Tuyên Quang: Mùa lễ hội vui tươi, an toàn

0
186

Mùa lễ hội năm nay, tỉnh Tuyên Quang đã thu hút hàng trăm nghìn lượt khách trong và ngoài tỉnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi đầu xuân. Các lễ hội đều được đánh giá đã tổ chức an toàn, tiết kiệm, đúng quy chế, vì vậy đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách gần xa.

Lễ hội đua thuyền trên sông Lô TP Tuyên Quang xuân Mậu Tuất 2018

Giàu bản sắc văn hóa các dân tộc

Nhiều lễ hội đã diễn ra trên địa bàn tỉnh dịp đầu năm như: Lễ hội Cầu mùa đình Tân Trào, đình Thọ Vực (Sơn Dương); Lễ hội đình Giếng Tanh, Đầm Mây (Yên Sơn); Lễ hội đua thuyền trên sông Lô, Lễ hội rước Mẫu, Lễ hội chùa Hang (TP Tuyên Quang); Lễ hội Động Tiên – Chợ quê, Lễ hội chợ Thụt (Hàm Yên); Lễ hội Lồng tông, Lễ hội chùa Bảo Ninh Sùng Phúc (Chiêm Hóa); Lễ hội Lồng tông, Lễ hội bắt cá Năng Khả (Na Hang); Lễ hội Lồng tông, Lễ hội Nhảy lửa (Lâm Bình)…

Theo ông Nguyễn Vũ Phan, Quyền Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang, công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở Tuyên Quang thời gian vừa qua cơ bản đã có chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp. Phần lớn các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc đều được diễn ra trong không khí linh thiêng, trang trọng, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, đúng quy chế với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian giàu bản sắc dân tộc. Qua đó, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, đồng thời thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia. Để có được những kết quả trên là do tỉnh đã chủ động thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm được đặt lên hàng đầu nhằm hạn chế những hình ảnh chưa đẹp của lễ hội.

Sau sự cố trâu chọi húc chết người ở sới chọi Đồ Sơn (Hải Phòng), mùa lễ hội năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các địa phương không tổ chức chọi trâu ồ ạt như mọi năm. Tỉnh đã chỉ đạo huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Yên Sơn dừng việc tổ chức chọi trâu. Các huyện đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của tỉnh, nhân dân cũng đồng tình ủng hộ. Quan điểm của tỉnh là bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội truyền thống gắn với đời sống tâm linh, phục vụ phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển; kiên quyết không cấp phép cho các lễ hội mang tính thương mại hóa, bạo lực, phản cảm, chấn chỉnh các lễ hội chưa đi vào nền nếp.

Lễ hội Lồng tông huyện Chiêm Hóa

 

Qua lễ hội đầu xuân năm nay, nhân dân, du khách thập phương đến các lễ hội khá đông, tăng trên 20% so với cùng kỳ năm trước. Các du khách đều có đánh giá tốt về công tác tổ chức lễ hội của Tuyên Quang. Ông Trần Văn Hùng, du khách Hà Nội nhận xét, công tác giữ gìn an ninh, trật tự ở lễ hội khá tốt, hạn chế được tình trạng cướp lộc như mọi năm, giá gửi xe máy, ô tô cũng phải chăng. 

Nhân lên nét đẹp của lễ hội truyền thống

Đặc biệt, nét mới ở các lễ hội của tỉnh năm nay là nhiều huyện đã lồng ghép các gian hàng của các xã, thị trấn, doanh nghiệp trên địa bàn, nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương với người dân và du khách. Qua đó, không chỉ tạo điểm nhấn cho lễ hội mà còn tạo điền kiện thu hút du khách tham quan, trải nghiệm; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trong phát triển các sản phẩm du lịch. Ông Đào Ngọc Vang, Chủ tịch UBND xã Kim Bình (Chiêm Hóa) khẳng định, đây là lần đầu tiên huyện Chiêm Hóa tổ chức chợ đêm trong khuôn khổ Lễ hội Lồng tông. Tham gia có 40 gian hàng của các xã, thị trấn, doanh nghiệp trên địa bàn. Tại hội chợ, xã đã giới thiệu với người dân và du khách một số sản vật của địa phương như: Rượu chuối, mắm cá ruộng Cổ Linh… Đây là dịp để mỗi xã, thị trấn, doanh nghiệp trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, mở ra những hướng đi mới trong phát triển kinh tế. 

Lễ hội Lồng tông Lâm Bình bày bán nhiều sản vật của địa phương

Tuy nhiên, tại một số lễ hội vẫn để xảy ra tình trạng xả rác bừa bãi, thiếu nhà vệ sinh công cộng, các bãi đỗ xe chưa quy củ; công tác an ninh trật tự ở một số lễ hội chưa nghiêm, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm chưa thực sự được chú trọng. Anh Đoàn Mạnh Hùng, quận Tây Hồ, Hà Nội nói, năm nay anh đưa gia đình đi Lễ hội Động Tiên – Chợ quê huyện Hàm Yên, ai cũng ấn tượng về lễ hội giàu bản sắc dân tộc. Điều anh chưa hài lòng chính là việc xả rác bừa bãi của người dân, gây ô nhiễm môi trường và phản cảm đối với du khách. Vì vậy, trong dịp lễ hội sau Ban tổ chức cần có biện pháp nhắc nhở, tuyên truyền đến người dân, du khách bỏ rác vào đúng nơi quy định, cũng như bãi trông giữ xe cần thuận tiện, quy củ hơn.

Lễ hội là nét đẹp văn hóa, tâm linh, thể hiện bản sắc văn hóa của mỗi địa phương. Chính vì vậy, việc tổ chức lễ hội an toàn, tiết kiệm, đúng quy chế chính là yếu tố quan trọng giúp cho các địa phương thu hút du khách, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của mình, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Quang Hòa

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn