Ngoài những cánh đồng bông bạt ngàn, Uzbekistan còn sở hữu kiến trúc độc đáo, nền văn hóa đa dạng và những câu chuyện về các thương nhân trên con đường Tơ Lụa xưa kia.
Ngoài những cánh đồng bông bạt ngàn, Uzbekistan còn sở hữu kiến trúc độc đáo, nền văn hóa đa dạng và những câu chuyện về các thương nhân trên con đường Tơ Lụa xưa kia.
Vào đêm cuối cùng của tháng 3, tôi mang theo hành lý rời Việt Nam đến vùng đất được mệnh danh là “vương miện của Trung Á”, Uzbekistan. Hành trình dài nửa tháng qua 4 thành phố lớn đã để lại trong tôi nhiều cung bậc cảm xúc.
Khác xa TP.HCM với cái nắng gay gắt, đất trời Uzbekistan đang giữa những ngày xuân, hoa cỏ mơn mởn. Tiết trời rất đẹp. Nhiệt độ mát mẻ và thích hợp với những hoạt động ngoài trời.
Visa và những điều cần biết
Nằm trên con đường Tơ Lụa, Uzbekistan là điểm giao thương sôi động của nhiều nền văn hóa trong quá khứ. Ngoài những cánh đồng trồng bông bạt ngàn, nơi đây sở hữu kiến trúc độc đáo và bản sắc văn hóa đa dạng nhưng không bị pha trộn.
Tuy nhiên, ban đầu, tôi dự định đến một đất nước khác, Pakistan. Song, vì tình hình chiến sự và căng thẳng ngoại giao ở đây, tôi đã hủy chuyến đi đó và chuyển hướng sang “vương quốc những loại dưa”.
Sau khi xin e-visa và đặt vé máy bay, tôi bắt đầu lên kế hoạch chi tiết cho chuyến đi đến vùng đất Trung Á còn lạ lẫm này chỉ trong một tuần.
Uzbekistan là nơi có nền văn hóa độc đáo đậm đà bản sắc. |
Visa: Từ tháng 2, Uzbekistan mở cổng đăng ký e-visa dành cho công dân Việt Nam. Thủ tục đơn giản. bạn không cần phải chứng minh tài chính, lịch trình, việc làm hay đặt trước vé máy bay.
Thời hạn loại visa này là 6 tháng, nhập cảnh một lần, ở tối đa 30 ngày. Chi phí thanh toán là 21,5 USD. Sau khi hoàn tất, kết quả sẽ được gửi về địa chỉ email sau 48 tiếng (không tính thứ bảy và chủ nhật).
Lưu ý, khi đính kèm ảnh thẻ, bạn nên cắt hình nhỏ lại, vừa đủ khuôn mặt. Phần viền ảnh vừa chạm vào đỉnh đầu và 2 mép tai. Nếu phần phông trắng nhiều, hệ thống sẽ báo lỗi dù ảnh đúng kích cỡ quy định.
Sau khi có visa, bạn hãy in ra rồi kẹp vào hộ chiếu. Khi bay nối chuyến tại nước thứ 3 hay thậm chí trở về từ Uzbekistan, hải quan vẫn sẽ yêu cầu xem visa. Bạn nên đăng ký theo đường link của website Đại sứ quán Uzbekistan cung cấp. Những link khác của đại lý sẽ có phí cao hơn.
Hiện tại, việc du lịch đến Uzbekistan tương đối dễ dàng bởi quốc gia này mới nới lỏng chính sách cấp visa cho công dân Việt Nam. |
Vé máy bay: Từ Việt Nam bay đến thủ đô Tashkent của Uzbekistan, bạn phải nối chuyến đến nước thứ 3. Chi phí nối chuyến khoảng 550 USD, tùy vào thời gian đặt vé cũng như quốc gia thứ 3.
Tiền tệ: Đồng nội tệ của Uzbekistan là đồng som (UZS). 1 UZB đổi 3.000 đồng. 1 USD đổi 8.380 UZS. Bạn có thể đổi tiền ở sân bay, tối đa là 500 USD/người.
Mệnh giá tiền khá nhỏ. Tờ lớn nhất là 50.000 UZS. Bạn không cần đổi nhiều bởi tất cả khách sạn, cửa hàng, nhà hàng và taxi đều chấp nhận thanh toán bằng USD.
Lưu ý, khi đổi tiền, bạn nhớ giữ lại biên lai. Ngày về, nếu bạn còn dư tiền, bạn cần biên lai này mới có thể đổi lại.
Internet: Bạn có thể mua sim tại sân bay và các cửa hàng với giá 50.000-100.000 đồng. WiFi ở Uzbekistan không phổ biến, chỉ ở khách sạn mới có WiFi.
Ngôn ngữ: Người dân nước này sử dụng tiếng Uzbek và tiếng Nga. Rất ít người có thể nói tiếng Anh. Nơi nói tiếng Anh nhiều nhất là thành phố Bukhara.
Ổ điện: 220 V. Hệ thống điện tại đây sử dụng ổ cắm tròn giống Việt Nam nên bạn không cần mang đầu chuyển điện.
Thời gian: Chậm hơn Việt Nam 2 tiếng.
Tuy bất đồng về ngôn ngữ, tôi vẫn thấy người Uzbekistan khá thân thiện. |
Ăn gì, ở đâu và đi lại thế nào?
Thức ăn: Một số món đặc trưng của Uzbekistan phải kể đến là plov (gần giống cơm rang ở Việt Nam), súp lagman (gồm sợi mì bản to, thì là, cà rốt, khoai tây và thịt cừu) và bánh samsa (bánh hình tam giác, nhân thịt cừu hoặc bò, có thêm rau và gia vị). Sữa chua ở đây có dạng sệt và vón cục. Người ta thường ăn kèm sữa chua với các món ăn khác.
Giá thức ăn trong nhà hàng sang trọng hay quán ăn bình dân đa số bằng nhau, chỉ 10.000-30.000 UZS/món. Nhà hàng thu thêm 10-20% phí phục vụ.
Trang phục: Hồi giáo chiếm đa số nhưng không phải là quốc giáo. Khác với nhiều quốc gia Trung Đông, phong cách ở Uzbekistan có phần thoáng hơn. Bạn có thể bắt gặp những phụ nữ trẻ mặc váy ngắn ra ngoài đường.
Di chuyển: Tại các thành phố lớn như Tashkent, Samarkand, Khiva và Bukhara, bạn có bắt taxi với giá rẻ bằng 1/2-1/3 so với Việt Nam và mặc cả thoải mái. Đặc biệt, tại thủ đô, bạn có thể sử dụng hệ thống tàu điện ngầm với giá vé mỗi chặng là 1.200 UZS.
Nếu muốn di chuyển giữa các thành phố, bạn có thể chọn tàu cao tốc, tàu thường, tàu đêm hoặc taxi. Nếu đặt vé tàu qua đại lý, bạn phải gửi ảnh hộ chiếu và mặt trước của thẻ tín dụng cùng các thông tin liên quan. Phía đại lý sẽ gửi vé tận khách sạn cho bạn một ngày trước khi khởi hành.
Khách sạn: Tôi chọn phòng lưu trú tại các khu trung tâm, gần chỗ tham quan hoặc trạm tàu điện ngầm.
Đối với khách ngoại quốc, khách sạn sẽ thu phí mỗi người 2-2,5 USD/ngày. Khoản thu này có biên lai và đóng dấu mộc. Tờ giấy này bạn phải giữ kĩ, phòng khi hải quan yêu cầu xuất trình khi xuất cảnh.
Mua sắm: 90% mặt hàng từ chợ địa phương đến khu tham quan là hàng Trung Quốc. Một số đồ địa phương gồm thảm, đồ đồng, đĩa gốm và một số áo choàng. Hàng đẹp nhưng mức giá khá cao. Ngoài ra, bạn có thể mua một số loại gia vị và hạt khô.
Lưu ý, nhà vệ sinh công cộng chỗ nào cũng sạch nhưng không có giấy. Nếu có ý định sử dụng, bạn nên mang theo.
Những món đồ nhỏ xinh tại các cửa hàng lưu niệm luôn mang hơi hướm nghìn lẻ một đêm. |
Thành phố xanh hơn cả Singapore
Thành phố Tashkent, điểm dừng chân đầu tiên, khiến tôi ấn tượng với số cây xanh còn nhiều hơn lượng cư dân ở đây. Tôi từng đọc ở đâu đó nói rằng tỷ lệ người và cây trong thành phố là 1:40.
Quả thật, không nơi nào trong thành phố vắng màu xanh. Ở một góc nhỏ, tôi áng khoảng hàng trăm cây xanh rợp bóng.
Các công viên rộng lớn xuất hiện ở khắp nơi với những thảm cỏ xanh ngắt phủ trắng bồ công anh. Hoa tulip được trồng nhiều tại các bồn cây quanh vỉa hè, công viên và lối đi ven đường. Giữa độ xuân, bạn có thể cảm nhận hương hoa thơm lừng trong không khí.
Độ xanh, sạch và trong lành thậm chí có thể vượt qua Singapore. Suốt những ngày ở đây, tôi không nhìn thấy một mảnh rác hay làn nước thải nào xuất hiện ngoài đường. Sau này, khi đến những thành phố khác, tôi nhận ra không chỉ riêng Tashkent, nơi đâu trên khắp đất nước này cũng sạch sẽ như vậy.
Thủ đô Tashkent khiến tôi bất ngờ về độ phủ xanh trong thành phố. |
Ngoài ra, tôi dành trọn 2 ngày để khám phá hệ thống tàu điện ngầm đầu tiên và lộng lẫy nhất khu vực Trung Á cũng như các thánh đường, lăng mộ, học viện Hồi giáo, chợ địa phương.
Không giống lời quảng cáo, hệ thống tàu điện ở đây khiến tôi hơi thất vọng. Đó là nơi duy nhất tôi nhìn thấy nước thải chảy lênh láng trên sàn ở Tashkent. Không hoạt động thương mại nào diễn ra dưới các tầng hầm bởi nơi đây cũng là hầm chống bom hạt nhân của quân đội. Do đó, mọi thứ đơn sơ đến ngạc nhiên.
Chợ Chorsu nằm gần khách sạn tôi ở bán nhiều loại gia vị và hạt khô đặc trưng của Trung Đông. Bạn có thể mua những sản vật địa phương mang đậm nét văn hóa của một vùng đất nằm trên con đường Tơ Lụa về làm quà.
Các tòa nhà ở khu trung tâm hành chính của thành phố đều mang hơi thở hiện đại. Nổi bật nhất là khách sạn Uzbekistan với lối kiến trúc có những ô vuông đan xen ở mặt tiền, đậm chất Liên Xô cũ.
Tôi đặc biệt ấn tượng với khu Trung tâm Hội nghị Quốc gia xây bằng đá trắng nổi bật giữa bầu trời xanh ngắt ở thủ đô. Khi tôi ở đó, một phái đoàn quan chức cấp cao đi qua với sự hộ tống của đoàn cảnh sát. Đường phố rất vắng, không người qua lại nhưng đoàn xe vẫn đứng chờ đèn đỏ đến hàng chục giây.
Hầu hết điểm đến tại thành phố Tashkent đều sạch sẽ. |
Đền đài bước ra từ truyện cổ tích
Samarkand là thành phố tôi thích nhất tại Uzbekistan. Nơi đây có những thánh đường và học viện Hồi giáo lộng lẫy với mái vòm xanh màu ngọc bích và lăng tẩm mang giá trị văn hóa lịch sử.
Khách sạn tôi ở nằm ngay cạnh khu lăng mộ Guri Amir, nơi yên nghỉ của kẻ chinh phục châu Á. Công trình này chiếm vị trí quan trọng trong lịch sử kiến trúc Ba Tư – Mông Cổ và là tiền thân và mô hình cho các lăng mộ kiến trúc Mughal sau này như Taj Mahal (Ấn Độ) và vườn Babur (Afghanistan).
Như một cung điện dát vàng, mọi thứ trong lăng mộ này đều lộng lẫy như tái hiện cuộc sống của nhà vua trước khi mất. Những hàng thư pháp bằng tiếng Arab dát vàng cùng hình ảnh của “Ngôi vườn với dòng sông chảy bên dưới”, cụm từ sử dụng trong kinh Qur’an của đạo Hồi để chỉ thiên đường.
