Quảng Ninh là trung tâm du lịch lớn của cả nước với nhiều tiềm năng, lợi thế lớn về phát triển, khai thác ngành công nghiệp “không khói” hiếm nơi nào có được, thu hút lượng khách du lịch hàng triệu lượt mỗi năm. Do vậy, tỉnh phấn đấu đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững.
Chị Lê Thị Dung (du khách đến từ Thanh Hoá) nhận lại túi xách từ Ban Quản lý Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu
Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh du lịch, nhất là việc đẩy mạnh thực hiện ứng xử văn minh du lịch.
THÊM NHỮNG HÀNH ĐỘNG ĐẸP
Đầu tháng 7 vừa qua, ông Niray Anand Singh, du khách Ấn Độ bất cẩn để quên túi xách trên tàu du lịch, bên trong chứa nhiều ngoại tệ, vật dụng cá nhân cùng các giấy tờ tuỳ thân khác với giá trị tài sản gần 100 triệu đồng. Sau khi kiểm tra tàu, thuyền trưởng tàu Phương Hằng 18 phát hiện túi xách bỏ quên, nộp về Ban Quản lý Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu để tìm và trao trả cho người để quên. Trường hợp của ông Niray Anand Singh chỉ là một trong số nhiều du khách được Cảng tàu giúp tìm, nhận lại đồ thất lạc trong thời gian qua. Theo số liệu thống kê, bình quân mỗi năm, Cảng trả lại 20 tới 30 món đồ có giá trị cùng hàng trăm tài sản lớn, nhỏ khác như: Máy ảnh, máy tính, điện thoại, ví, hộ chiếu… Tính từ đầu năm đến nay, Cảng đã trả lại khoảng 15 món đồ có giá trị cho du khách. Hôm chúng tôi đến Cảng làm việc, chị Lê Thị Dung, du khách đến từ Thanh Hoá cũng may mắn được nhận lại túi xách thất lạc. Chị Dung phấn khởi nói: “Mặc dù không có nhiều tiền nhưng toàn bộ giấy tờ tuỳ thân của tôi và gia đình đều nằm trong chiếc túi này nên làm mất túi, tôi rất lo lắng. Tôi tìm khắp nơi từ sáng nhưng vẫn không thấy. Thật may, khi thông báo với Ban Quản lý Cảng, tôi nhanh chóng nhận lại được đồ của mình. Hành động này của người dân Quảng Ninh và Cảng tàu thực sự đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho tôi”.
Ông Phạm Thanh Tùng, Giám đốc Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, cho biết: Bên cạnh việc tìm và trả lại đồ thất lạc cho khách du lịch, thời gian qua, Cảng còn đẩy mạnh hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường; hỗ trợ khách khi gặp sự cố bất ngờ trên tàu, trên chuyến hành trình của mình; giúp đỡ người thân tìm trẻ lạc; ra quân trấn áp tình trạng đeo bám, chèo kéo khách du lịch. Đặc biệt, đội ngũ nhân viên luôn giữ thái độ tươi cười, niềm nở, tạo sự thân thiện, gần gũi để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Những hành động này tuy nhỏ, song đã tạo được niềm tin, sự yêu mến của du khách, đồng thời thể hiện được sự văn hoá, văn minh trong ứng xử của người Quảng Ninh đối với khách du lịch.
Không riêng gì Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, nhiều địa phương và đơn vị du lịch trong tỉnh cũng có những hành động đẹp khi trả lại đồ thất lạc cho người dân, du khách. Đơn cử, ở Cô Tô, từ đầu năm đến nay có nhiều trường hợp người dân trả lại lượng lớn tiền mặt nhặt được, như trường hợp trả 70 triệu đồng cho anh Nguyễn Minh Quân (Phú Thọ), trả 16 triệu đồng cho chị Đinh Thị Thuý Quỳnh (Hà Nội)… Trước đó, cũng đã có nhiều trường hợp học sinh trả lại điện thoại, ví tiền cho khách làm rơi hay người dân nhặt được điện thoại mang đi sửa để tìm cách liên lạc và gửi theo đường bưu điện đến tay người mất.
ĐI TRƯỚC, ĐÓN ĐẦU
Ứng xử văn minh du lịch hiện được xem là yếu tố quan trọng, cần thiết để ngành Du lịch phát triển bền vững, có chất lượng, chiều sâu, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Ngày 2/3/2017, Bộ VHTTDL ban hành Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch trên quy mô cả nước. Ngay sau đó, Quảng Ninh đã yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch thông qua việc phổ biến rộng rãi, tuyên truyền, hướng dẫn người dân, du khách và các tổ chức hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh về Bộ quy tắc theo hướng lồng ghép với Bộ quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Ngô Thị Mai Hương, Phó Phòng Quản lý lữ hành, Sở Du lịch cho biết: “Đây là lần đầu tiên, ngành Du lịch ban hành bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch trên quy mô cả nước. Ở Quảng Ninh, việc ban hành bộ quy tắc và thực hiện ứng xử văn minh trong du lịch đã được triển khai từ rất sớm, ngay từ khi UBND tỉnh ban hành Bộ Quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long” vào tháng 10/2015. Đối chiếu hai bộ quy tắc có thể thấy, Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch quy định chi tiết hơn các nội dung, nhưng về tổng quan chung cũng giống nhau. Cả hai đều đưa ra những quy định, chuẩn mực nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách ứng xử văn minh đối với khách du lịch, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch, cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch”.
Theo đó, xác định được tầm quan trọng của ứng xử văn minh trong du lịch, thời gian qua, Bộ Quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long” đã được tỉnh triển khai sâu rộng bằng nhiều giải pháp. Tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung Bộ Quy tắc đến toàn thể người dân, xã, phường, khu dân cư, các doanh nghiệp du lịch trong toàn tỉnh; tổ chức các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ lữ hành, nghiệp vụ du lịch cho thuyền viên, lái xe ô tô vận chuyển khách du lịch, thuyết minh viên, hướng dẫn viên, trong đó có gắn nội dung Bộ Quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”. Đồng thời, lựa chọn 15 doanh nghiệp du lịch làm điểm triển khai thực hiện tốt nội dung Bộ Quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long” để từ đó nhân rộng triển khai tới toàn thể doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh. Tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ, xử lý các vấn đề “nóng” trong hoạt động du lịch, nhất là những tiêu cực trong văn hoá ứng xử của người dân và du khách… Các địa phương và đơn vị kinh doanh du lịch cũng đã hưởng ứng tích cực việc triển khai Bộ Quy tắc này. Tiêu biểu như: TP Móng Cái hình ảnh hoá một số nội dung Bộ Quy tắc với hình thức biển hiệu, hình ảnh trực quan gắn tại các điểm du lịch, nơi công cộng để hướng dẫn khách du lịch, cộng đồng dân cư thực hiện; Tiên Yên tổ chức tuyên truyền Bộ Quy tắc tới hàng trăm cơ sở kinh doanh du lịch, cơ sở lưu trú trên địa bàn; Vân Đồn thành lập Ban Chỉ đạo hưởng ứng chương trình “Nụ cười Hạ Long” và Bộ Quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long” v.v..
Sau gần 2 năm được ban hành, việc triển khai thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long” nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch; đặc biệt là đã tạo được chuyển biến tích cực về nhận thức, hành vi của đội ngũ CB,CC,VC, người lao động của các doanh nghiệp làm việc trong ngành. Qua đó, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách khi đến với Quảng Ninh, cũng như nâng cao nhận thức của người dân và du khách về ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch.
Hoàng Anh
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn