Tuyển Việt Nam sẽ tiếp tục thay đổi trước Trung Quốc, Oman?

0
Tuyển Việt Nam sẽ tiếp tục thay đổi trước Trung Quốc, Oman?

3 tuần tập luyện trước trận gặp Trung Quốc và Oman vào tháng 10 là cơ hội để HLV Park Hang-seo tìm diện mạo mới cho tuyển Việt Nam.

Tuyển Việt Nam bỏ lỡ cơ hội kiếm điểm số lịch sử trong 2 trận mở màn vòng loại thứ ba World Cup 2022, nhưng điểm số cũng là thứ duy nhất thầy trò HLV Park Hang-seo chưa có. Song song với cái mất ấy, Nguyễn Quang Hải cùng đồng đội đã được rất nhiều.

Họ đã định vị lại chỗ đứng giữa những đội bóng hàng đầu châu lục, có thêm nhiều bài học quý sau thất bại.

tuyen viet nam anh 1

Tuyển Việt Nam học được cách chơi phòng ngự phản công chủ động sau 2 trận thua trước UAE và Saudi Arabia với điểm nhấn là phong độ chói sáng của Hoàng Đức. Ảnh: Thanh Hà.

Phòng ngự không còn là chìa khóa vạn năng

Thất bại ở vòng loại thứ ba không có gì đáng xấu hổ. Thua Australia, Saudi Arabia hay Nhật Bản thậm chí còn là điều mà thế hệ vàng của HLV Park phải vắt sức để được trải nghiệm. Trong quá khứ, nhiều lứa cầu thủ tài năng từng làm vang danh bóng đá nước nhà, nhưng do thiếu kinh nghiệm gặp đội mạnh, họ không thể bứt lên đẳng cấp châu lục.

Thất bại trước những đỉnh núi châu lục sẽ giá trị hơn chiến thắng trước những đối thủ bé nhỏ miễn là học trò của thầy Park cầu thị và học hỏi. Sau 3 trận toàn thua trước UAE, Saudi Arabia cùng Australia, người hâm mộ có thể nhìn thấy sự trưởng thành. Qua mỗi trận, tuyển Việt Nam từng bước thay đổi để hướng tới phiên bản hoàn thiện hơn.

2 thất bại với cùng 3 bàn thua trước UAE và Saudi Arabia là 2 bài học đau đớn về câu chuyện phòng ngự – nền tảng giúp tuyển Việt Nam được báo Australia đánh giá là “đội bóng trưởng thành nhanh nhất châu Á thời gian qua”. Trước tháng 6/2021, các cấp độ đội tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Park chỉ thua 1 trận với nhiều hơn 2 bàn là thất bại trước Olympic Hàn Quốc của Son Heung-min ở bán kết ASIAD 2018.

Ngoại trừ Asian Cup 2019 và U23 châu Á 2018, tỷ lệ sạch lưới của tuyển Việt Nam ở các giải lớn nhỏ còn lại là trên 50%.

50 phút bị “quần” tơi tả trên sân UAE với 3 bàn thua chóng vánh chỉ ra rằng không thể chỉ dựng khối bê tông với số đông hậu vệ, tiền vệ là trụ vững trước những đối thủ mạnh. Để bảo vệ cầu môn, tuyển Việt Nam phải có nhịp thi đấu, chủ động cầm bóng, phối hợp và có lối chơi của riêng mình.

Trong bài viết cho tờ Times, HLV Rafael Benitez từng chia sẻ: “Tốc độ luân chuyển bóng sẽ tạo ra khác biệt về thế trận”. Phòng ngự chỉ có thể hiệu quả khi đi kèm phản công. Cầm bóng, phối hợp, chuyền ngắn và chuyển trạng thái là nền móng nằm dưới lòng đất để bức tường phòng ngự đứng vững trước các đợt công thành.

Trận thua 1-3 trước Saudi Arabia dẫu có tiếc nuối với thẻ đỏ của Đỗ Duy Mạnh, nhưng cũng chỉ ra điểm yếu của tuyển Việt Nam. Cũng với sơ đồ 5-4-1 như trận gặp UAE, tuyển Việt Nam đã cầm bóng tốt hơn và có hiệp đấu sạch lưới trước đối thủ dự 5 trong 7 kỳ World Cup gần nhất.

Tuy nhiên, 3 bàn thua trong chưa đầy 30 phút cho thấy giữa các hậu vệ, tiền vệ chưa có sự phối hợp đồng nhất. Phòng ngự không chỉ là phá bóng thật xa mà cần chủ động áp sát, đọc bài, cắt đường chuyền và gây áp lực quyết liệt ở những khu vực trọng yếu. Quan trọng hơn, tuyển Việt Nam phải có nhịp chơi của riêng mình để giảm sức ép từ đối thủ.

Trận thua Australia là phiên bản hoàn thiện gần nhất của tuyển Việt Nam: Ngang ngửa về thế trận, vượt trội về số tình huống dứt điểm. Các học trò của HLV Park là đội đầu tiên có cơ hội, cũng là đội cuối cùng dứt điểm về cầu môn đối thủ ở trận này. Cả hai tình huống đều đến từ phối hợp tấn công nhanh, tạo cơ hội cho cầu thủ tấn công đối mặt (Quang Hải và Hà Đức Chinh).

Đó là “đầu ra” của lối đá chủ động cả trong phòng ngự lẫn tấn công. Lối đá ấy sẽ không thành hình nếu thiếu thất bại trước UAE và Saudi Arabia. Tâm thế ấy sẽ không xuất hiện nếu quanh năm, đội tuyển chỉ đá với Malaysia, Indonesia hay Philippines.

“Đấy là bài học cho cả nền bóng đá mà chỉ những trải nghiệm đỉnh cao mới mang lại. Cầu thủ phải thi đấu nhiều mới thích ứng được với đẳng cấp này”, chuyên gia Đoàn Minh Xương phân tích với Zing.

tuyen viet nam anh 2

Tuyển Việt Nam áp đảo Australia về số tình huống dứt điểm khi mạnh dạn đẩy cao đội hình để pressing và tấn công trong hiệp 2. Ảnh: Việt Linh.

HLV Park làm mới lối chơi

Để thay đổi lối chơi và con người, HLV Park cần hai yếu tố. Một, ông phải có nhân sự đủ tốt. Hai, ông phải thực sự muốn thay đổi. Nhiều phát kiến của chiến lược gia Hàn Quốc trước đây đến từ hoàn cảnh khách quan nhiều hơn ý muốn chủ quan.

Đơn cử như Nguyễn Trọng Hoàng chỉ được dùng ở cánh phải khi Vũ Văn Thanh chấn thương, Bùi Tấn Trường được ưu tiên khi Đặng Văn Lâm gặp khó khăn ở Nhật Bản hay Nguyễn Hoàng Đức bước ra ánh sáng sau chấn thương dài hạn của Đỗ Hùng Dũng.

Những trường hợp này có điểm chung là HLV Park không chủ định thay đổi, chỉ dùng nhân tố mới trong hoàn cảnh bắt buộc (chấn thương, thẻ phạt).

Ngược lại, hàng tấn công lại là nơi ông Park muốn thay đổi nhất nhưng chưa thể làm triệt để bởi thiếu nhân sự. Phan Văn Đức chơi kém nổi bật vẫn có 6 trận đá chính liên tục bởi HLV Park cho rằng không ai làm tốt hơn ở vị trí này. Nguyễn Tiến Linh thiếu nhạy bén ở 2 trận đầu nhưng phải đến 15 phút cuối trận Australia, anh mới được cho ra nghỉ.

Tuy nhiên như đã nói, mỗi trận đấu đều mang tới những trải nghiệm mới để ban huấn luyện nghiên cứu. 63 phút không ấn tượng trước Australia có thể là cơ hội cuối cùng của Văn Đức. Từ trận tới, Nguyễn Văn Toàn có khả năng được chơi nhiều hơn. Tiền đạo sinh năm 1996 dẫn đầu danh sách ghi bàn ở V.League 2021 nhưng chỉ chơi 471 phút, đá chính 6 trong 10 trận của tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup (trung bình 47 phút/trận).

Ngoài Văn Toàn, HLV Park có thể tính đến Phạm Tuấn Hải – một tiền đạo đã chứng tỏ khả năng độc lập tác chiến ở V.League dưới màu áo CLB không mạnh về tấn công Hà Tĩnh. Đức Chinh với tốc độ và sự càn lướt, là một phương án mới mẻ khác mà ông Park không trọng dụng bấy lâu.

Ngoài ra, sự trở lại của Nguyễn Công Phượng cũng mang lại làn gió mới khi cầu thủ sinh năm 1995 đa năng, giỏi tạo đột biến và đang có phong độ tốt.

45 phút hiệp 2 trước Australia cũng chứng minh rằng tuyển Việt Nam đủ sức chơi sòng phẳng bằng đội hình 3-4-3 hoặc 3-5-2 trước đối thủ đang đứng tốp 5 châu lục. Khi HLV Park tung Phạm Đức Huy vào sân để đội tuyển chuyển sang sơ đồ 3 hậu vệ, tuyển Việt Nam đã có quãng thời gian khiến Australia lo lắng.

Với một cầu thủ càn quét đứng trước hàng thủ, đội hình tuyển Việt Nam được đẩy lên khoảng 10m để gây áp lực trực diện, chủ động pressing để đoạt bóng trên phần sân đối thủ. Phong độ chói sáng của Hoàng Đức cùng những bước chạy thông minh của Quang Hải đã nâng tầm lối chơi chuyển trạng thái của tuyển Việt Nam.

Hoàng Đức là cầu thủ nổi bật nhất khi anh chạy không ngừng nghỉ như “con thoi”, làm đồng thời nhiệm vụ thu hồi bóng, đánh chặn, kéo bóng đến tổ chức tấn công. Nếu chỉ phòng ngự bị động, nguồn năng lượng cùng tiềm năng của Hoàng Đức sẽ bị lãng phí. Tương tự, hàng tiền đạo trẻ, khỏe của đội tuyển xứng đáng được trao cơ hội tiếp cận cầu môn thay vì phải lùi về giữa sân và chạy nước rút tới 40, 50m cho một tình huống lên bóng.

Gặp Trung Quốc và Oman, những đối thủ yếu hơn Australia, Saudi Arabia, tuyển Việt Nam cần tấn công nhiều hơn. Thay đổi cách chơi quen thuộc trong 2, 3 năm không hề dễ dàng. HLV Park nói rằng nhiều cầu thủ cảm thấy khó khăn với điều chỉnh chiến thuật của ban huấn luyện. Dù vậy, 270 phút vừa qua cho thấy mọi thay đổi đều khả thi nếu tuyển Việt Nam tiếp tục nỗ lực.

Highlights vòng loại World Cup: Việt Nam 0-1 Australia Bàn thắng duy nhất của Rhyan Grant giúp đội khách Australia giành 3 điểm trước Việt Nam ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á tối 7/9.
tuyen viet nam anh 3

Nguồn: News.zing.vn