Quảng trường Registon là nơi không thể bỏ qua với 3 học viện Hồi giáo lớn, được trang trí bằng hàng triệu mảnh sành với hoa văn cầu kì, tỉ mỉ. Phong cách kiến trúc này thường xuất hiện ở các thành phố lớn tại Uzbekistan và được xây từ thế kỷ 12-16.
Ngoài ra, tại thành phố này, tôi cũng đã thấy những ngọn tháp lấp lánh tựa hải đăng trên cạn dẫn đường cho các thương nhân trên con đường Tơ Lụa cổ xưa dài gần 6.500 km.
Hoa văn sử dụng trong các công trình Hồi giáo khá phức tạp. |
Thảm hoa anh đào ở thung lũng
Cách Samarkand không xa, khoảng 100 km, dãy núi Shahrisabz phủ tuyết trắng khiến tôi như chết lịm. Khác xa với vẻ lạnh lẽo và đơn côi của dãy núi cùng tên, thành phố cách đó 10 km hừng hực sức sống.
Trải dài qua các triền núi, rừng hoa anh đào tô sắc hồng rực. Xa xa, thảo nguyên xanh ngắt vắt qua thung lũng tựa tấm lụa mềm. Anh đào ở Uzbekistan không lớn và rũ như anh đào Nhật Bản. Loài hoa ở đây có thân cây nhỏ và mỏng manh nhưng hoa nở rợp trời.
Thiên nhiên Uzbekistan hừng hực sức sống giữa những ngày xuân. |
Lúc trước, khi hủy chuyến đi Pakistan, điều làm tôi tiếc nuối nhất là không thể ngắm hoa anh đào ở đó. Song, thật may mắn khi tôi có thể tận mắt chứng kiến thảm hoa ở nơi đây.
Khu di sản Itchan Kala nằm gọn gẽ trong bức tường thành uy nghi giữa ốc đảo Khiva, nơi thời gian như dừng lại. Không khí và cảnh sắc như tái hiện sinh động các hoạt động giao thương cổ xưa. Bạn như trở thành một phần của lịch sử khi đi giữa bảo tàng sống xuyên không gian, vượt thời gian.
Cột tháp Kalta Minor màu xanh lục bảo sẽ thu hút ánh nhìn đầu tiên của bạn. Công trình này được bao phủ hoàn toàn bằng gạch tráng men màu xanh và sành Majolica, khác hẳn với hai cột tháp Minaret gần đó là Islam Khodja và Djuma Mosque.
Trong quá khứ, cột tháp này được kiến trúc sư dự kiến xây cao 70 m. Song, theo truyền thuyết, vì tham lam, ông ta đã nhận tiền hối lộ từ vị lãnh đạo Bukhara để xây cột tháp khác cao hơn. Hành động này khiến lãnh đạo Khiva bấy giờ là Mohammad Amin Khan tức giận và xử tử kiến trúc sư. Điều này khiến tháp Kalta Minor mãi mãi dang dở ở độ cao 29 m cho đến ngày hôm nay.
Thành phố Bukhara là điểm đến cuối cùng trước khi tôi quay trở lại thủ đô Tashkent để bay về Việt Nam. Ngoài những thánh đường, học viện Hồi giáo và pháo đài cổ, Bukhara còn là nơi giao lưu văn hóa lớn tại Uzbekistan.
Số lượng người sử dụng tiếng Anh ở đây nhiều hơn những nơi còn lại. Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ cũng được sản xuất nhiều tại đây nên hàng hóa đa dạng và mang bản sắc nhiều hơn.
Tuy nhiên, vì khách du lịch đông, thương nhân ở đây cũng khá “chặt chém”. Thậm chí, bạn có thể gặp một người đàn ông đứng trong con đường nhỏ gần khu tham quan. Ông ta chờ du khách đi ngang và mời về nhà dùng bữa. Bạn hãy cẩn thận bởi chất lượng và giá cả của bữa ăn có thể không như những lời quảng cáo.
Rời Uzbekistan, tôi mang theo những kỷ niệm của đất nước này về Việt Nam. Tuy có gặp một số rắc rối mà những vị khách du lịch thường gặp phải trong các chuyến đi, tôi hy vọng sẽ quay lại mảnh đất này vào một ngày nào đó để tiếp tục khám phá những vùng đất mình chưa đặt chân đến.
Nguồn: News.zing.vn