Chính những người trong cuộc phải thừa nhận chất lượng bóng đá Trung Quốc còn lâu mới sánh được với các quốc gia hàng đầu khác trên thế giới.
Việc đứng áp chót ở bảng B vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á nói lên vị thế của ĐTQG Trung Quốc lúc này. Họ chơi 4 trận, chỉ thắng 1 trước tuyển Việt Nam, đội đứng cuối bảng.
Giấc mơ đưa ĐTQG nam Trung Quốc dự World Cup lần thứ hai trong lịch sử vẫn rất xa vời.
Tuyển Trung Quốc đang đứng áp chót trên bảng xếp hạng bảng B vòng loại World Cup 2022. Ảnh: Reuters. |
Khoảng cách về trình độ
Ngoại trừ chiến thắng 3-2 kịch tính trước Việt Nam ở lượt đấu thứ ba, tuyển Trung Quốc đều lép vế hoàn toàn trong các thất bại trước Saudi Arabia, Australia hay Nhật Bản.
Wu Lei, người duy nhất của ĐTQG nam Trung Quốc đang chơi ở nước ngoài thừa nhận tồn tại khoảng cách lớn giữa trình độ của đội nhà với các đối thủ.
“Tôi đến Tây Ban Nha với ý nghĩ rằng mình sẽ tạo dấu ấn gì đó cho bóng đá Trung Quốc ở châu Âu”, Wu Lei tâm sự trên Xinhua. “Nhưng sau khi đặt chân đến Espanyol, tôi mới nhận ra rằng khoảng cách giữa trình độ của bóng đá Trung Quốc với các nước châu Âu là quá lớn”.
Tiền đạo 29 tuổi đến Espanyol vào năm 2019 nhờ tác động từ tập đoàn Rastar của Trung Quốc, chủ sở hữu CLB xứ Catalonia. Bản thân Wu Lei dù được xem là cầu thủ hay nhất Trung Quốc nhiều năm qua, cũng chưa bao giờ thực sự trở thành trụ cột trên hàng công Espanyol.
Tại La Liga mùa này, Wu Lei mới có 2 lần đá chính cho Espanyol và chưa để lại kiến tạo hay bàn thắng nào. Khi CLB thành phố Barcelona rớt xuống giải hạng Hai (Segunda) mùa trước, Wu Lei cũng chủ yếu vào sân từ băng ghế dự bị.
Sự khác biệt lớn giữa bóng đá Trung Quốc và Tây Ban Nha là điều chân sút sinh năm 1991 cảm nhận được, ngay từ các buổi tập đầu tiên. “Khi tập những buổi đầu tiên cùng CLB mới, tôi thấy sự khác biệt hoàn toàn”, cựu tiền đạo Shanghai Port chia sẻ. “Cách quản trị của giải đấu và CLB cũng hoàn toàn khác”.
Wu Lei trải qua 5 đời HLV ở Espanyol, trong bối cảnh CLB xứ Catalonia thi đấu phập phù trong ba năm qua. Tuy nhiên, tiền đạo người Trung Quốc đều ấn tượng trước cách làm việc của các HLV từng dẫn dắt mình.
“Các HLV của Espanyol đều rất tỉ mỉ, chuyên nghiệp và có trách nhiệm”, anh khẳng định. Wu Lei hiểu anh phải nỗ lực rất nhiều để trụ lại Espanyol, bất chấp sự ủng hộ từ các ông chủ CLB dành cho mình.
3 trận gần nhất tại La Liga, chân sút Trung Quốc chỉ chơi có 4 phút. HLV Li Tie không thể hài lòng với việc chân sút số 1 trong đội hình ít được đá chính như vậy.
Cựu cầu thủ Everton là người tiếp theo, sau Wu Lei, phàn nàn về chất lượng chuyên môn của bóng đá Trung Quốc so với các quốc gia hàng đầu trong khu vực.
“Khi tôi chơi ở Premier League, tôi được đối đầu với những Patrick Viera hay Paul Scholes”, HLV trưởng tuyển Trung Quốc khẳng định. “Khi tôi trở về chơi cho ĐTQG và phải đối đầu với các tiền vệ khác ở châu Á, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn”.
Giống như Wu Lei hiện tại, Li Tie từng được xem là một trong những cầu thủ Trung Quốc thành công nhất thế hệ của mình. Cựu tiền vệ sinh năm 1977 có 4 mùa thi đấu cho Everton tại Premier League, với 34 lần ra sân.
Li Tie nằm trong số ít những ngôi sao Trung Quốc để lại dấu ấn khi xuất ngoại. “Để nâng tầm ĐTQG hay cả nền bóng đá, cách tốt nhất là xuất ngoại”, HLV 44 tuổi phân tích. “Vì thế tôi luôn khuyến khích các cầu thủ của mình, đặc biệt là những cầu thủ trẻ ra nước ngoài thi đấu càng sớm càng tốt”.
Ông Li Tie nhấn mạnh: “Chỉ có việc chơi ở những trận đấu với chất lượng chuyên môn cao mới giúp bạn tiến bộ”. Đó rõ ràng là bài toán không chỉ của bóng đá Trung Quốc, mà còn là vấn đề với các quốc gia châu Á đang muốn vươn lên như Thái Lan, Indonesia hay Việt Nam.
Các nhà lãnh đạo bóng đá Trung Quốc từng muốn biến Chinese Super League (CSL) thành giải đấu hàng đầu, nơi các cầu thủ nước nhà có thể nâng cao trình độ mà không cần ra nước ngoài thi đấu. Kế hoạch đó chưa cho thấy thành công.
Wu Lei chủ yếu ngồi dự bị trong 3 năm thi đấu ở Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters. |
Bóng đá Trung Quốc thay đổi
CSL ra đời từ năm 2004 với tham vọng đưa bóng đá Trung Quốc lên chuyên nghiệp. Trong vòng 17 năm qua, nhiều CLB hàng đầu của CSL đổ tiền của nhằm thu hút các ngôi sao ngoại quốc về, để nâng cao chất lượng giải đấu.
Tuy nhiên, việc phần lớn các CLB CSL chỉ sống nhờ nguồn tiền của các doanh nghiệp đổ vào khiến mọi thứ trở nên bấp bênh. Sau khi Jiangsu Suning bị xóa sổ và Guangzhou FC rơi vào khủng hoảng, đến lượt Hebei FC, đội từng chiêu mộ cả Javier Mascherano, Ezequiel Lavezzi hay HLV Manuel Pellegrini gặp vấn đề.
Hebei FC được cho giờ không thể trả nổi tiền điện của sân vận động. Nhiều CLB ở các hạng đấu thấp hơn rơi vào cảnh nợ lương cầu thủ và không thể hoạt động bình thường.
Cơn sốt đầu tư vào bóng đá của các doanh nghiệp Trung Quốc dường như đã qua đi. Giờ là lúc bóng đá nước này phải làm lại từ gốc. Hồi tháng 2, Chen Xuyuan, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) thừa nhận bóng đá nước này đang phải trả giá vì phát triển nóng.
“CSL ngốn tài chính gấp 10 lần K.League (giải VĐQG Hàn Quốc) và gấp 3 lần J.League (giải VĐQG Nhật Bản)”, ông Xuyuan nói. “Nhưng ĐTQG Trung Quốc thì kém xa hai nước kể trên”.
Hai năm trở lại đây, ông Xuyuan cùng các cộng sự nỗ lực làm giảm tác động của ảnh hưởng kinh tế lên nền bóng đá nước nhà. CFA áp mức trần quỹ lương, đánh thuế đắt đỏ với những bản hợp đồng ngoại binh có giá cao.
Chris Van Puyvelde, cựu Giám đốc kỹ thuật của LĐBĐ Bỉ vừa được bổ nhiệm vào vị trí tương đương tại CFA. Hôm 8/11, ông Puyvelde xuất hiện trên sân tập của ĐTQG Trung Quốc và có cuộc trao đổi với HLV Li Tie.
Ông Xuyuan nói mọi thứ chỉ mới là khởi đầu, và bóng đá Trung Quốc đang nỗ lực trở lại. Tham vọng trở thành một thế lực của bóng đá thế giới vào năm 2035 của người Trung Quốc vẫn còn đó.
Nguồn: News.zing.vn