Các nhà khoa học đang tìm kiếm phương thức chủng ngừa cho cơ thể mà không cần xilanh. Nếu thành công, họ có thể giải bài toán kho lạnh trong công tác tiêm chủng tại các nước nghèo.
Trên thế giới hiện có hơn 10 loại vaccine được sử dụng trong cuộc chiến chống Covid-19 cùng hàng chục loại khác đang được phát triển, theo New York Times. Điểm chung của tất cả những vaccine này là chúng cần được đưa vào cơ thể qua kim tiêm.
Trong khi Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc trong một sớm một chiều, một số hãng dược đã và đang khám phá những loại vaccine thế hệ mới có thể được lưu trữ dưới dạng viên nang dễ nuốt, viên nén tan mau trong miệng, hoặc ở dưới dạng hít.
Những nỗ lực trên vẫn ở trong giai đoạn đầu và luôn tồn tại nguy cơ thất bại. Nhưng nếu thành công, vaccine công nghệ mới có thể đóng vai trò then chốt giúp chấm dứt đại dịch. Khi đó, thế giới sẽ có những loại vaccine không còn cần được giữ lạnh và có thể được dùng mà không cần nhân viên y tế.
Những loại vaccine ấy có thể giảm gánh nặng hậu cần cho nước thu nhập thấp và trung bình, đồng thời có khả năng tăng tỷ lệ tiêm chủng tại quốc gia giàu – nơi tâm lý sợ kim tiêm là một trong những rào cản dẫn tới việc do dự chích ngừa.
Vaccine dạng uống hoặc xịt có thể thuyết phục người sợ kim tiêm chủng ngừa Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Vaccine dạng viên có thể được gửi qua thư
“Để cho rõ ràng thì vaccine (Covid-19) của chúng tôi trông như thế này đây”, tiến sĩ Sean Tucker, giám đốc nghiên cứu khoa học của hãng công nghệ sinh học Vaxart (Mỹ) nói với Strait Times trong cuộc phỏng vấn cuối tháng 7.
Trên tay tiến sĩ Tucker không phải lọ dung dịch tiêm như các loại vaccine ngừa Covid-19 khác trên thế giới mà là một viên thuốc dạng nén trong vỉ.
“Bạn có thể gửi nó qua thư, thiết bị không người lái, hoặc thả từ trên trời xuống. Người dùng không cần được đào tạo hoặc cần nhân viên y tế để sử dụng vaccine, cũng như không cần chuỗi bảo quản lạnh”, ông Tucker nói.
Theo Strait Times, ứng viên vaccine dạng viên nén của Vaxart hồi tháng 5 đã báo cáo kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 đáng khích lệ và đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn 2.
Nếu mọi thứ tiến triển tốt, Vaxart hy vọng có thể xin cấp phép phê duyệt khẩn cấp vào một năm sau.
Một vỉ chứa vaccine ngừa Covid-19 dạng viên của hãng Vaxart. Ảnh: Vaxart. |
Như tiến sĩ Tucker nói, ưu điểm của vaccine ngừa Covid-19 dạng viên là việc vận chuyển. Các loại vaccine hiện tại thường phải được trữ lạnh để giữ độ hiệu quả. Vaccine AstraZeneca phải được giữ ở nhiệt độ 2-8 độ C, trong khi vaccine Pfizer cần được bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C.
Điều này đặt ra thách thức lớn đối với quốc gia thu nhập thấp và trung bình – nơi có tới 59% cơ sở chăm sóc y tế thiếu nguồn điện ổn định để vận hành các thiết bị lưu trữ lạnh, theo một nghiên cứu năm 2018.
Vaxart là một trong số ít công ty trên thế giới đang theo đuổi ý tưởng vaccine dạng uống.
Theo AFP, tuy có nhiều ưu điểm trên lý thuyết, số lượng vaccine dạng uống tới nay còn hạn chế vì thành phần hoạt tính được sử dụng thường không thể sống sót khi đi qua dạ dày.
Nhưng Oramed, một hãng dược của Israel, tin rằng mình đã vượt qua khó khăn trên phương diện kỹ thuật, bằng việc thiết kế dạng bao nang có thể sống sót trong môi trường có tính axit trong ruột.
Để tạo phản ứng miễn dịch, các nhà khoa học của Oramed thiết kế những hạt nhân tạo tương tự virus corona. Những hạt này bắt chước 3 cấu trúc chính của mầm bệnh: Protein gai, màng bọc virus, và protein màng.
Đa số vaccine được phê duyệt hiện tại như Pfizer hoặc AstraZeneca được thiết kế chỉ dựa vào protein gai nên hiệu quả bảo vệ sẽ giảm dần theo thời gian, do protein gai của virus corona đột biến.
Vaccine Pfizer cần được vào cơ thể qua cơ chế tiêm. Ảnh: Reuters. |
Bằng cách nhắm tới nhiều phần của virus, trong đó có cấu trúc ít đột biến, ứng viên vaccine của Oramed có thể chống được biến chủng, CEO Oramed Nadav Kidron nói với AFP.
Tháng 3, Oramed thông báo kết quả thử nghiệm tiền lâm sàng trên heo. Theo đó, sau khi sử dụng ứng viên vaccine của Oramed, những con vật trong thử nghiệm đã sản sinh lượng kháng thể tương tự mức sau tiêm chủng.
Oramed đã xin cấp phép bắt đầu thử nghiệm lâm sàng ở nhiều quốc gia. Thử nghiệm lâm sàng đầu tiên dự kiến bắt đầu tại Israel trên 24 người chưa tiêm chủng trong tháng 8, ngay sau khi được Bộ Y tế Israel cho phép.
“Thử tưởng tượng mà xem, vaccine cúm tới tay bạn qua thư, bạn chỉ việc uống vào là xong”, ông Kidron nói.
Chủng ngừa qua mũi có khả năng tốt hơn tiêm
Bên cạnh dạng uống, phương thức đưa vaccine vào cơ thể qua đường hô hấp cũng đang được nghiên cứu.
Theo South China Morning Post, trong số hơn 100 loại vaccine ngừa Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng và có báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới, 8 loại là vaccine đường mũi.
Một ứng viên vaccine có triển vọng thuộc dạng này là phiên bản hít khí dung của vaccine Ad5-nCoV thuộc hãng CanSino Bilogics (Trung Quốc). Vaccine Ad5-nCoV dạng tiêm đã được phê duyệt sử dụng để ngừa Covid-19 tại Trung Quốc, Pakistan, và Mexico.
Vaccine dạng hít của CanSino được lên sóng truyền hình Trung Quốc. Ảnh: CCTV. |
Tuần trước, hãng CanSino công bố kết quả ban đầu trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 đối với vaccine Ad5-nCoV dạng hít. Kết quả cho thấy phiên bản vaccine dạng hít tạo phản ứng miễn dịch mà không có tác dụng phụ nghiêm trọng.
Cụ thể, hai liều vaccine Ad5-nCoV dạng hít cách nhau 28 ngày đã tạo ra mức kháng thể trung hòa tương đương một mũi tiêm Ad5-nCoV. Một liều vaccine Ad5-nCoV dạng hít có liều lượng bằng 20% một mũi tiêm.
Một phần trong số 130 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm còn được tiêm một liều Ad5-nCoV rồi được hít một liều vào 28 ngày sau. Nhóm này cũng cho phản ứng kháng thể trung hòa mạnh, theo nghiên cứu.
“Tổng kết, quá trình hít khí dung của Ad5-nCoV không gây đau đớn, đơn giản, và sinh miễn dịch”, các nhà khoa học viết trong nghiên cứu được đăng tải ngày 2/8 trên tạp chí The Lancet Infectious Diseases.
Nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 2 đối với phiên bản dạng hít của vaccine Ad5-nCoV đang tiếp diễn, CanSino ngày 28/7 trả lời Thời báo Hoàn Cầu.
CanSino là một hãng vaccine của Trung Quốc được thành lập từ năm 2009 tại Thiên Tân. Ảnh: Reuters. |
Ngoài CanSino, một số hãng dược và nhóm nghiên cứu khác cũng đang theo đuổi vaccine dạng khí, bao gồm Đại học Hong Kong, Đại học Oxford, và hãng dược Codagenix (Mỹ)…
Nếu những loại vaccine này được ra thị trường, các nhà dịch tễ học cho rằng chúng có thể đem lại hiệu quả bảo vệ tốt hơn trước Covid-19.
“Nếu muốn phản ứng miễn dịch lâu dài và bền vững, bạn cần chủng ngừa cục bộ”, José Ordovas-Montanes, một nhà dịch tễ học thuộc Đại học Harvard, cho biết.
Ông Ordovas-Montanes cho rằng khi tiêm chủng ở tay, chúng ta đang tạo miễn dịch ở quy mô toàn cơ thể, với các kháng thể và tế bào T (tế bào bảo vệ cơ thể trước mầm bệnh và tế bào ung thư) tự phân bổ quanh các mạch máu.
Theo ông Ordovas-Montanes, tuy có vẻ hiệu quả, cách tiếp cận này “chưa tối ưu” vì tế bào miễn dịch bị “phân tán” và không tập trung vào địa điểm nơi virus xâm nhập cơ thể.
Ngược lại, chủng ngừa qua mũi sẽ tạo ra cú hích cho miễn dịch ở đường hô hấp trên và có thể là ở phổi, từ đó tạo ra phản ứng kháng thể và tế bào T ở cục bộ. Điều này tạo điều kiện cho tế bào miễn dịch ngăn chặn và tiêu diệt mầm bệnh ngay tại nơi xâm nhập.
Nguồn: News.zing.vn