Vân Đồn có 5 xã đảo là Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen. Với tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hoá lịch sử đặc sắc nhất huyện, hiện du lịch các tuyến đảo của huyện thu hút khoảng 70% lượng du khách đến Vân Đồn.
Bãi biển Trường Chinh, xã đảo Ngọc Vừng
Du lịch tuyến đảo của huyện xuất phát từ cảng Cái Rồng chạy ra các xã đảo Bản Sen, Thắng Lợi, Ngọc Vừng, Quan Lạn, Minh Châu. Trên các xã đảo có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như: Bãi tắm Minh Châu, Sơn Hào, Quan Lạn, Ngọc Vừng; bãi sá sùng, bãi rùa đẻ, rừng trâm Minh Châu; khu du lịch đảo Cống Tây. Các điểm di tích lịch sử văn hoá: Di tích thương cảng cổ Vân Đồn; cụm đình, đền, chùa, nghè Quan Lạn; các đền thờ Trần Khánh Dư và các tướng nhà Trần…
Dù tiềm năng rất lớn, nhưng đến nay du lịch các tuyến đảo của huyện vẫn chưa phát huy hết thế mạnh. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn sơ sài, chất lượng dịch vụ ở mức độ cơ bản tối thiểu, trừ vài khu nghỉ mát đã được đầu tư xây dựng như khu du lịch Minh Châu – xã Minh Châu, Vân Hải – xã Quan Lạn. Điểm tham quan trong vùng hầu như chưa được đầu tư các phương tiện phục vụ khách; hướng dẫn viên du lịch hoạt động kiêm nhiệm, chưa được đào tạo về nghiệp vụ. Các hoạt động du lịch chủ yếu tập trung ở các xã đảo Minh Châu, Quan Lạn, mức độ thấp hơn là Ngọc Vừng, hiện mới dừng ở tắm biển và nghỉ ngơi trong dịp hè, lễ, tết, cuối tuần. Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch cho các tuyến đảo của huyện còn hạn chế, chưa kết nối được cùng với du lịch Vịnh Hạ Long. Huyện chưa có trang web riêng về du lịch. Thông tin du lịch về Vân Đồn chủ yếu do một số doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đăng tải trên trang web của mình; huyện chưa có bộ máy và nhân lực chuyên trách về xúc tiến quảng bá du lịch, chưa có quy hoạch tổng thể phát triển du lịch…
Trước những khó khăn trong phát triển du lịch của huyện nói chung, du lịch các tuyến đảo nói riêng, Vân Đồn đã xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, xác định mục tiêu đến năm 2020 hoàn thiện phát triển không gian du lịch theo 4 cụm du lịch trọng điểm, trong đó có: Cụm du lịch trung tâm đảo Cái Bầu; Cụm du lịch sinh thái nông nghiệp đảo Trà Bản; Cụm du lịch nghỉ dưỡng biển Quan Lạn – Minh Châu; Cụm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp Thắng Lợi – Ngọc Vừng. Một số sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển: Đầu tư nâng cấp các khu nghỉ dưỡng biển hiện tại đạt tiêu chuẩn 4-5 sao ở khu du lịch trên đảo Ngọc Vừng, Quan Lạn, Minh Châu; các khách sạn cao cấp, khách sạn nhỏ, nhà nghỉ, nhà dân có phòng cho thuê (homestay) trên các đảo và các dịch vụ phục vụ du khách tắm biển, vui chơi. Xây dựng các tuyến phố đô thị thương mại, dịch vụ du lịch tại đảo Ngọc Vừng, Quan Lạn, Minh Châu; xây dựng quảng trường để tổ chức các lễ hội, sự kiện lớn tại đảo Ngọc Vừng, Quan Lạn. Quy hoạch khu du lịch Minh Châu – Quan Lạn có sân golf, sân bay trực thăng, khu resort, khu công viên chuyên đề… Huyện cũng xây dựng quy hoạch các sản phẩm du lịch sinh thái chính trên các tuyến đảo như: Xây dựng khu bảo tồn sinh thái rừng nhiệt đới dựa vào cộng đồng tại đảo Minh Châu; tham quan tìm hiểu về khu rừng trâm xã Minh Châu và tuyến đi bộ trải nghiệm rừng trâm – bãi Chương Nẹp; hoạt động xem rùa đẻ tại Minh Châu; Du lịch sinh thái nông nghiệp tại xã Bản Sen, xã Thắng Lợi…
Để biến những dự định, quy hoạch đó thành hiện thực, huyện cần công khai rộng rãi các quy hoạch cụ thể, cải thiện hạ tầng giao thông, dành quỹ đất và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư du lịch. Đặc biệt là có các phương án thu hồi đất đã cấp cho các dự án “treo”, đầu tư không đúng cam kết, sử dụng đất không đúng mục đích. Song song với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch bằng nhiều thứ tiếng, tạo trang web quảng bá du lịch Vân Đồn, điểm nhấn là các tuyến đảo; đào tạo nguồn nhân lực… Hy vọng, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp và quy hoạch đề ra, du lịch các tuyến đảo Vân Đồn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Thanh Hằng
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn