Trong những năm qua, hoạt động du lịch của Tuyên Quang đã có sự chuyển biển tích cực. Lượng khách du lịch đến Tuyên Quang ngày càng tăng; hoạt động du lịch phát triển đã tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần gìn giữ và bảo vệ cảnh quan môi trường, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Lễ hội Thành Tuyên đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc ở Tuyên Quang
Các sản phẩm du lịch đặc sắc
Mở đầu cho Lễ hội Thành Tuyên và Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019 của tỉnh Tuyên Quang là Ngày văn hóa Tuyên Quang diễn ra từ ngày 30-8, 31-8 và 1-9 tại Hà Nội. Trong những ngày này sẽ diễn ra các hoạt động: Triển lãm ảnh Tuyên Quang – Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến để trưng bày, giới thiệu các hình ảnh Tuyên Quang thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; trình diễn văn hóa truyền thống các dân tộc trong tỉnh với các nghi lễ then (dân tộc Tày), hát páo dung, múa mảng, múa chuông (dân tộc Dao), diễn diễu mô hình đèn Trung thu gắn với trình diễn di sản các dân tộc của tỉnh.
Trước đó, huyện Na Hang đã tổ chức giải đua xe đạp địa hình lần thứ nhất với gần 300 vận động viên đến từ 33 câu lạc bộ thuộc các địa phương: Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh và TP Hồ Chí Minh tham gia; huyện Lâm Bình tổ chức đua thuyền kayak, thu hút gần 5.000 khách du lịch theo dõi, cổ vũ. Trong khuôn khổ các giải đấu, các huyện còn tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần quảng bá, giới thiệu đặc sản địa phương để thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn.
Đến nay, Lễ hội Thành Tuyên đã được xây dựng thành sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh Tuyên Quang. Cách thức tổ chức lễ hội ngày càng chuyên nghiệp, bài bản; các mô hình diễn diễu đặc sắc, thời gian diễn ra lễ hội dài và được gắn kết với sự kiện văn hóa cấp tỉnh cùng nhiều hoạt động hấp dẫn. Lễ hội Thành Tuyên đã được công nhận kỷ lục Ghi-nét Việt Nam “Lễ hội có nhiều mô hình đèn lớn nhất Việt Nam”, “Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam”, “Cặp đôi đèn kéo quân lớn nhất Việt Nam”. Công tác xúc tiến, quảng bá thông qua nhiều hình thức, trong đó đầu tư xây dựng một trang web riêng www.lehoithanhtuyen.com.vn; trình diễn trích đoạn giới thiệu “Đám cưới người Dao” cùng với diễn mô hình “Gia đình nhà gà trẩy hội” tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm – Hà Nội (năm 2017); trình diễn hai mô hình Trung thu “Song Lân trẩy hội” và “Rồng vàng trẩy hội Thành Tuyên” (năm 2018) tạo tiếng vang thu hút khách du lịch; Tổ chức tốt và duy trì các lễ hội truyền thống tại địa phương thu hút đông đảo du khách như: lễ hội chùa Hương Nghiêm (xã An Khang); lễ hội đình Song Lĩnh, đình Giếng Tanh (xã Kim Phú), lễ hội đình Làng Là (xã Chân Sơn); lễ hội Lồng Tông của dân tộc Tày… đã quảng bá, thu hút đông đảo khách du lịch và người dân.
Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ, khu, điểm du lịch tiếp tục phát triển. Toàn tỉnh hiện có 288 cơ sở lưu trú, hơn 200 nhà hàng ẩm thực có quy mô lớn; 10 công ty lữ hành; hai điểm du lịch đạt tiêu chuẩn cấp biển hiệu phục vụ khách du lịch; dịch vụ vận chuyển khách du lịch đã có sự tham gia của doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh; 653 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó ba di tích quốc gia đặc biệt; 138 di tích lịch sử cấp quốc gia; 10 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Các khu, điểm du lịch đã chú trọng phát triển sản phẩm du lịch mới, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Do vậy, trong hai năm 2017 và 2018 đã thu hút được 3.351.500 lượt khách. Tổng thu xã hội từ du lịch đạt 2.936 tỷ đồng. Tạo việc làm cho khoảng 14.300 lao động ngành dịch vụ du lịch.
Tạo đà cho du lịch phát triển
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030. Đồng thời, tỉnh đã lập hồ sơ và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng các di tích quốc gia đặc biệt: Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, Di tích quốc gia đặc biệt địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, huyện Chiêm Hóa và Khu danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang – Lâm Bình. Tuyên Quang tiếp tục phối hợp tỉnh Bắc Cạn lập hồ sơ xây dựng Khu Di sản thiên nhiên Ba Bể (tỉnh Bắc Cạn) – Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) trình UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Hoàn thành Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử Địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng; triển khai xây dựng đề án phát triển du lịch tâm linh; đề án Điểm dừng chân Đèo Gà gắn với du lịch cộng đồng tại xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa. Hoàn thành quy hoạch một số điểm như: Quy hoạch khu du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng soi Tình Húc; triển khai dự án công viên Bách Thảo Ngân; các điểm du lịch văn hóa tâm linh, di tích lịch sử ở TP Tuyên Quang; hoàn thành đầu tư đường giao thông phân khu du lịch Lâm viên Phiêng Bung, thuộc Khu du lịch sinh thái Na Hang; đầu tư đường trục chính nối từ trung tâm xã Hồng Thái tiếp giáp với tỉnh Bắc Cạn, thuộc Dự án hạ tầng dxu lịch khu du lịch sinh thái Na Hang; đầu tư hạ tầng Điểm di tích thắng cảnh Động Tiên (Hàm Yên); Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm; Khu du lịch cộng đồng thuộc huyện Lâm Bình.
