Tuyển Trung Quốc là đối thủ mạnh với trình độ cầu thủ nhỉnh hơn so với Việt Nam. Thế nên, trận đấu tại sân Sharjah lúc 0h ngày 8/10 chắc chắn sẽ không dễ dàng.
Hai thất bại liên tiếp trước tuyển Australia và Nhật Bản vào tháng 9/2021 làm cho bầu không khí xung quanh đại diện của đất nước đông dân nhất hành tinh có phần u ám. Nhiều phân tích có phần bi quan đã được báo giới Trung Quốc đưa ra trước thềm trận đối đầu tuyển Việt Nam.
Nhưng tất cả hoàn cảnh này không làm cho hiện thực về mặt bằng trình độ khác đi. Trung Quốc vẫn sẽ là đội bóng “cửa trên”.
Trung Quốc của Wu Lei không phải đối thủ dễ chơi. Ảnh: Xinhua. |
Cũng vì thế, thay vì nhìn lại các trận Trung Quốc gặp Australia hay Nhật Bản, nơi họ phải oằn mình “chịu trận” trước 2 ông lớn châu Á, sẽ là hợp lý hơn nếu chúng ta quay lại trận đấu kề trước đó trong khuôn khổ vòng loại thứ hai World Cup 2022, khi thầy trò Li Tie đánh bại tuyển Syria 3-1. Tại trận đấu này, Trung Quốc thực sự cầm bóng chủ động hơn trong thế của đội mạnh.
Có rất nhiều lý do để làm điều này. Syria hiện xếp thứ 81 trên bảng xếp hạng FIFA, họ thường chơi với các sơ đồ ba trung vệ như 5-3-2 hay 5-4-1. Trận thua kể trên diễn ra vào tháng 6/2021 ngay tại sân Sharjah. Và quan trọng nhất, để chuẩn bị trước thềm trận gặp Việt Nam, Trung Quốc đã giao hữu với chính Syria thêm một trận nữa cũng tại sân Sharjah.
Vậy nhìn lại trận đấu ấy, có những điểm gì chúng ta có thể rút ra? Tuyển Việt Nam có thể học hỏi Syria điều gì? Và làm sao để có điểm trước Trung Quốc?
Khi Trung Quốc cầm bóng chủ động
Khác với các trận gặp Saudi Arabia hay Australia, tuyển Việt Nam sẽ phải đương đầu với một miếng đánh rất khác biệt: những cú bấm bóng bổng về khu vực sau lưng hàng hậu vệ.
Trung Quốc thi đấu với sơ đồ 4-3-3, đội trưởng Wu Xi (mang áo số 15) là tiền vệ trụ. Phía trước Wu Xi là số 10 Zhang Xizhe chơi lệch trái và số 13 Jin Jingdao chơi lệch phải. Giữa Xizhe và Jingdao có sự khác biệt về phong cách: Xizhe thiên về tấn công, đôi lúc di chuyển tự do từ trái qua phải còn Jingdao có thói quen lùi thấp xuống ngang với Wu Xi để điều tiết và luân chuyển bóng.
Bộ ba tiền vệ của Trung Quốc điều phối lối chơi. |
Với việc 3 cái tên này thường chủ động chơi gần cặp trung vệ để nhận bóng, các hậu vệ biên của Trung Quốc cũng có điều kiện để dâng cao hơn.
Về cách sử dụng bóng, dù có kỹ thuật cơ bản ổn, nhưng bộ ba Xi – Xizhe – Jingdao đều không thường xuyên tìm kiếm các đường chọc khe, các pha chuyền xuyên tuyến tiền vệ. Thay vào đó, họ đập nhả qua lại với tuyến dưới để duy trì nhịp độ và luân chuyển bóng qua lại. Mục tiêu của họ là những cú chuyền bổng theo chiều dọc sân, tấn công vào sau lưng hàng hậu vệ đối thủ.
Đường chuyền bổng của Xizhe. |
Cánh trái là hướng tấn công thường xuyên của Trung Quốc. Với hậu vệ biên đẩy lên cao, họ tạo ra một sự bối rối về mặt vị trí cho cầu thủ cánh phải của Syria.
Trong hình ảnh trên ở ngay phút thứ 2 của trận đấu, khi hậu vệ Syria vừa bước lên hướng tới hậu vệ trái áo đỏ, tiền đạo trái Wu Xinghan lập tức đâm về phía trước. Anh cũng được hỗ trợ bởi sự xuất hiện của tiền đạo nhập tịch Elkeson khi cầu thủ mang áo số 9 hơi lùi lại và thu hút sự chú ý từ trung vệ cùng bên.
Sự chủ động và tốc độ càn lướt tốt giúp Xinghan có thể vượt qua truy cản và xộc vào từ biên.
Một cách khác cũng để tận dụng lợi thế “4 đấu 3” ở khu vực này là các hậu vệ biên có thể hoàn toàn chủ động thực hiện cú chuyền bổng chiều dọc nói trên. Do Syria nhập cuộc với sơ đồ 5-3-2, luôn có rất nhiều thời gian cho hậu vệ trái của Trung Quốc. Ngoài ra cũng phải kể tới kỹ năng di chuyển 2 nhịp để đánh lừa đối thủ và càn lướt mà tất cả tiền đạo Trung Quốc đều chia sẻ.
Hậu vệ biên cũng có thể giúp Trung Quốc có tình huống tấn công chiều sâu. |
Ngôi sao Wu Lei cũng thuần thục kỹ năng này. Điểm khác biệt duy nhất chỉ là việc anh thường ôm sâu vào bên trong, đồng nghĩa rằng các pha bóng thay đổi nhịp độ đột ngột này nhiều khả năng có thể giúp Wu Lei có tình huống dứt điểm (ghi bàn hoặc kiến tạo) trực tiếp.
Ngôi sao Wu Lei rất nguy hiểm trong các pha bóng này. |
Cần nhấn mạnh rằng Trung Quốc ưa các cú bấm bổng không đơn thuần dưới dạng chuyền dài vượt tuyến. Ngay cả ở các tình huống gần vùng cấm địa, họ cũng thường xuyên có những pha “vượt tường” bằng cách chích mũi giày.
Một pha bấm bóng của Wu Xi ở gần vùng cấm địa. |
Jingdao câu bóng cho hậu vệ phải tấn công biên. |
Pha phối hợp ăn ý giữa Xizhe và Wu Lei. |
Ngoài ra, một điểm nhấn khác trong lối chơi của Trung Quốc cần nhắc tới là việc triển khai áp sát ngay từ phần sân đối thủ. Ba tiền đạo của Trung Quốc sẽ dâng lên để đảm bảo đối thủ không thể chuyền ngắn và buộc phải phất bóng.
Pha áp sát từ xa dẫn tới cơ hội nguy hiểm cho Trung Quốc. |
Các hậu vệ rắn rỏi của họ sẽ sẵn sàng cho các pha phất dài. Còn đối với các cú phát bóng trung bình, bộ ba tiền vệ của họ sẽ lập tức có mặt theo khu vực để tranh chấp.
Với các pha tranh chấp thành công, Trung Quốc có khả năng phản công ngay lập tức. Việc 3 tiền đạo đứng sẵn trên cao trở thành lợi thế khi họ có thể tạo ra cơ hội với khoảng 3-4 đường chuyền.
Pha áp sát từ xa tốt dẫn tới bàn thắng cho Trung Quốc. |
Việt Nam nên dùng sơ đồ 4 tiền vệ như Syria?
Làm thế nào để khắc chế Trung Quốc? Điều đầu tiên là về mặt sơ đồ. Syria nhập cuộc với sơ đồ 3-5-2/5-3-2, điều này dẫn đến điểm yếu khi phòng thủ khu vực biên như đã nói phía trên.
Sau 15 phút đầu trận, HLV Nizar Mahrous của đội bóng Tây Á đã kéo một tiền đạo lùi xuống làm tiền vệ trái, từ đó thiết lập sơ đồ 5-4-1. Tuyến hai của Syria giờ có 4 tiền vệ thay vì chỉ là 3.
Điều này đã giúp họ cải thiện đáng kể khả năng phòng ngự.
Syria chuyển từ 5-3-2 sang 5-4-1 ở khoảng phút thứ 15. |
Hai tiền vệ biên của Syria sẽ ôm sâu vào bên trong để giữ cự ly chiều ngang với tiền vệ trung tâm khi bóng đang lăn ở giữa sân. Nhưng ngay khi bóng được chuyền cho hậu vệ biên, họ sẽ băng ra áp sát. Việc có một nguồn gây áp lực thường trực và rõ ràng đã giúp Syria hạn chế được các pha đập nhả và chuyền dài của Trung Quốc tại biên.
Syria có nhân sự phù hợp để phụ trách hậu vệ biên đối thủ, từ đó hạn chế được cú câu bổng. |
Ngoài ra, việc có thêm người ở giữa sân cũng đồng nghĩa việc Syria tăng cường khả năng cầm bóng trung tuyến với số lượng nhân sự đông đảo. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong các pha chuyển hướng tấn công. Do tiền đạo cánh đẩy cao, Trung Quốc thường xuyên để lộ khoảng trống ở khu vực xa bóng nơi trung tuyến, rất thích hợp cho các chân chạy biên áo trắng tận dụng.
Syria đập nhả ở một bên và chuyển hướng tấn công nhanh sang bên còn lại. |
Việc cầm bóng được ở giữa sân, thay vì phất dài trực tiếp từ trung vệ, sẽ là rất quan trọng. Cũng tương tự như Australia, Syria có một số cơ hội từ những cú đánh vào các khe giữa hàng hậu vệ của đối thủ bằng cách băng cắt tốc độ. Dường như Trung Quốc có điểm yếu về thông tin liên lạc, điều dễ hiểu khi họ có các ngoại binh trong hàng ngũ.
Các hậu vệ Trung Quốc thường bị động khi đối mặt với cú băng cắt nhắm vào khe. |
Australia cũng nhiều lần gây khó cho Trung Quốc bằng cách băng cắt tấn công vào giữa các hậu vệ. |
Các trung vệ Trung Quốc thường bám theo đối thủ và để lại khoảng trống sau lưng. |
Không có chuyện dễ dàng
Màn trình diễn có thể xem là ổn trước Australia trên sân Mỹ Đình vào tháng 9/2021, cộng thêm việc Trung Quốc thua dễ cả hai trận đầu vòng loại thứ ba World Cup 2022 có lẽ đã khiến một bộ phận người hâm mộ cảm thấy chủ quan.
Thế nhưng không hề có một trận đấu dễ dàng chờ đợi tuyển Việt Nam tại UAE. Chúng ta có thể giành điểm hoặc thậm chí giành chiến thắng hay không? Có. Nhưng đừng trông chờ 90 phút nhàn nhã tại Sharjah.
Nguồn: News.zing.vn