Văn hóa Chăm tỏa sáng giữa lòng Hà Nội

0
Văn hóa Chăm tỏa sáng giữa lòng Hà Nội

Ba toà tháp Chăm hiện hữu giữa lòng Hà Nội cùng với những ngôi nhà Rông, nhà Dài của đồng bào Tây Nguyên, nhà sàn của đồng bào Tày, Nùng, Thái… như minh chứng của sự hội tụ những đặc trưng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Quần thể Tháp Chăm được khởi công xây dựng ngày 19/3/2008 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam mô phỏng theo tổng thể nhóm tháp Poklong Garai (Ninh Thuận). Công trình kiến trúc đặc biệt này sẽ khánh thành vào ngày 23/11/2012, nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.

Biểu tượng của văn hóa Chăm giữa Thủ đô

Khu đền tháp Chăm là biểu tượng văn hóa, tôn giáo của dân tộc Chăm, là không gian đặc biệt linh thiêng đối với người Chăm, cũng là nơi hàng năm tổ chức lễ hội quan trọng, lớn nhất của người Chăm – lễ hội Katê. Việc xây dựng khu đền tháp Chăm tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam được coi là một trong những điểm nhấn trong tổng thể Khu các Làng dân tộc III – khu vực tái hiện làng của những dân tộc thuộc vùng Nam Trung Bộ, Nam Bộ. Đây sẽ là nơi sinh hoạt văn hóa của đồng bào Chăm mỗi khi ra sinh hoạt tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam. Điểm đặc biệt là Tháp Chăm tại Làng được xây dựng theo nguyên mẫu và theo tỷ lệ tương đương với tháp Poklong Garai Ninh Thuận, bao gồm: Tháp chính – tháp Kalan; Tháp hỏa – tháp Kosaghra và Tháp cổng – tháp Gopura.

Quần thể Tháp Chăm là điểm nhấn của du lịch Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam

Tháp Kalan: Là Tháp trung tâm với chức năng là đền thờ, có diện tích 155m2, cao 20,58m. Bên trong tháp chính, tại chính giữa, có đặt Linga và Yoni – hai khối vật thể biểu hiện tín ngưỡng phồn thực sâu sắc của người Chăm và cũng là biểu tượng cho thần Siva đầy uy lực mà người Chăm tôn thờ. Tháp được xây theo hình vuông. Chia làm 4 tầng, mỗi tầng có 4 tháp nhỏ dần theo tầng cao. Các hoa văn trang trí tương tự tháp tại khu Poklong Garai được kết hợp giữa các chi tiết đá sa thạch được đục bằng tay gắn vào và các hoa văn được đục trực tiếp trên khối gạch xây. Tại cửa vào, hốc mái vòm có trang trí các cột đá, ngưỡng đá, tượng đá.

Tháp hỏa Kosaghra: Có diện tích là 47,2m2, cao 9,66m, ở phía trước bên phải tháp chính theo hướng Đông. Kiến trúc có mặt bằng hình chữ nhật, có tường ngăn chia thành 2 phòng có chức năng là một nhà kho, bếp. Tháp có 2 tầng, 3 cửa với mái cong hình thuyền vươn cao.

Tháp cổng Gopura: Có mô hình kiến trúc tương tự Tháp Kalan nhưng quy mô nhỏ hơn với diện tích là 36m2, độ cao 9,72 m, có 2 cửa thông nhau, tháp có 3 tầng, có chức năng là nơi tiếp khách. Các hoa văn, họa tiết trang trí cũng tương tự như khu tháp Poklong Garai ở Ninh Thuận. Ngoài ra, còn có Sân lễ hội nằm giữa tháp cổng và tháp chính, là nơi tổ chức các hoạt động văn hoá tín ngưỡng, nghệ thuật của đồng bào dân tộc Chăm.

Tìm ra kỹ thuật xây dựng Tháp Chăm cổ xưa

Không chỉ mô phỏng đúng theo nguyên mẫu Tháp Chăm Poklong Garai, quần thể Tháp Chăm tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng được xây dựng theo kỹ thuật của người Chăm xưa. Gạch xây tháp Chăm là loại gạch phục chế, được sản xuất riêng với những yêu cầu khắt khe.

Cần xây dựng thêm quà lưu niệm từ Gốm làm sản phẩm hấp dẫn du khách

Nghệ thuật xây dựng tháp Chăm là một nghệ thuật đặc biệt. Đặc biệt từ thủ pháp chế tạo nguyên vật liệu, gạch dùng để xây tháp là loại gạch được sản xuất theo một phương pháp riêng: Bốn mặt được nung chín nhưng trong ruột vẫn còn “sống”. Tuy vậy dù có để ngoài trời hàng trăm năm gạch vẫn không bị rã, không thấm nước, khi gặp nước lại rất nhanh khô. Nhờ đó, đã trải qua hàng nghìn năm các toà tháp Chăm vẫn không bị rêu phong, hay ẩm ướt. Sự liên kết giữa các viên gạch được mài vào nhau đến mức như liền khít, sau đó được gắn với nhau bằng chất kết dính được chiết xuất từ cây Dầu Rái, loại cây được trồng nhiều ở vùng núi rừng phía Tây các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, Đông Nam bộ.

Để đảm bảo chuẩn về kiến trúc và kích thước so với nguyên mẫu của tháp Poklong Garai ở Ninh Thuận, công trình đã được thực hiện với sự tham gia trực tiếp của những người thợ, nghệ nhân, kỹ thuật viên, họa sỹ, nhà điêu khắc và một số thợ có tay nghề cao tại Ninh Thuận tham gia thi công, góp ý, theo dõi xây dựng.

Điểm nhấn du lịch

Bên cạnh việc là ngôi nhà để đồng bào Chăm và đồng bào các dân tộc Việt Nam khác cùng giao lưu, tìm hiểu và giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình khi ra sinh hoạt định kỳ tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam thì quần thể Tháp Chăm sẽ là một điểm đến hấp dẫn của du lịch văn hóa đối với du khách trong và ngoài nước. Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn, dù chỉ mới trong quá trình xây dựng và khai thác một phần nhưng Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn của người dân. Việc xây dựng và hoàn thành quần thể Tháp Chăm sẽ trở thành điểm nhấn thu hút du khách đến tìm hiểu về văn hóa các dân tộc nói chung và văn hóa đồng bào Chăm nói riêng.

Con số hơn 20 ngàn lượt khách/năm trong giai đoạn bước đầu khai thác là tín hiệu vui đối với Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian tới, cùng với việc hoàn thành quần thể Tháp Chăm, Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng cần xây dựng những sản phẩm du lịch gắn với từng cộng đồng dân tộc. Như ở làng gốm Bàu Trúc, Ninh Thuận du khách đặc biệt thích thú được xem những nghệ nhân chuốt gốm và mua các sản phẩm lưu niệm làm từ gốm. Tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam, nếu khai thác sản phẩm du lịch thì sẽ thêm sức hấp dẫn du khách bởi sự hội tụ đầy đủ và phong phú nhất cộng đồng các dân tộc tại Làng. Với người Thái, người H’Mông có thể là quá trình sản xuất đồ thổ cẩm, với đồng bào Chăm thì không gì đặc sắc hơn các sản phẩm gốm làm bằng tay…. Để khi đến với Làng, du khách thực sự thấy một ngôi làng sống động chứ không chỉ là những mô hình./.

Bài và ảnh: Hà An

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn