Tượng trên đảo Phục Sinh

0
181

Chúng ta khó có thể biết tại sao những cư dân trên hòn đảo vốn hoàn toàn xa lạ với sức mạnh của máy móc này lại có khả năng dựng thẳng những pho tượng như thế, và lại còn đặt những tảng đá hình trụ lên đầu tượng nữa.

a

Tượng trên đảo Phục Sinh quay lưng ra biển.

Rải rác quanh bờ biển của đảo Phục Sinh, trên các tấm móng bằng đá đặt quay lưng ra hướng Thái Bình Dương xanh thẫm, một hàng tượng có vẻ dữ tợn một thời đứng sừng sững, với gương mặt thô kệch tạc ra từ loại đá tuff rất cứng tạo từ tro núi lửa, đôi mắt mở trừng trừng được khảm màu trắng, đỏ. Câu hỏi thế nào và tại sao những tảng đá nguyên khối như thế được tạc và dựng lên đã khiến các du khách và giới khảo cổ phương Tây từ thế kỷ 18 hao tốn bao công sức và trí tưởng tượng.

Đảo Phục Sinh, tên gọi bản xứ là Rapa Nui, là một chấm nhỏ có người ở xa xôi nhất trên bề mặt trái đất. Vùng đất này có hình tam giác, cạnh dài nhất chỉ có 22 km, chiều rộng 16 km. Đảo Phục Sinh cách hòn đảo có người ở gần nhất, là đảo Picairn 2.250 km, và cách bờ biển Nam Mỹ 3.747 km. Xa xôi như thế nên chỉ khi có tàu thuyền hiện đại qua đây, người ta mới phát hiện kỳ quan này.

Tuy nhiên, giới thuỷ thủ Polynesia dũng cảm đã chiếm các đảo rải rác trên Thái Bình Dương làm thuộc địa. Họ đến Rapa Nui từ năm 450 đến 690, dân số phát triển thịnh vượng trong khi hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài trong 1.000 năm.

Hơn 1.000 bức tượng

â

Những bức tượng này rất sống động.

Tượng trên đảo Phục Sinh (còn gọi là moai) dễ nhận biết vì hình dáng và kiểu cách đặc biệt. Tượng chỉ có phần đầu và thân trên, đến một phần dưới thắt lưng, không nhìn thấy chân. Cũng có vai và cánh tay, nhưng cẳng tay đơn thuần là các tác phẩm chạm nổi đặt chéo qua phía trước bụng, bên dưới rốn. Ngón tay thẳng, hướng về một hình chữ nhật hay bầu dục có thể được hiểu là khố. Đôi lúc lưng tượng cũng tạc bằng tác phẩm chạm nổi thấp, với nhiều đường thẳng, cong và xoắn ốc tượng trưng cho các hoạ tiết hình xăm biểu thị địa vị xã hội. Thực tế không hề có hai tượng giống hệt nhau, điều này đặt giả thuyết rằng, đây có thể là chân dung của cá nhân, các bậc huynh trưởng trong bộ tộc. Phần chạm khắc sinh động nhất là phần đầu: miệng, mũi, cằm nhô ra, và hai đường chân mày lồi. Phần ót nhìn chung dẹt, nhưng đôi tai thon dài nổi bật ở cả hai bên.

Về kích thước, tượng trên đảo Phục Sinh là số tượng người lớn nhất xưa nay từng tạc, chiều cao thay đổi từ 2 m đến 10 m. Ban đầu, tượng được đặt lên các tấm móng hành lễ (hiện còn khoảng 250-300 tấm), còn gọi là ahu, vòng quanh bờ biển của đảo, tượng lớn nhất đặt thành công là tượng Paro nặng 82 tấn. Lớn nhất trong tất cả các tượng, đặt tên thật thích hợp ElGigante (Người khổng lồ) dài 20 m, nặng khoảng 270 tấn, vẫn còn bỏ lại tại mỏ đá Rano Raraku quarry. Mỏ đá này còn 394 tượng bỏ phế.

Mỏ Đá

Có hàng trăm tượng cổ trên đảo, phần lớn tạc ra từ đá tuff luyện từ núi lửa rỗng ở mỏ đá Rano Raraku. Miệng núi lửa đã tắt. Đá rano raraku thích hợp cho việc tạc tượng, mặc dù một số ít tạc từ đá bazan hay san hô đỏ. Địa điểm mỏ đá vẫn còn bề bộn với nhiều tượng dang dở bỏ phế. Xung quanh chúng là hàng nghìn cuốc chim bazan, loại công cụ bằng đá cứng dùng để cắt đá và chạm trổ theo hình dáng. Bên dưới bề mặt bị phong hoá rất rắn, đá vẫn tương đối dễ tạc, mặc dù đá sẽ cứng hơn khi bị phơi sáng. Cuốc chim bazan là công cụ hữu dụng. Đổ nước vào đá rỗng có thể làm đá mềm, dễ cắt hơn. Thế nhưng, không có tiện ích của công cụ kim loại, việc tạc tượng chắc chắn mất nhiều công sức. Ước tính cho thấy, tượng Paro nổi tiếng có lẽ cần một nhóm từ 10 hay 20 thợ khắc và mất đến 12 tháng mới hoàn tất. Trước hết tạc khuôn mặt, rồi chạm trổ, chừa lại một sống đá để giữ tượng với vỉa đá bên dưới. Nét mặt và đầu hoàn thiện ngay tại chỗ trong mỏ đá, chỉ chừa đôi mắt để hoàn tất sau này.

Vận chuyển tượng

Khi tượng đã hoàn tất, người ta tách tượng ra khỏi tảng đá và hạ thấp dây thừng, thả tượng trượt theo đường dốc nghiêng trong mỏ. Phần sống lưng bức tượng chạy dọc theo đường rãnh, giúp kiểm soát việc thả dốc. Dây thừng buộc vào tượng quấn vòng qua các thanh gỗ thật to, đặt trong các lỗ quanh mép mỏ đá, vì trong nhiều thế kỷ không có loại cây lớn nào mọc ở Rapa Nui. Chứng cứ hoá thạch của quả hạch và rễ cho thấy xưa kia nơi đây có cọ, kể cả loại cọ sợi vàng Chile khổng lồ.

Gỗ rất cần cho việc di chuyển tượng từ mỏ đến tấm móng hành lễ. Không phải tượng nào di chuyển cũng cần gỗ, điều này được chứng minh bằng việc các tượng dang dở bỏ lại rải rác trên đường, hầu hết tượng đều được di chuyển trong một cự ly ngắn. Một tượng lớn như Paro phải di chuyển 6 km. Một thử nghiệm tiến hành ở Mỹ sử dụng một phiên bản bằng bê-tông nặng 4 tấn bằng một bức tượng người trên đảo Phục Sinh cho thấy, chỉ cần 25 người là đủ sức kéo tượng nếu đặt tượng theo chiều thẳng đứng trên một thanh trượt bằng gỗ rồi kéo trên một lớp các con lăn nhỏ cũng bằng gỗ. 

Giả thuyết khác cho rằng tượng phải di chuyển trong tư thế nằm ngửa hay thậm chí nằm sấp trong một nôi gỗ, và chắc chắn phải sử dụng một hệ thống như thế đến khi di chuyển lên xuống các dốc dựng đứng. Có thể các tượng được kéo từ mỏ ra biển, chất lên bè và trôi về điểm đến.

Công đoạn sau cùng

Hầu hết các tượng đều dự định dựng thẳng trên các tấm móng bằng đá vòng quanh bờ biển Rapa Nui. Dài 150 m, cao 3 m, những công trình xây bằng đá khan này càng gần biển càng tốt, nhưng tượng phải dựng ngó mặt vào đảo, chứ không nhìn ra biển. Chính các tấm móng cũng là điều đáng ngạc nhiên trong công trình, với phần lõi bằng đá hộc với các tảng đá lót đồ sộ, tạo dáng tỉ mỉ có bề ngang đến 3 m. Có lẽ người xưa dùng dây thừng, đường dốc và đòn bẩy gỗ để nhấc tượng đặt vào vị trí. Vào lúc này mới thêm mắt vào tượng. Năm 1978, khai quật bên dưới một tượng bị ngã cho thấy có nhiều dấu vết san hô trắng và xỉ núi lửa đỏ để làm tròng trắng và tròng đen của mắt. Chính đôi mắt tạo cho các tượng sức mạnh của thần linh, và thật đặc biệt, khi tượng ngã, hầu hết đều trong tư thế úp mặt xuống để giấu đôi mắt, trong khi các bức tượng ngã ngửa thì phần đôi mắt bị xoá mất bằng dấu búa nện.

Đặc điểm sau cùng – đối với tượng gần đây nhất – là việc tạo ra một búi tóc giống như cái trống hay pukao làm từ xỉ núi lửa màu đỏ khai thác ở Puna Pau. Lớn nhất trong số này có bề ngang hơn 2 m, nặng hơn 10 tấn. Có lẽ phần búi tóc này được thêm vào sau khi đặt tượng vào vị trí bằng sự hỗ trợ của dây thừng và gỗ trắc.

a

Phải chăng đây là tổ phụ của của cư dân Phục Sinh?

Vấn đề còn lại là tượng thể hiện điều gì? Một số ý kiến cho rằng tượng là thần. Nhưng cách lý giải ngày nay được nhiều người nhất trí hơn đó là tổ tiên đáng kính, các bậc huynh trưởng đã khuất. Một số tượng được tạc ngay khi họ còn sống, nhưng chỉ hoàn tất và đặt vào vị trí khi họ mất. Nhu cầu về gỗ rất lớn, gây khó khăn mỗi lần dựng tượng thẳng đứng. Đây chắc chắn là một yếu tố khiến cho toàn bộ hệ thống sụp đổ. Nạn phá rừng, đất bạc màu dẫn đến đói kém và chiến tranh. Trong đó, rõ ràng tượng tổ tiên là mục tiêu hàng đầu của kẻ thù.

Tượng vẫn còn đứng khi những người châu Âu đầu tiên đến đảo năm 1722. 50 năm sau tượng mới đổ. Ngày nay, một số tượng được phục hồi đặt lại đúng vị trí trên tấm móng ahu, có mắt và búi tóc. Tượng xếp thành hàng, nhìn vào trong đảo – đôi mắt hơi ngước lên và nhìn chằm chặp, như thể không làm người sống phải lo lắng. Tượng là một minh hoạ đáng chú ý về những gì đạt được bằng công nghệ tương đối đơn giản, nơi có niềm tin tôn giáo vững chắc và sự đua tài thật ấn tượng làm động cơ thúc đẩy.     

(Theo sách 70 kỳ quan thế giới cổ đại)

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch nước ngoài

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn