Nếu có bao giờ có cơ hội ăn tối với các nam, nữ thần Kpop mà chúng ta yêu quý thì hãy gây ấn tượng với họ bằng kiến thức văn hoá sâu rộng về nguyên tắc bên bàn ăn sau đây.
Người Hàn Quốc yêu ẩm thực và rất quan trọng các vấn đề liên quan, bạn có thể thấy điều này qua các banchan (những món ăn kèm được làm tỉ mĩ và đựng riêng trong từng chén nhỏ), các dụng cụ ăn uống phức tạp (đũa, thìa kim loại cùng nghệ thuật sắp xếp bát đĩa)… Tuy nhiên, do cùng nền văn hoá ẩm thực châu Á và cũng dùng đũa, cũng chia sẻ thức ăn với nhau nên đôi khi chúng ta ngỡ rằng cách ăn uống của họ giống mình. Trong thực tế thì, có những điểm khác biệt nho nhỏ mà ai cũng dễ dàng bỏ qua như sau:
Thìa là thìa, đũa là đũa, không nhập nhằng
Nếu bạn quen thuộc với văn hoá Hàn Quốc thì có lẽ sẽ phát hiện một điều là người Hàn ăn cơm với cả thìa và đũa, rất khác so với chúng ta chỉ ăn bằng đũa là chính, và họ có những nguyên tắc rõ ràng với hai dụng cụ ăn uống này. Mỗi người sẽ có một bộ thìa và đũa của riêng mình, trong đó, thìa có nhiệm vụ là múc cơm và canh trong bát của mình, và đũa thì được dùng để gắp thức ăn bên ngoài.
Ngoài ra, tránh cầm hai món này trên tay cùng một lúc. Khi cầm thìa thì bỏ đũa xuống, và khi cầm đũa thì tránh cầm thì ở tay còn lại.
Không bưng bát
Đối với người Việt, người Trung Quốc, người Nhật, chúng ta thường xuyên bưng bát khi ăn, với bốn ngón đỡ đáy bát và ngón cái giữ miệng bát, do làm thế dễ húp canh, lùa cơm, và về cơ bản là tiện hơn. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, bạn sẽ nhận ra người Hàn gần như không bao giờ làm thế. Việc bưng bát cơm là do chúng ta dùng đũa để ăn là chính, nên mới hay cầm bát lên để kết hợp với đũa. Nhưng như ta đã biết, người Hàn dùng cả muỗng và đũa, đũa dùng để gắp thức ăn ngoài, muỗng dùng múc canh và cơm, vì thế việc bưng bát là hoàn toàn không cần thiết. Bạn có thể dùng muỗng để múc cơm đưa lên miệng dễ dàng. Đôi khi, việc bưng bát lên miệng trên bàn ăn của người Hàn còn có thể được xem là hành vi thiếu tế nhị đấy (nhưng vì chúng ta là du khách nên nếu có lỡ làm thế thì họ sẽ hiểu cho thôi mà).
Phép tắc
Điều này có lẽ sẽ quen thuộc với chúng ta: kính trên nhường dưới. Hầu hết các nước có chịu ảnh hưởng của văn hoá nho học đều rất quan trọng nguyên tắc này, và Hàn Quốc không ngoại lệ. Người Việt chúng ta thường biết rằng phải mời người lớn tuổi ăn trước, khi được họ cho phép hay gật đầu thì mới bắt đầu ăn. Ở Hàn Quốc cũng thế, bạn chỉ được động đũa khi người lớn nhất bàn bắt đầu ăn. Tuy nhiên hơn cả như thế, bạn cũng nên để ý sắp xếp chỗ ngồi, vị trí ngồi ở bàn ăn được sắp xếp theo địa vị xã hội hoặc tuổi, người có địa vị xã hội thấp nhất hoặc nhỏ nhất thì ngồi gần cửa ra vào nhất. Vậy nên nếu bạn tự thấy mình nhỏ tuổi nhất thì cứ nhắm ghế ngồi gần lối ra mà ngồi nhé.
Tăm xỉa răng
Như nhiều dân tộc khác, người Hàn cũng dùng tay che miệng khi xỉa răng để thể hiện lịch sự, tuy nhiên nếu ăn ở một nhà hàng trên lãnh thổ Hàn Quốc, bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận ra rằng trên bàn ăn gần như không bao giờ có tăm xỉa răng. Tăm xỉa răng thường sẽ nằm trong một chiếc hộp bên quầy tính tiền, và các khách hàng thường nhón lấy một chiếc rồi xỉa răng trên đường đi ra (đương nhiên, nhớ che miệng nhé). Có thể thấy, người Hàn hiếm khi xỉa răng ngay tại bàn ăn vì trên bàn ăn không có tăm.
Mặt khác, bạn sẽ nhận ra rằng tăm xỉa răng ở Hàn khá “lạ”, các quán ăn luôn để một hộp tăm có màu xanh lá cây trên quầy, và tăm này không phải bằng gỗ, mà được làm từ một loại bột (như bột gạo hay bột báng, chất liệu giống ống hút bột gạo vậy), để trong nước lâu bạn sẽ thấy nó mềm đi đấy.
Nguồn: KENH14.VN