Xác định du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính đa ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc, có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại, an ninh quốc phòng và giữ gìn môi trường sinh thái; thông qua du lịch để gìn giữ và bảo vệ cảnh quan môi trường, bản sắc văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tỉnh đã tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống, nông nghiệp chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế và du lịch. Một số sản phẩm du lịch của tỉnh đang khẳng định thương hiệu như: Du lịch lễ hội; du lịch lịch sử, văn hóa; Du lịch tâm linh: hình thành thương hiệu “Vùng đất linh thiêng”, “Miền đất mẫu”… Du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng như Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm đã thu hút 6 doanh nghiệp lớn đang đầu tư phát triển dịch vụ du lịch, trong đó có Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Tuyên Quang, đầu tư hạng mục: Khu biệt thự nghỉ dưỡng; Khu dịch vụ khám chữa bệnh bằng liệu pháp trị liệu nước khoáng nóng; khu khoáng nóng; khu dịch vụ, sân Golf Mỹ Lâm. Dự án đầu tư xây dựng sân golf và làng du lịch sinh thái Mimosa… Đây sẽ là điều kiện để đưa Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm trở thành khu du lịch dịch vụ tổng hợp cao cấp, tạo đà thúc đẩy du lịch Tuyên Quang phát triển bền vững. Khu du lịch sinh thái Na Hang đang nằm trong diện tích bảo vệ của Di tích quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang – Lâm Bình, đây là điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế khi Khu Di sản thiên nhiên Ba Bể (tỉnh Bắc Cạn) – Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Cùng đó là phát triển du lịch cộng đồng: Đã xây dựng và công nhận bốn điểm du lịch cộng đồng của huyện Lâm Bình, là thôn Nà Tông, thôn Nà Đông (xã Thượng Lâm), thôn Nà Muông (xã Khuôn Hà) và thôn Nặm Đíp (xã Lăng Can). Hiện nay, các điểm du lịch cộng đồng này đang thu hút rất đông du khách đến trải nghiệm, trở thành điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu của tỉnh và được doanh nghiệp lữ hành liên kết đầu tư cùng khai thác phát triển.
Nhận thức của người dân, doanh nghiệp và các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương về vị trí, vai trò của hoạt động du lịch dần được nâng cao, thể hiện thái độ cởi mở, chân thành với du khách và tích cực tham gia phát triển du lịch. Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường; tạo điều kiện môi trường thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư. Kết quả đã thu hút một số doanh nghiệp lớn có năng lực, chuyên nghiệp đầu tư vào hoạt động du lịch và đang triển khai phát triển dự án du lịch; tập trung huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất – kỹ thuật du lịch; thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được thực hiện với nhiều hình thức, quy mô lớn hơn và đã có hiệu quả nhất định. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, cách mạng và văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch được quan tâm. Công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch ngày càng được đẩy mạnh. Nhiều sản phẩm du lịch hình thành rõ nét và được du khách đánh giá cao với sản phẩm du lịch nổi trội như Lễ hội Thành Tuyên, du lịch cộng đồng Lâm Bình, du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, du lịch sinh thái Na Hang, du lịch tâm linh, du lịch về nguồn (Tân Trào).
Tổ chức thành công các sự kiện văn hóa – du lịch thu hút khách du lịch như: Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất và Lễ hội Thành Tuyên năm 2017, Lễ hội Động Tiên – chợ quê, Lễ hội Đền Thác Cái, Lễ hội chợ Thụt (Hàm Yên), Lễ hội Lồng Tông (Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình), Lễ hội nhảy lửa xã Hồng Quang (Lâm Bình), Lễ hội Giếng Tanh (Yên Sơn), Lễ hội Đền Hạ, Lễ hội Chùa Hang (TP Tuyên Quang);… góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham dự. Việc liên kết, hợp tác liên vùng, liên tỉnh và quốc tế được tăng cường nhằm khai thác, phát triển du lịch như thường xuyên trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm quản lý, khai thác phát triển du lịch; thông qua các buổi làm việc trực tiếp, hội nghị, hội thảo, khảo sát thực tế với các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp du lịch của các tỉnh nằm trong chương trình hợp tác phát triển “Qua những miền di sản Việt Bắc”; và hợp tác quốc tế với Châu Văn Sơn (Vân Nam – Trung Quốc), Xiêng Khoảng (Lào), Hàn Quốc; ký hợp tác giữa tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang, trong đó có lĩnh vực phát triển du lịch lòng hồ Tuyên Quang – Hà Giang… để đa dạng hóa và phát triển thị trường nguồn khách cũng như thu hút đầu tư vào du lịch.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, vận chuyển khách du lịch, cơ sở lưu trú, mua sắm du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn ít về số lượng và hạn chế về năng lực; chưa có nhiều điểm vui chơi, giải trí cho khách du lịch; hoạt động du lịch còn nhỏ lẻ, chưa thật sự chuyên nghiệp; hệ thống hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch chưa đồng bộ; nguồn kinh phí dành cho hoạt động du lịch chưa tương xứng với nhu cầu đầu tư phát triển; công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư tại các khu du lịch chưa bảo đảm tiến độ. Sản phẩm, hàng hóa, đồ lưu niệm chưa phong phú; hệ thống công trình vệ sinh tại các khu, điểm du lịch có nơi còn thiếu và chưa đạt tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch. Đây là những điểm yếu cần sớm được khắc phục để du lịch Tuyên Quang phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương trong thời gian tới.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn