HLV Hajime Moriyasu bị đặt dấu hỏi về cách sử dụng nhân sự cũng như sự chuẩn bị có phần chủ quan khi bắt đầu vòng loại thứ ba World Cup 2022.
Phân tích
Cú sốc trước Oman ở ngày mở vòng loại thứ ba World Cup 2022 khiến chiếc ghế của HLV Moriyasu thêm nóng. Truyền thông Nhật Bản đã dùng những lời lẽ gay gắt nhất để nói về thất bại của đội nhà trước Oman. Vấn đề lớn nhất của tuyển Nhật Bản dường như nằm ở vị HLV trưởng của họ.
Tuyển Nhật chủ quan?
Kyodo News gọi trận thua 0-1 trước Oman ngay trên sân nhà của tuyển Nhật Bản là một cú sốc.
Nhật Bản, đội đang đứng thứ 24 trên bảng xếp hạng FIFA, trình diễn một thứ bóng đá bạc nhược trước Oman. “Nhật Bản xứng đáng bị đối thủ xếp 79 trên BXH FIFA đánh bại”, Kyodo News viết.
Nếu nhìn vào danh sách 22 cầu thủ được HLV Moriyasu đăng ký thi đấu cho trận gặp Oman, không nhiều người tin đội nhà lại chơi thứ bóng đá bế tắc đến vậy ở Osaka.
Các cựu binh Nhật Bản như Nagatomo hay Yoshida có trận đấu vất vả trước Oman. Ảnh: Reuters. |
Phần lớn tuyển thủ Nhật Bản đều đang đá chính ở Bundesliga hay các giải đấu chất lượng khác tại châu Âu. Những cầu thủ như Yuya Osako, Daichi Kamada hay Wataru Endo đều được giới chuyên môn đánh giá cao tại Bundesliga. Họ cũng đã thi đấu ăn ý với nhau trong một thời gian.
Tính kết dính trong lối chơi thường là điểm mạnh của tuyển Nhật Bản. Tuy nhiên, tại sao họ lại trình diễn một bộ mặt nhợt nhạt đến vậy?
Cây viết Tetsuichi Utsunomiya đặt dấu hỏi trên Yahoo Japan về sự chuẩn bị trước trận đấu của HLV Moriyasu. Các ngôi sao của tuyển Nhật Bản chỉ tập trung 3 ngày trước khi trận đấu với Oman diễn ra. Đó là bất lợi của một đội bóng có dàn trụ cột đều thi đấu ở nước ngoài trong bối cảnh các quy định kiểm soát dịch bệnh vẫn khá nghiêm ngặt giữa các nước.
Bên cạnh đó, việc chân sút hàng đầu Takumi Minamino gặp vấn đề sức khỏe và phải ngồi dự bị là nguyên nhân khác. Tiền đạo của Liverpool cũng sẽ không thể ra sân trong trận gặp Trung Quốc vào ngày 7/9 khi chấn thương diễn biến nặng hơn.
Tất nhiên, với một tập thể còn nhiều cá nhân xuất sắc như Nhật Bản, sự vắng mặt của vài trụ cột hay thời gian tập trung gấp gáp không thể là lý do biện hộ cho thất bại. Vấn đề lớn của Nhật Bản nằm ở lối chơi và cách HLV Moriyasu sử dụng nhân sự.
Đội hình xuất phát Nhật Bản trận gặp Oman. |
Bàn thắng của Oman đến từ quả tạt ở cánh trái, cánh được bảo vệ bởi hậu vệ Yuto Nagatomo, người đã qua thời kỳ đỉnh cao. Nagatomo vẫn đang thất nghiệp kể từ khi rời Marseille vào tháng 7. Ở tuổi 34, liệu cựu sao Inter Milan có còn là chốt chặt đáng tin cậy của tuyển Nhật Bản?
Ở cánh đối diện, khả năng thi đấu ở trạng thái tốt nhất của hậu vệ cánh phải Hiroki Sakai cũng bị đặt dấu hỏi. Sakai, người đã hồi hương cho CLB Urawa Red Diamonds tại J1 League, nhiều lần để các cầu thủ tấn công Oman vượt qua.
Cặp hậu vệ cánh của Nhật Bản đã chơi đủ 90 phút và bộc lộ nhiều hạn chế về thể lực lẫn tốc độ trước Oman.
Việc HLV Moriyasu cho phép trung vệ Takehiro Tomiyasu vắng trận đấu với Oman để hoàn tất thủ tục ký hợp đồng với Arsenal cũng gây tranh cãi về cách tuyển Nhật chuẩn bị cho trận gặp Oman.
Không có tân binh từ Arsenal, HLV Moriyasu tiếp tục sử dụng trung vệ 33 tuổi Maya Yoshida ở trung tâm hàng thủ. Không thể nói Yoshida đã có trận đấu tốt trước Oman.
Vấn đề dường như nằm ở HLV Moriyasu khi ông vẫn đặt niềm tin lớn vào các cựu binh mà tước đi cơ hội của nhiều cầu thủ trẻ. Ở hàng công, chiến lược gia 53 tuổi cất cả 3 cầu thủ trẻ Ritsu Doan, Takefusa Kubo lẫn Kyogo Furuhashi lên băng ghế dự bị khi tiếp đón Oman.
Đến lúc Nhật Bản xây dựng lối chơi xung quanh Kubo hay Doan? Ảnh: AFC. |
Dấu hỏi cho HLV Moriyasu
Ông Moriyasu có lý của mình khi những cái tên đá chính như Osako hay Genki Haraguchi đều dày dặn kinh nghiệm chinh chiến tại Bundesliga hơn các tài năng kể trên.
Tuy nhiên, màn trình diễn trước Oman cho thấy tuyển Nhật thiếu sự đột biến và táo bạo trong lối chơi. Đây là điều mà Doan, Kubo hay Furuhashi có thể mang đến.
Branko Ivankovic, HLV trưởng tuyển Oman, sau trận thừa nhận ông đã nghiên cứu kỹ lối chơi của Nhật Bản và tạo cho đội chủ nhà một bất ngờ. Oman dâng cao pressing ngay từ đầu trận, khiến lối chơi thiên về kiểm soát bóng và chuyền ngắn của tuyển Nhật gặp vấn đề.
“Tôi nghĩ Nhật Bản bất ngờ và họ không thể tìm ra giải pháp để khắc chế lối chơi của chúng tôi”, Ivankovic nói. Cả Doan, Kubo hay Furuhashi đều đã được HLV Moriyasu tung vào sân ở hiệp 2 nhưng không thể tạo ra khác biệt.
Tuyển Nhật Bản dường như không được xây dựng để tối ưu hết khả năng của các cầu thủ sáng tạo và đột biến này. Furuhashi, người đã ghi tới 7 bàn sau 8 trận đầu tiên cho Celtic mùa này, nên được sử dụng ngay từ đầu để khai thác khoảng trống khi hàng thủ Oman dâng cao pressing.
Doan hay Kubo đều đóng vai nhạc trưởng ở đội Olympic nhưng sang tuyển quốc gia, mọi thứ hoàn toàn khác. HLV Moriyasu bị đánh giá chậm chạp trong việc thay đổi lối chơi hay tạo ra các miếng đánh đa dạng hơn ở tuyển Nhật.
Minamino sẽ vắng mặt trong trận gặp Trung Quốc, đòi hỏi HLV 53 tuổi phải tìm ra giải pháp thay thế. Áp lực cho ông Moriyasu lúc này không hề nhỏ dù Liên đoàn Bóng đá Nhật (JFA) không có thói quen sa thải HLV trưởng trong hoảng loạn.
HLV Moriyasu được xem là tổng công trình sư cho các đội tuyển Nhật Bản trong 3 năm qua. Ảnh: Reuters. |
Kể từ khi HLV sinh năm 1968 thay Akira Nishino 3 năm trước, thành tích của các đội tuyển Nhật Bản chưa thật sự ấn tượng. Dưới sự dẫn dắt của ông Moriyasu, tuyển Nhật thua Qatar 1-3 ở chung kết Asian Cup 2019. Đó là lần đầu tiên ĐTQG nước này thua ở một trận chung kết châu lục.
Ở giải U23 châu Á được tổ chức tại Thái Lan năm 2020, Nhật Bản chỉ giành được 1 điểm sau 3 trận và bị loại ngay vòng bảng. HLV Moriyasu sau đó lấy lại niềm tin với những màn trình diễn của Nhật Bản tại Olympic Tokyo 2020.
Tuy nhiên, tham vọng giành huy chương Olympic của đội chủ nhà tan thành mây khói sau hai trận thua trước Tây Ban Nha (bán kết) và Mexico (trận tranh huy chương đồng). Nhật Bản chuẩn bị kỹ cho Olympic Tokyo. Chất lượng nhân sự và lối chơi của họ khá ấn tượng nhưng đội chủ nhà lại gục ngã ở những thời khắc quan trọng nhất.
3 năm qua, HLV Moriyasu không khác gì kiến trúc sư trưởng của bóng đá Nhật Bản khi nắm cả đội Olympic lẫn ĐTQG. Tuy nhiên, chiến lược gia này đang mất dần niềm tin nơi công chúng.
Trận thua trước Oman có thể chỉ là tai nạn trong hành trình giành vé đến Qatar năm sau của bóng đá Nhật Bản. Với chất lượng nhân sự hiện có, các “Samurai Xanh” vẫn mạnh hơn nhiều so với các đối thủ còn lại trong bảng.
Tuy nhiên, bóng đá luôn khó đoán trước. Nhật Bản đã trắng tay trước một trong hai đối thủ yếu nhất bảng. Họ cần nhanh chóng trở lại quỹ đạo trong trận gặp Trung Quốc nếu không muốn điều tồi tệ nhất xảy ra.
Nguồn: News.zing.vn