Tuyển Italy ở một đẳng cấp rất khác so với những đối thủ Tây Ban Nha đã chạm trán từ đầu Euro 2020. Vì vậy, thử thách sắp tới sẽ rất khó khăn cho thầy trò Luis Enrique.
Bình luận
Sau 2 trận liên tiếp nã vào lưới Slovakia và Croatia đến 10 bàn, hàng công Tây Ban Nha chỉ ghi được 1 bàn vào lưới Thụy Sĩ, đội bị đánh giá thấp hơn. “La Roja” sau đó bị kéo vào loạt luân lưu và phải nhờ đến sự xuất thần của thủ môn Unai Simon và cả may mắn để vất vả bước vào bán kết.
Những kỷ niệm đẹp đang ùa về với Tây Ban Nha, đội bóng từng vô địch Euro 2008 và 2012. Thế nhưng, Italy – đối thủ của “La Roja” tại bán kết – đang thăng hoa và chứng minh họ là ứng viên nặng ký cho chức vô địch.
Bản lĩnh ở thời khắc quan trọng
‘‘Đến lượt tôi đá, tôi chạy đến nhặt quả bóng ở phía xa và đặt nó ngay ngắn trên chấm trắng. Nếu bạn là tôi, rất nhiều suy nghĩ sẽ hiện lên trong đầu bạn ở khoảnh khắc đó”, tiền đạo Mikel Oyarzabal của Tây Ban Nha kể với Marca.
Đó là khoảnh khắc Oyarzabal phải tự bước đến nhặt quả bóng đang nằm gần vùng 16m50, và thực hiện cú sút quyết định cho Tây Ban Nha trong trận tứ kết trước Thụy Sĩ. Cú dứt điểm của tiền đạo 24 tuổi đưa bóng găm vào góc phải khung thành, mang theo hy vọng của hàng triệu người hâm mộ.
Bản lĩnh của một đội bóng lớn giúp Tây Ban Nha tiến bước. Ảnh: Sports Illustrated. |
Oyarzabal đánh lừa được thủ thành Yann Sommer và kết liễu những hy vọng cuối cùng của Thụy Sĩ. Anh chạy ngay đến thủ thành Simon ở sát cột cờ góc để chia vui.
Simon san lấp những cú sút hỏng ăn của đồng đội bằng 2 pha cứu thua xuất sắc. “Anh ấy đổ người và tóm gọn trái bóng”, tiền vệ Koke nói về đồng đội đồng thời đang dang rộng cả hai tay để miêu tả lại hình ảnh cứu thua của Simon.
Còn Oyarzabal kể lại trên Marca: “Tôi đã nói với Simon rằng hôm nay là ngày của anh ấy”. HLV Luis Enrique đứng khoanh tay bên ngoài đường biên khi chứng kiến các học trò sút phạt đền.
“Đó là lần tôi bình tĩnh nhất trong một loạt đá luân lưu. Bạn khó có thể làm điều gì khác khi đó là loạt đá may rủi. Điều gì đến ắt sẽ đến”, chiến lược gia 51 tuổi phát biểu trên Marca.
Trước đó, HLV Enrique tập hợp các cầu thủ lại và nói với họ rằng đội bóng có thể thắng hoặc thua, không thể có kết quả khác nên không cần lo lắng. Ông để các học trò tự quyết định ai là người sẽ sút phạt đền như cách họ luyện tập trong suốt cả giải đấu.
Bộ mặt thật của ‘La Roja’
Dù giành tấm vé vào bán kết, cách Tây Ban Nha giành chiến thắng chung cuộc vẫn để lại nhiều sự ngờ vực. Họ tung ra 29 cú dứt điểm nhưng chỉ có một bàn thắng do pha đốt lưới nhà của một cầu thủ Thụy Sĩ. Đặc biệt, trong 2 hiệp phụ, các chân sút áo trắng dứt điểm 10 lần, trong đó 9 lần được thực hiện trong vòng 16m50 nhưng không thành bàn (theo số liệu từ WhoScored).
Tạo ra nhiều cơ hội nhưng các chân sút Tây Ban Nha đều tỏ ra thiếu sắc sảo. Ảnh: Sky Sports. |
Các “mũi nhọn” của Tây Ban Nha có ngày thi đấu vô duyên khi phung phí hàng loạt cơ hội làm bàn. Tiền đạo Dani Olmo và Gerard Moreno có tổng cộng 12 tình huống dứt điểm nhưng không một lần bóng đi vào lưới.
Moreno bỏ lỡ cơ hội ngon ăn nhất của trận đấu ở phút thứ 100 khi anh đối mặt với Sommer trong vòng 5m50, nhưng không thể đánh bại thủ thành 32 tuổi (theo WhoScored).
Hàng công “La Roja” tưởng chừng là điểm mạnh của họ, nhưng ở một vài thời điểm thì các cầu thủ xứ sở bò tót thiếu đi độ sắc bén cần thiết để kết thúc hiệu quả các pha lên bóng. Điều này phần nào khiến Tây Ban Nha hòa 2 trận ở vòng bảng, và phải liên tục chơi ở các hiệp phụ trước Croatia lẫn Thụy Sĩ.
Hành trình của Tây Ban Nha năm nay còn in đậm dấu ấn của sự may rủi. Họ nhận bàn thua và có bàn thắng từ những pha phản lưới nhà.
Thầy trò Enrique dẫn trước Croatia 3-1 nhưng lại bị gỡ hòa 3-3 trong chưa đầy 10 phút. Ở tứ kết, hàng phòng ngự của Tây Ban Nha mắc lỗi, giúp Xherdan Shaqiri gỡ hòa 1-1 cho Thụy Sĩ.
Nhưng khi tinh thần đối thủ đang lên cao thì tấm thẻ đỏ của tiền vệ Remo Freuler lại xoay chuyển cục diện trận đấu theo hướng có lợi cho Tây Ban Nha.
Đối thủ trước mắt của “La Roja” là Italy, đội chỉ mới để thủng lưới 2 lần – con số ít thứ hai toàn giải. Vì vậy, nếu tiếp tục thể hiện sự thiếu hiệu quả trong khâu chuyển hóa cơ hội thành bàn thắng, nhà vô địch Euro 2008 và 2012 có thể phải trả giá đắt.
Hào quang từ quá khứ
Trận thắng Thụy Sĩ gợi nhớ cách Tây Ban Nha nhọc nhằn vượt qua Italy trên loạt “đấu súng” cân não ở tứ kết Euro 2008, để rồi sau đó nâng cao chức vô địch. Kỳ Euro 2008 chấm dứt cơn khát danh hiệu 44 năm cũng như mở ra một trang sử chói lọi cho “La Roja”.
Kể từ lúc đó, mỗi lần vào đến tứ kết một giải đấu lớn, Tây Ban Nha đều lên ngôi vương sau đó. Nhưng sau vinh quang tại Euro 2012, Tây Ban Nha trải qua 3 giải đấu lớn thất bại liên tiếp.
Tuy vậy, quá khứ huy hoàng có thể tiếp thêm động lực và niềm tin cho các cầu thủ xứ sở bò tót trước trận bán kết. Và xa hơn nữa là hy vọng tái thiết một chu kỳ thành công mới.
Italy là thử thách lớn nhất mà Tây Ban Nha phải đối mặt tính đến lúc này. Ảnh: Marca. |
Trận bán kết Euro 2020 là cặp đấu giữa hai đội bóng có hàng công ấn tượng nhất giải đấu tính đến hết vòng tứ kết. “La Roja” dẫn đầu với 12 bàn thắng, còn Italy xếp ngay sau với 11 bàn thắng.
Hai đội cũng dẫn đầu giải đấu về số lượng tình huống tổ chức tấn công, lần lượt là 365 cho Tây Ban Nha và 296 cho Italy. “Azzurri” có đến 101 nỗ lực sút cầu môn, cao nhất Euro năm nay. Còn Tây Ban Nha xếp ngay sau với 95 nỗ lực sút cầu môn (theo thống kê từ trang chủ UEFA).
Tây Ban Nha và Italy được xem là những đối thủ truyền kiếp. Lịch sử ghi nhận 37 cuộc đối đầu giữa hai gã khổng lồ ở các giải đấu lớn, trong đó mỗi đội thắng 11 lần và có 15 trận hòa.
Đây sẽ là lần thứ tư liên tiếp Tây Ban Nha và Italy gặp nhau tại các VCK Euro. Năm 2012, bằng lối chơi đẹp mắt và chất lượng nhân sự vượt trội, “La Roja” đè bẹp Italy 4-0 để đăng quang thuyết phục trên đất Ukraine.
Tuy nhiên, ở lần gần nhất hai đội đối mặt, Italy quật ngã Tây Ban Nha ở vòng 1/8 của Euro 2016 với tỷ số 2-1.
Nguồn: News.zing.vn