩ oan cho cha mẹ mình suốt 21 năm. Anh ước rằng giá như chịu đi lấy mẫu máu sớm hơn, cha anh đã có thể gặp con trai trước lúc qua đời.
Về phía gia đình cha mẹ nuôi, họ gây áp lực và bắt Ling Dong quay trở lại ngay lập tức. Anh cố gắng cân bằng tình cảm giữa hai bên gia đình, hứa phụng dưỡng bà nội và về thăm gia đình cha mẹ nuôi.
Năm 2020, bà nội muốn cháu trai về đón Giao thừa. Ling đã đến Chiết Giang đón năm mới cùng bà, em gái và chú. 2h sáng, anh lái xe đi Quảng Tây để kịp gặp gia đình cha mẹ nuôi vào buổi chiều.
Ling thường nhắn tin vào WeChat của cha ruột đã mất để nói cho ông biết anh nghĩ gì.
“Ngày mai là tròn một năm ngày cha rời xa chúng con. Dù không gặp nhau trong một thời gian dài như vậy nhưng chúng ta sẽ không bao giờ quên được nhau, phải không cha. Giờ con đã về nhà. Cha hãy yên tâm, con sẽ chăm sóc em gái như một nàng công chúa, sẽ xây ngôi nhà mới đẹp hơn”.
Nguồn: News.zing.vn